Giải A báo chí Quốc gia: "Thao thức" cùng Sông Tranh 2

(VOV) -Loạt phóng sự của Phạm Tấn Tư, Phan Thanh Hà và Đặng Văn Năm: “Dư chấn” lòng dân, đoạt giải A Báo chí Quốc gia 2012.

Năm 2012, những người làm báo ở miền Trung bị “ông” Thủy điện Sông Tranh 2 “quần” cho tơi tả. Hết chuyện rò rỉ nước tại thân đập lại đến động đất liên tiếp xảy ra, bao vấn đề nóng cứ thế kéo những người làm báo vào cuộc. Sau hơn 1 năm lăn lộn cùng bà con vùng động đất, VOV đã chắt chiu, gửi gắm vào loạt phóng sự: Động đất ở Thủy điện Sông Tranh 2: “Dư chấn” lòng dân của nhóm tác giả Phạm Tấn Tư, Phan Thanh Hà và Đặng Văn Năm. Có lẽ chính sự chân thật, dung dị nhưng cũng rất quyết liệt, đi đến cùng của sự kiện mà loạt phóng sự này được thính giả hoan nghênh, đồng nghiệp đánh giá cao… 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra đạp Thủy điện Sông Tranh 2

Ăn, ngủ cùng Sông Tranh 2

Đêm 18/3/2012, chúng tôi còn đang “mắt nhắm mắt mở” thì nhận được điện thoại của lãnh đạo cơ quan: Thủy điện Sông Tranh 2 bị nứt, sáng mai anh em mình đi làm tin ngay. Vậy là tờ mờ sáng hôm sau, chúng tôi tức tốc lên đường. Con đường từ Đà Nẵng lên Thủy điện Sông Tranh 2 ở huyện miền núi cao Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam chỉ hơn 120 cây số, nhưng hôm ấy xe chạy hoài chẳng thấy đến.

Trong lòng mỗi người rối bời. Lẽ nào một công trình đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng vừa mới phát điện đã bị nứt thân đập? Qua kiểm chứng thông tin và xác định: Hiện tượng rò rỉ nước tại bờ đập chính Thủy điện Sông Tranh 2 là có thật. Sự phát hiện này được xem là khởi đầu cho những tháng ngày ăn, ngủ cùng thủy điện. Không mấy ai hiểu được rằng, chúng tôi đã âm thầm vượt qua nhiều trở ngại như thế nào?

Thử thách đầu tiên là trong buổi sáng 19/3, khi chúng tôi tìm gặp lãnh đạo Ban Điều hành thì “đụng” phải đội ngũ bảo vệ cản đường với câu trả lời lạnh lùng: “Hôm nay lãnh đạo không có ở đây!”. Nhìn nét mặt ai nấy đằng đằng sát khí, anh em đành quay đầu xe về lại Ủy ban nhân dân huyện Bắc Trà My và tìm cách tiếp cận khác. Tại đây, qua trao đổi với các vị lãnh đạo và người dân địa phương, chúng tôi cũng có được những thông tin ban đầu về hiện tượng rò rỉ nước tại bờ đập chính Thủy điện Sông Tranh 2.

Hàng rào ngăn cản phóng viên tiếp cận hiện trường

Để “mục sở thị”, chúng tôi đề nghị các vị lãnh đạo huyện Bắc Trà My đưa đi thực tế tại khu vực bờ đập chính. Ngay ở chân công trình, mọi người hết sức hoang mang khi nhìn thấy từ trong khối bê tông khổng lồ được kết cấu bằng 5 cửa xả tràn, thi công theo công nghệ đầm lăn hiện đại, nước theo vết nứt tuôn ra xối xả.

Thông tin về sự cố rò rỉ nước thân đập lập tức lên sóng VOV1 (Hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp, Đài TNVN) trong Chương trình Thời sự trưa ngày 19/3. Hôm đó, chúng tôi làm việc quên cả ăn trưa; người thì xuống các bản làng của xã Trà Đốc tìm hiểu cuộc sống của bà con Cadong; người thì đi gặp lãnh đạo địa phương; người thì “đánh võng” với Ban Quản lý công trình và các chuyên gia để khai thác những thông tin, số liệu liên quan đến sự cố.

Cuối ngày, câu chuyện rò rỉ nước tại Thủy điện Sông Tranh 2 và cuộc sống của bà con khu vực phía dưới thân đập… được phản ánh kịp thời trên các phương tiện truyền thông của Đài TNVN (Hệ phát thanh VOV1, Báo Điện tử VOV, Kênh Truyền hình VOV). Đêm đến, chúng tôi không về huyện mà ở lại với đồng bào, lắng nghe bà con trò chuyện và cảm nhận hơi thở của cuộc sống nơi đây, nghe nhịp đập của những con tim thổn thức. Đồng bào đã bắt đầu mường tượng ra cái sự không bình thường của đập thủy điện.

Phóng viên VOV "ăn. ngủ" cùng Thủy điện Sông Tranh 2

Liên tiếp những ngày sau đó, chúng tôi trở thành những “phóng viên cắm bản”. Bất kỳ đoàn công tác nào của Trung ương, tỉnh đến kiểm tra công trình thủy điện này, thông tin liên tục được cập nhật trên sóng. Đã có lúc chúng tôi bị hành hung, xỉ vả, nhưng bên cạnh còn có đồng bào và chính quyền địa phương đứng ra chở che, bảo vệ. Và sau lưng luôn có đồng nghiệp, bạn bè ủng hộ.

Hiện tượng rò rỉ nước qua thân đập chưa lắng xuống thì liên tiếp xảy ra các đợt rung chấn, động đất lớn nhỏ ở khu vực Thủy điện Sông Tranh 2. Tần suất và cường độ các trận động đất mạnh dần lên làm sập nhà, nứt vách khiến người dân hoang mang, chính quyền địa phương bất an. Cứ sau mỗi lần như vậy, chúng tôi lại vượt hàng trăm cây số bằng xe đò, xe máy đến với đồng bào vùng động đất. Cả năm 2012, chúng tôi cứ đi đi về về vùng đất này không biết bao nhiêu lần. Có lẽ, chỉ có tình yêu nghề và trách nhiệm với công việc mới giúp chúng tôi vượt qua bao khó khăn, gian khổ.

Nhớ lại khi vừa xảy ra hiện tượng rò rỉ nước qua thân đập, nhiều đoàn công tác các bộ ngành Trung ương về khảo sát, kiểm tra không cho nhà báo tiếp cận. Nhưng cái “máu nghề” đã thôi thúc chúng tôi bằng mọi cách phải lấy được thông tin “nóng nhất” cung cấp cho quý thính giả. Vậy là, phải kiên trì đeo bám, buộc các chuyên gia, nhà quản lý phải lên tiếng, dù ít ỏi, ngắn gọn nhưng rất có giá trị thời sự vào thời điểm ấy. Nhiều cuộc phỏng vấn chớp nhoáng tại hiện trường mà chỉ có phóng viên Đài TNVN thực hiện được.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn kiểm tra đập Thủy điện Sông Tranh 2

Sau một năm lăn lộn với động đất ở Thủy điện Sông Tranh 2, chúng tôi học được nhiều điều từ thực tế cuộc sống. Anh em quen dần với các thuật ngữ chuyên ngành như: “động đất kích thích”, “động đất kiến tạo”, “đới đứt gãy”, “trạng thái ứng suất tới hạn”, “độ bền của đới đất đá trong đới đứt gãy dẫn tới dịch trượt”, “chấn tiêu động đất”, “chấn tâm động đất”… Sau một năm đi - hỏi – nghe – thấy, chúng tôi càng thấm thía hơn nỗi hoang mang, lo lắng của đồng bào vùng động đất. Những chuyên gia ở Viện Vật lý địa cầu, Viện Địa chất, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần dần dần trở thành những người bạn thân thuộc, sẵn sàng giúp đỡ, trả lời phỏng vấn ngay cả đêm hôm khuya khoắt hay ngày nghỉ. Họ đã giúp chúng tôi có đủ thông tin, số liệu khoa học trong hành trình đi tìm nguyên nhân của động đất và “dư chấn” lòng dân.

Thao thức với thủy điện

Cuối năm 2012, động đất ở Thủy điện Sông Tranh 2 tạm lắng xuống. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Lần giở từng tin bài viết về động đất có đến vài trăm. Chuẩn bị kế hoạch bài Tết, lãnh đạo cơ quan yêu cầu viết ngay loạt bài phóng sự về động đất ở Thủy điện Sông Tranh như một câu chuyện thời sự của năm 2012. Đây là vấn đề nóng, kéo dài suốt năm gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Anh em cùng ngồi nghe lại những băng ghi âm, kiểm tra từng số liệu, chi tiết, xem kỹ những hình ảnh về thủy điện và cuộc sống của bà con.

Bình tâm lắng nghe những lời tâm sự mộc mạc của đồng bào càng hiểu thêm nỗi niềm của bà con. Đó là tiếng lòng thổn thức của những con người sống trong nỗi sợ hãi. Là tiếng nấc nghẹn của cháu Trần Thị Tiên ở thôn 2, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My mỗi lần nghe nhắc đến động đất đều chưa hết hoảng sợ: “Cháu sợ lắm, ngủ ở nhà dưới cũng sợ, chạy ra ngoài sân cũng sợ, sợ nứt ở dưới chân nữa, sụp xuống thì mình chết thôi”.

Giọng nói thảng thốt ấy được đưa vào phần mở đầu của bài viết thứ nhất: “Nỗi ám ảnh động đất”. Kèm theo đó là lời bình với những câu chữ dung dị, nhẹ nhàng mà day dứt. Tựa như tiếng lòng trào dâng của những người trong cuộc chứ không có sự can thiệp của lý trí. Chúng tôi ngồi nghe lại tất cả các ý kiến của chủ đầu tư, các chuyên gia, nhà quản lý, các bộ ngành Trung ương, chính quyền địa phương. Rất nhiều ý kiến ngụy biện cho sự sai sót trong quá trình đầu tư xây dựng thủy điện. Vài người có trách nhiệm thì ém nhẹm, bưng bít thông tin. Để rồi khi trả lời chất vấn trước Quốc hội cứ ấp a ấp úng, vòng vo.

Với những con người này, chúng tôi dùng lời lẽ cứng rắn hơn, triết luận hơn. Các tuyến nhân vật cũng đã đi theo chúng tôi trong bài viết tiếp theo: “Làng cũ mình về”. Trong phóng sự thứ hai này đã kể lại cuộc sống cơ cực của người dân tái định cư, những người nhường đất xây dựng công trình thủy điện, mà nay đành phải sống trong nỗi khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Kết thúc bài viết này là lời nhắc nhủ: “Xin nhớ cho rằng, trong chiến tranh, Trà My là căn cứ địa vững chắc của cách mạng. Đồng bào nơi đây đã từng chịu nhiều hy sinh, mất mát. Vì thế, một công trình nào mọc lên trên vùng đất này đều phải hướng đến việc trả ơn, trả nghĩa cho đồng - bào - cách - mạng!”. Sẽ chưa có hồi kết cho sự toan tính thiệt hơn đối với những ai chỉ biết nghĩ đến đồng tiền, lợi ích kinh tế trước mắt mà quên đi cuộc sống lâu dài của người dân. Đấy cũng là thông điệp chúng tôi gửi gắm ở bài cuối “ Câu chuyện chưa có hồi kết”.

Ông Bùi Trung Dung, Phó Cục trưởng Cục Kiểm định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) nhận được sự quan tâm của báo giới (Ảnh: Nguyên Khôi)

Loạt phóng sự “Động đất ở Thủy điện Sông Tranh 2: “Dư chấn” lòng dân” phải viết đi viết lại, sửa lên sửa xuống không dưới 5 lần và dàn dựng khá công phu. Tất cả những gì diễn ra từ thực tế khu vực thủy điện Sông Tranh được chắt lọc, sắp xếp lại thành câu chuyện thời sự của năm 2012 một cách chân thực, một tác phẩm báo chí mang đậm chất văn học. Câu chuyện thời sự này cũng đã được đưa ra tranh luận sôi nổi tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 13.

Sau khi loạt phóng sự phát trên sóng VOV1 gây tiếng vang lớn, chính quyền và người dân địa phương gọi điện động viên, đồng nghiệp đánh giá cao. Tình cảm ấy chính là phần thưởng xứng đáng cho tinh thần lao động miệt mài, nghiêm túc của chúng tôi. Điều sâu xa hơn, đó còn là sự trả nghĩa của những người làm báo đối với đồng bào vùng động đất Thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam./.  

- Công trình Thủy điện Sông Tranh 2 có tổng mức đầu tư 5.194 tỉ đồng, xây dựng từ tháng 3/2006 gồm 2 tổ máy, tổng công suất 190 MW, dung tích hồ chứa nước khoảng 730 triệu m3, thiết kế cao hơn vùng hạ lưu 100 m. Chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam

 - Để xây dựng công trình này, 834 hộ dân phải vào các khu tái định cư, hầu hết đều thiếu đất sản xuất.

 - Cuối năm 2012, UBND tỉnh Quảng Nam chuyển đổi 1.300 hécta rừng phòng hộ đầu nguồn để bố trí đất sản xuất cho các hộ dân.

- Đến nay, Ban Quản lý Dự án Thủy điện 3 đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành kiểm kê, đánh giá thiệt hại do rung chấn động đất tại thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam ( 2 đợt, gần 1.800 hộ dân và hơn 30 công trình công cộng), tổng kinh phí 6,343 tỷ đồng.

- Ngày 18/3/2012: Phát hiện rò rỉ nước thân đập thủy điện Sông Tranh 2. Thời gian xử lý thấm bắt đầu từ ngày 2/6, kết thúc ngày 19/7/2012.

- Năm 2012, xảy ra hơn 100 trận dư chấn, động đất lớn nhỏ ở khu vực này.

- Trận động đất mạnh nhất là 4,7 độ rích – ter, xảy ra lúc 14 giờ 24 phút ngày 25/11/2012 chấn động cả huyện Bắc Trà My, gây rung lắc đến tận các huyện miền núi Tây Trà, Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi và các huyện đồng bằng tỉnh Quảng Nam

- Đã có hàng trăm Đoàn tác của các Bộ, ngành Trung ương đến kiểm tra công trình Thủy điện Sông Tranh 2.

- Chiều 12/9/2012, tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Đoàn công tác của Bộ Khoa học Công nghệ, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam và Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khảo sát tình hình động đất ở khu vực Bắc Trà My và lân cận.

- Ngày 28/9/2012, tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Hội đồng nghiệm thu nhà nước, Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức họp báo về công trình Thủy điện Sông Tranh 2.

- Ngày 30/9/2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri huyện Bắc Trà My, khẳng định Chính phủ sẽ thực hiện hết trách nhiệm của mình để đảm bảo an toàn người và tài sản cho người dân khu vực Sông Tranh 2.

- Ngày 13/11/2012, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng về mức độ an toàn của công trình Thủy điện Sông Tranh 2.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Động đất thủy điện Sông Tranh 2: “Dư chấn lòng dân”
Động đất thủy điện Sông Tranh 2: “Dư chấn lòng dân”

(VOV) -Cuộc sống của người dân ở Bắc Trà My đảo lộn khi phải sống nơm nớp trong nỗi lo động đất

Động đất thủy điện Sông Tranh 2: “Dư chấn lòng dân”

Động đất thủy điện Sông Tranh 2: “Dư chấn lòng dân”

(VOV) -Cuộc sống của người dân ở Bắc Trà My đảo lộn khi phải sống nơm nớp trong nỗi lo động đất