Giá thuốc và vật tư y tế có bị làm xiếc?

Trước những thông tin cho rằng, giá thuốc và vật tư y tế ở Hưng Yên đang bị làm xiếc, có sai phạm trong quy trình đấu thầu thuốc… phóng viên TNVN đã vào cuộc tìm hiểu sự thật của những thông tin này

Trong những ngày tìm hiểu sự thật về dư luận trái chiều và hình thành bài báo: “Thành lập Bệnh viện Sản nhi Hưng Yên - Quyết định có bất thường?”, Tổ phóng viên Nội chính, Báo TNVN còn bị thu hút bởi một luồng dư luận khác khiến nhiều người dân Hưng Yên đứng ngồi không yên. Đó là giá thuốc và vật tư y tế ở Hưng Yên đang bị làm xiếc, có sai phạm trong quy trình đấu thầu thuốc, có dấu hiệu Công ty cổ phần Dược Hưng Yên là “sân sau” của UBND tỉnh và Sở Y tế Hưng Yên… Đâu là sự thật?

Ông Phan Thanh Hải. Giám đốc Cty DPHY (thứ 2 từ trái sang) giãi bày nỗi niềm của người cung ứng với phóng viên báo TNVN

Đấu thầu giá thuốc đúng hay sai luật?

Từ quán nước vỉa hè, điểm chờ xe, bệnh viện, người dân xôn xao bàn tán về thông tin: UBND tỉnh Hưng Yên giao Sở Y tế đứng ra tổ chức đấu thầu thuốc là không đúng với hướng dẫn của Thông tư số 10/2007/TTLT-BYT-BTC của Liên Bộ Y tế - Tài chính, khiến người bệnh phải mua thuốc giá cao. Có người còn phân tích, theo quy định tại Điều II, Khoản 1, Thông tư 10  thì thẩm quyền phải thuộc về giám đốc các đơn vị y tế công lập. Giao cho Sở Y tế tổ chức đấu thầu là tước quyền phê duyệt hồ sơ mời thầu, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của giám đốc các đơn vị y tế công lập.

Trong khi đó, lại có người hé lộ cho chúng tôi, quyền lợi của một số cá nhân ở Hưng Yên bị “động chạm” nên họ mới đưa ra thông tin nhiễu loạn. Thể hiện ở chỗ, khi cung cấp thông tin, một mặt họ khẳng định Thông tư 10 quy định thẩm quyền phê duyệt hồ sơ mời thầu, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu thuộc giám đốc các đơn vị y tế công lập; mặt khác, họ cố tình “lờ” đi nội dung trong Thông tư 10 quy định, Sở Y tế tỉnh Hưng Yên có thể đứng ra tổ chức đấu thầu tập trung.

Để dư luận khỏi hoài nghi, xin trích nguyên văn Khoản 1, Điều IV trong Thông tư 10: “Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định việc tổ chức đấu thầu mua thuốc ở các cơ sở y tế công lập theo các hình thức dưới đây, cụ thể: Hoặc giao Sở Y tế tổ chức đấu thầu tập trung những loại thuốc có nhu cầu sử dụng thường xuyên, ổn định và có số lượng lớn cho tất cả các cơ sở y tế công lập thuộc địa phương...”.

Như vậy, Sở Y tế đứng ra tổ chức đấu thầu thuốc là theo quy định của pháp luật, không hề tước quyền của ai.

Vấn đề cần đặt ra ở đây là tại sao UBND tỉnh Hưng Yên lại giao cho Sở Y tế mà không để các đơn vị y tế công lập tự tổ chức? Xét trên địa bàn một tỉnh, câu trả lời thật đơn giản, để các đơn vị y tế tự đấu thầu sẽ xảy ra chuyện loạn giá thầu; giá trúng thầu của cùng một mặt hàng sẽ mỗi nơi một giá. Chính vì xuất phát từ thực tế này, các chuyên gia kinh tế đã thẳng thắn đề cập một hiện tượng tiêu cực - sự chung chi giữa đơn vị trúng thầu và đơn vị gọi thầu. Chung chi càng lớn, ngân sách Nhà nước (do tiền thuế người dân đóng góp) càng bị thất thoát, suy cho cùng, quyền lợi của người dân sẽ không được đảm bảo. Do đó, lựa chọn Sở Y tế đứng ra tổ chức đấu thầu tập trung sẽ dễ quản lý hoạt động đấu thầu hơn so với tổ chức ở nhiều nơi, đặc biệt sẽ loại bỏ tình trạng loạn giá trúng thầu, khi đó giá trúng thầu sẽ là giá chung cho các cơ sở y tế trong toàn tỉnh.

Về “Công ty sân sau”

Việc Công ty cổ phần Dược phẩm Hưng Yên (Cty DPHY) lần đầu tiên bị dư luận đồn thổi là “Cty sân sau” của UBND tỉnh và Sở Y tế đang gây bức xúc trong tập thể CBCN Cty. Cho đến thời điểm Tổ phóng viên xác minh, chưa thấy một căn cứ nào chứng minh cho sự “đồn thổi” ấy.

Theo tìm hiểu của Tổ phóng viên, Cty DPHY tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước duy nhất của tỉnh đóng vai trò chủ lực trong công tác hậu cần cho ngành y tế địa phương từ những năm 1960 - 1961. Sau 6 năm hoạt động theo mô hình Cty cổ phần, trong điều kiện hết sức khó khăn của một tỉnh mới được tái lập, Cty đã từng bước vươn lên, khẳng định dấu ấn về hình ảnh và thương hiệu của mình:  125/200 CBCNV Cty có trình độ trung cấp, đại học và trên đại học; Cơ sở vật chất được tập trung đầu tư với mạng lưới bán hàng rộng rãi trong toàn tỉnh; Theo tiêu chuẩn GDP, Cty đã xây dựng được 4 cơ sở đạt tiêu chuẩn thực hành tốt phân phối thuốc, trên 20 quầy thuốc đạt tiêu chuẩn thực hành tốt bán lẻ… Cùng với đó là con số thị phần, doanh thu, đối tác bạn hàng, đặc biệt là những doanh nghiệp có sản phẩm chất lượng tốt gắn bó bền chặt với Cty.

Một Cty như thế đương nhiên sẽ nhận được sự quan tâm của UBND tỉnh, nhất là trong bối cảnh Thủ tướng ban hành Quyết định số 43/2007/QĐ-TTg, ngày 29/3/2007, về việc phê duyệt đề án “Phát triển công nghiệp dược và xây dựng mô hình hệ thống cung ứng thuốc của Việt Nam giai đoạn 2007-2015 và tầm nhìn đến năm 2020”. Thực tế, nhiều địa phương đã có những chính sách và cơ chế quan tâm đầu tư xây dựng mạng lưới cung ứng thuốc của địa phương để làm tốt chính sách an sinh xã hội.

Vậy thì tại sao lại có sự “đồn thổi” đối với Cty này?

Căn cứ đầu tiên làm phát sinh dư luận là Cty được UBND tỉnh “ưu ái” với quy định: “Năng lực nhà thầu thấp nhất phải tương đương Cty DPHY” để Sở Y tế tổ chức đấu thầu tập trung. Lời “đồn thổi” sẽ có lý phần nào nếu việc lựa chọn này là không có căn cứ, hạn chế các nhà thầu tham gia  để Cty DPHY thâu tóm toàn bộ thị trường thuốc Hưng Yên. Tuy nhiên, kết quả đấu thầu đã bác bỏ lời đồn.

Về căn cứ quy định năng lực nhà thầu, đó là Thông tư số 05/2010/TT-BKH, ngày 10/2/2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Về kết quả đấu thầu 6 tháng đầu năm 2011: có tới 31 nhà thầu mua hồ sơ, 24 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu và 17 nhà thầu trúng thầu; tổng giá trị gói thầu là trên 45 tỷ đồng, Cty DPHY có giá trị trúng thầu chỉ trên 4,8 tỷ đồng, chiếm 10,5%. 6 tháng cuối năm, có 30 nhà thầu mua hồ sơ, 26 nhà thầu nộp hồ sơ và 18 nhà thầu trúng thầu. Tổng giá trị các gói thầu là trên 40 tỷ đồng, Cty DPHY có giá trị trúng thầu trên 6,6 tỷ đồng, chiếm 16,5%. Cả 2 lần, Cty DPHY đều không phải là đơn vị có giá trị trúng thầu cao nhất. Ông Hoàng Văn Bào, Giám đốc Sở Y tế Hưng Yên lắc đầu nói: “Với giá trị trúng thầu còn khiêm tốn như vậy mà người ta đã nói, UBND tỉnh và Sở Y tế đã có ưu ái Cty DPHY. Tôi thật không hiểu nổi!”

Căn cứ thứ hai mà lời “đồn thổi” lấy làm điểm tựa, đó là Cty DPHY được lựa chọn cung ứng những mặt hàng không nằm trong danh mục đấu thầu, các mặt hàng đấu thầu nhưng không thành và các mặt hàng nhà thầu trúng thầu bỏ không cung ứng. Đây có phải là sự ưu ái?

Có một thực tế chắc chắn nhiều người chưa quên. Đó là năm 2006, tại Hội nghị đánh giá rút kinh nghiệm qua 2 kỳ đấu thầu thuốc, đã có nhiều ý kiến phát biểu về tình trạng thiếu thuốc sử dụng, trong khi mua tại Cty DPHY là có ngay nhưng lại không được thanh toán vì không phải là đơn vị trúng thầu. Nguyên nhân là do xây dựng tiêu chí năng lực nhà thầu quá thấp, các nhà thầu trúng thầu số lượng ít chỉ quan tâm cung ứng thuốc cho BVĐK tỉnh mà bỏ các BV tuyến dưới. Vì vậy, Hội nghị đã thống nhất đề nghị chỉ tổ chức đấu thầu những mặt hàng sử dụng với số lượng lớn, còn lại đề nghị giao cho Cty DPHY cung ứng.

Tiếp đến, tại Hội nghị liên ngành Y tế - Tài chính - Kế hoạch đầu tư - Văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên và một số đơn vị trong ngành y tế (BVĐK tỉnh, BV YHCT, Trung tâm Y tế Mỹ Hào, Trung tâm Y tế Khoái Châu), căn cứ Thông tư 10/2007/TTLT-BYT-BTC, Quyết định số 43/2007/QĐ-TTg ngày 29/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ, Hội nghị đã thống nhất: Các mặt hàng không nằm trong danh mục đấu thầu, các mặt hàng đấu thấu nhưng không thành và các mặt hàng đơn vị trúng thầu bỏ không cung ứng, giao cho Cty DPHY cung ứng. Trường hợp Cty DPHY không đáp ứng được trong vòng 7 ngày, các đơn vị trình Sở Y tế chọn nhà cung ứng cho phù hợp.

Trong quá trình cung ứng, có vướng mắc giữa BVĐK tỉnh và Cty DPHY, nhưng 2 đơn vị đã có sự điều chỉnh kịp thời. Hiện tại, theo Sở Y tế, “việc cung ứng và hoạt động giữa 2 đơn vị đã và đang tiến hành bình thường”.

Gọi là “bình thường” nhưng thực tế, theo Cty DPHY cho biết, tại thời điểm 30/6/2011, BVĐK tỉnh đang nợ Cty trên 10 tỷ đồng, thời gian nợ là 8 tháng. Với lãi suất ngân hàng hiện hành, tổng lãi gộp các mặt hàng Cty bán cho BVĐK 6 tháng đầu năm 2011 chưa đủ chi trả lãi suất ngân hàng và một số chi phí tối thiểu khác. Còn năm 2010, cũng vì thời gian nợ quá lâu, BVĐK tỉnh đã khiến cho Cty DPHY lỗ nặng. Cty cũng khẳng định, việc ông Nguyễn Tiến Thuấn, Trưởng khoa Dược BVĐK cho rằng Cty bán hàng với giá cả quá cao, có mặt hàng tăng trên 200%, gây thiệt hại lớn cho BVĐK tỉnh là không đúng sự thật.

Lời phản tố

Ngày 8/9/2011, Tổ phóng viên đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc BVĐK tỉnh để làm rõ thông tin: Giá thuốc, vật tư y tế Cty DPHY cung ứng cao hơn giá thị trường? Ông Bình đã viết giấy giao nhiệm vụ cho ông Nguyễn Tiến Thuấn làm việc với Tổ phóng viên. Một cán bộ bước vào phòng, nhận  “sắc lệnh” trên tay ông Bình rồi dẫn phóng viên đến phòng ông Thuấn.

Cầm trên tay giấy giao nhiệm vụ của Giám đốc, ông Thuấn nói: “Tôi đã nói với ông Bình, tôi không thực hiện cái lệnh của anh được nữa. Bởi vì anh đưa cho tôi một cái vụ rất dở hơi. Anh chủ trương, anh làm việc thì lẽ ra anh tiếp, anh gảy xuống đây rồi bôi cái mặt tôi lên. Bây giờ các anh đến rồi, tôi không thể trốn được. Các anh lại bảo tôi là chống đối này khác. Còn riêng cái lệnh này, đối với tôi thì không là cái gì cả”. Nói dứt câu, ông Thuấn cầm tờ giấy (ông Bình viết) bóp nát, vo tròn, rồi ném xuống sàn nhà.

Làm việc với chúng tôi, ông Thuấn uất ức: “Đây là những ngày tháng cực kỳ khó khăn với tôi. Mọi người đã hiểu lầm tôi khi cho rằng, tôi là trung tâm của sự rắc rồi. Tôi đã mất ăn mất ngủ về chuyện này. Đúng là tai họa. Năm nay, tôi 53 tuổi, tháng 7 là tháng hạn của tôi. Nói thật, tôi rất khổ các anh ạ!”.

Rồi ông Thuấn khẳng định: Giá thuốc Cty DPHY bán cho BVĐK tỉnh không cao hơn giá thị trường. Việc tổ chức đấu thầu thuốc tại Hưng Yên được tổ chức công khai, minh bạch, có sự cạnh tranh về giá, do đó giá thấp hơn các tỉnh và thị trường tự do. Đối với các mặt hàng thuốc gây nghiện, hướng tâm thần, các mặt hàng khan hiếm trên thị trường, sử dụng với số lượng ít nhưng lại rất cần thiết phục vụ cấp cứu, yêu cầu phải đáp ứng kịp thời, nên không thể đặt vấn đề kinh doanh đơn thuần. Và Cty DPHY đã phục vụ các mặt hàng này không vì mục đích lợi nhuận. Việc nợ đọng tiền thuốc của BVĐK tỉnh đối với Cty DPHY là có thật, thông thường là từ 7 - 10 tỷ đồng. Một số mặt hàng tăng giá không điều chỉnh kịp thời, Cty đã chấp nhận lỗ khi cung ứng cho BVĐK tỉnh…

Những lời phản tố trên đây của ông Nguyễn Tiến Thuấn - người được cho là “ngọn nguồn” của dư luận đồn thổi - đã đủ để bạn đọc hiểu rõ bản chất của luồng dư luận đang gây bức xúc trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Thiết nghĩ, không cần phải bình luận gì thêm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên