Giải “cơn khát” sinh đủ 2 con tại đô thị
VOV.VN - Theo Tổng cục Thống kê, trong khoảng 30 năm qua, xu hướng hôn nhân và mức sinh thay đổi rất lớn. Trong đó, xu hướng không muốn hoặc sinh 1 con đang lan rộng tại các đô thị, nhất là thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, khiến mức sinh giảm từ 3,8 con năm 1989 xuống dưới mức 2 con vào năm 2023.
Chưa bao giờ cơn khát “sinh đủ 2 con” tại đô thị lại “nóng” như lúc này. Đề xuất ưu tiên mua nhà ở xã hội một lần với cặp vợ chồng sinh đủ hai con tại các vùng sinh thấp của Bộ Y tế mới đây, liệu có là kỳ vọng cho vấn đề “ngại cưới, lười sinh".
Báo cáo của Tổng cục Thống kê tháng 7 vừa qua cho thấy, 21/63 tỉnh, thành có mức sinh thấp, chiếm gần 40% dân số cả nước, hầu hết nằm ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đô thị hóa cao, tăng trưởng kinh tế nhanh. Trong đó, TPHCM đang là một trong những địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước. Với độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 30,4 tuổi, cao kỷ lục toàn quốc nhưng số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chỉ 1,32 con.
Thuê nhà tại quận Tân Bình, anh Hoàng Tuấn (42 tuổi) chia sẻ, vợ chồng cưới nhau được 11 năm, có một con gái 8 tuổi. Trước dịch COVID-19, anh làm công nhân, hiện đã nghỉ việc làm tự do, do chủ lao động cắt việc, khó xin việc. Vợ làm công việc văn phòng. Khó khăn từ lo liệu chi phí sinh hoạt đến việc đưa đón con đi học nên vợ chồng anh quyết định chỉ sinh một con, phía gia đình hai bên vì thế cũng không dám thúc giục.
“Việc chi tiêu không được thoải mái lắm, phải chi tiêu tính toán kỹ lưỡng, không dư giả nên việc tiếp cận nhà ở xã hội rất khó khăn. Cộng thêm việc chăm sóc con cái, sinh hoạt ăn học ngủ nghỉ của con hai vợ chồng phải chia nhau sắp xếp nên chỉ có thể sinh một bé", anh Hoàng Tuấn cho biết.
Trong khi đó, bạn Phương Thảo - sinh viên năm ba, trường Đại học Luật TP.HCM lựa chọn tập trung tích lũy kinh nghiệm làm việc sau khi ra trường, đến khi sự nghiệp lẫn tài chính ổn định mới tính chuyện lập gia đình, sinh con.
“Tầm 24, 25 tuổi em ít nghĩ đến chuyện kết hôn, đợi đến lúc chín mùi trong sự nghiệp tầm ba mươi mấy trở lên. Tại vì khi sinh con mà thực tế không có gì thì mình sẽ không thể nào cho con điều kiện tốt nhất được”.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến xu hướng người trẻ ngại kết hôn và sinh con. Theo Thạc sĩ Võ Minh Thành – Giảng viên Khoa Tâm lý học Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, ngoài lý do về tạo dựng kinh tế và sự nghiệp, nhiều bạn có quan niệm sống trải nghiệm, hưởng thụ hết tất cả cho bản thân, sau đó mới nghĩ đến chuyện lập gia đình.
“Một trong những lý do đầu tiên là các bạn lo kinh tế, công danh sự nghiệp; nhất là các bạn nữ, khi cưới và sinh con sẽ chậm lại việc phát triển sự nghiệp. Một phần nữa là các bạn thấy các trường hợp cưới xong rồi đổ vỡ, chia tay nên một số bạn cũng mất niềm tin vào tình yêu”.
Ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM cho biết, để khuyến khích độ tuổi kết hôn, sinh con, Chi cục dân số đã có những đề xuất gửi Sở Y tế để trình UBND thành phố phê duyệt Đề án các giải pháp tăng tổng tỉ suất sinh, quản lý sức khỏe phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ em trên địa bàn giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Trong đó, giải pháp tập trung hỗ trợ các chi phí y tế cho việc mang thai và sinh con đối với các cặp vợ chồng sinh con lần 2 trước 35 tuổi, hỗ trợ chi phí khám sức khỏe trước khi kết hôn.
Về đề xuất ưu tiên hỗ trợ mua nhà ở xã hội một lần với cặp vợ chồng sinh đủ hai con, ông Phạm Chánh Trung đánh giá:
“Với quan điểm đề xuất sinh đủ 2 con được ưu tiên mua nhà ở xã hội đã từng được đưa ra trong các hội thảo, ý kiến chuyên gia. Tuy nhiên, giải pháp về hỗ trợ nhà ở xã hội có thực hiện được hay không còn phải có nhiều sự phản biện của xã hội để chính sách ban hành phù hợp với điều kiện đặc thù tại TP.HCM và nguyện vọng của đối tượng thụ hưởng chính sách”.
PGS. TS Nguyễn Đức Lộc – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội cũng cho rằng, đây là một trong những chính sách thực tế, có thể giải quyết được số lượng nhất định các cặp vợ chồng trẻ thời kỳ đầu gặp khó khăn trong chỗ ở và làm việc tại thành phố. Tuy nhiên, ngoài chỗ ở, nhà nước cũng cần giải tỏa áp lực chi phí về giáo dục và nuôi dưỡng cho cặp vợ chồng trẻ sinh con.
Mặt khác, một tỷ lệ nghịch là những hộ kinh tế khó khăn sinh nhiều hơn những người có điều kiện kinh tế lại không muốn sinh con hoặc sinh ít. Do đó, nhà nước cần có những cuộc khảo sát, nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng về các quan điểm, nhận thức để rõ hơn về động cơ, suy nghĩ, hành động của những người trẻ về khuynh hướng kết hôn và sinh con hiện nay.
“Chúng ta tìm thêm những nguyên nhân khác nữa. Bên cạnh hỗ trợ tài chính, chúng ta cần thêm vấn đề về truyền thông thay đổi nhận thức, cũng là một trong những giải pháp quan trọng trong lúc này”, PGS. TS Nguyễn Đức Lộc cho biết.
Thực tế, nhiều người thu nhập cao vẫn không thích cưới, sinh con mà chuyển sang nuôi thú cưng, thậm chí chọn xu hướng mẹ đơn thân.
Theo các chuyên gia, nếu mức sinh về dưới 1,3 con thì hầu như không có khả năng hồi phục về mức sinh thay thế. Trong khi các quốc gia đang “đau đầu” gỡ bài toán này, đã đến lúc TP.HCM và các địa phương cần đưa ra những quyết sách kịp thời, nhằm vực dậy tỷ lệ sinh các năm tới.