Giải pháp chủ yếu để thực hiện thắng lợi đề án cải cách tiền lương
VOV.VN - Để thực hiện thắng lợi nghị quyết và đề án cải cách tiền lương, cần thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây.
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp đồng bộ với quá trình tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh giản biên chế, bảo đảm chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vụ sự nghiệp công lập theo các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII; thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; qua đó nhằm nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, phương pháp, cách làm, tạo sự đồng thuận ở các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, người hưởng lương và toàn xã hội trong việc thực hiện chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về tiền lương. Qua đó, thúc đẩy trở lại quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải cách tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động sự nghiệp dịch vụ công phục vụ nhân dân.
Thứ hai, tích cực xây dựng hệ thống vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý về vị trí việc làm và các tiêu chí đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức gắn với từng vị trí việc làm trong khu vực công trên cơ sở tổng kết thực hiện quy định của Luât cán bộ, công chức, Luật viên chức và tham khảo kinh nghiệm của quốc tếđể làm căn cứ tuyển dụng, sử dụng, đánh giá và trả lương đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Các cơ quan chức năng căn cứ nội dung của đề án để xây dựng và ban hành văn bản quy định chế độ tiền lương mới. (Ảnh minh họa: TTXVN) |
Thứ ba, xây dựng và ban hành chế độ tiền lương mới. Thực hiện Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý chính sách tiền lương của toàn hệ thống chính trị, trực tiếp là Bộ Chính trị quyết định và giao cơ quan chức năng ban hành văn bản quy định chế độ tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang từ Trung ương đến cấp xã và người lao động trong doanh nghiệp.
Các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước căn cứ nội dung của đề án để xây dựng và ban hành văn bản quy định chế độ tiền lương mới để thực hiện từ năm 2021 trở đi; hướng dẫn thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới để bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.
Thứ tư, quyết liệt thực hiện các giải pháp tài chính, ngân sách là giải pháp đột phá để tạo nguồn lực cho cải cách chính sách tiền lương. Thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về phát triển kinh tế tư nhân, về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công theo Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị nhằm phát triển nguồn thu bền vững, tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương.
Cơ cấu lại thu ngân sách Nhà nước bảo đảm tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước ở mức phù hợp. Triển khai các nhiệm vụ cơ cấu lại thu ngân sách Nhà nước theo hướng bảo đảm tổng nguồn thu và cơ cấu thu bền vững, tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các chính sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thuế, bao quát nguồn thu mới, nhất là khu kinh tế phi chính thức; tăng cường quản lý thu, tạo chuyển biến rõ nét trong việc chống thất thu, xử ký và ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, chuyển giá, trốn thuế.
Hằng năm, ưu tiên dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương, khoảng 40% tăng thu ngân sách trung ương cho cải cách chính sách tiền lương. Tiếp tục thực hiện tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên tăng thêm hằng năm cho đến khi chuyển sang thực hiện khoán quỹ tiền lương trên cơ sở hằng năm, các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành (đối với ngân sách địa phương) và các dự án đầu tư theo quy định (đối với các địa phương có tỷ lệ điều tiết) theo Nghị quyết của Quốc hội phải tiếp tục sử dụng để thực hiện cải cách chính sách tiền lương sau năm 2020, không sử dụng vào mục đích khác khi không được cấp có thẩm quyền cho phép.
Cơ cấu lại chi ngân sách Nhà nước gắn với cải cách chính sách tiền lương. Bố trí triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cơ cấu lại chi một số lĩnh vực sự nghiệp công gắn với việc điều chỉnh giá, chi phí với các dịch vụ sự nghiệp công. Bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước như: tiền bồi dưỡng họp; tiền bồi dưỡng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án; hội thảo, hội họp, ăn trưa,…
Trên cơ sở đảm bảo mục tiêu tinh giản biên chế, thực hiện khoán quỹ lương cho các cơ quan, đơn vị để khuyến khích tiết kiệm sử dụng biên chế, dành nguồn tăng chi thu nhập cho người lao động. Mở rộng cơ chế khoán kinh phí gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ. Khi xây dựng, sửa đổi, bổ sung văn bản quy định chính sách, chế độ không có tính chất lương, không quy định các chính sách, chế độ này gắn với mức lương của cán bộ, công chức, viên chức. Nghiên cứu quy định khoán các chế độ ngoài lương (xe ô tô, nhà ở, khám chữa bệnh,…).
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi từ phí sang thực hiện giá dịch vụ sự nghiêp công theo hướng Nhà nước quy định khung giá dịch vụ, từng bước tính đủ các chi phí đối với các loại dịch vụ cơ bản, thiết yếu, đồng thời gắn với chính sách hỗ trợ phù hợp cho người nghèo, đối tượng chính sách. Đối với giá dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách Nhà nước, giao quyền tự chủ cho các đơn vị cung ứng dịch vụ tự quyết theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy.
Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước được trả lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp và phải tự đảm bảo nguồn thực hiện khi Nhà nước điều chỉnh chính sách tiền lương, ngân sách nhà nước không bổ sung.
Đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm một phần chi thường xuyên, tiếp tục sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ (riêng ngành y tế sử dụng tối thiểu 35% sau khi trừ các chi phí đã kết cấu vào giá dịch vụ), tiết kiệm 10% chi thường xuyên nguồn ngân sách tăng thêm hằng năm và sắp xếp từ nguồn dự Toán ngân sách nhà nước được giao để đảm bảo nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo quy định của Nhà nước.
Đơn vị sự nghiệp công lập không có nguồn thu do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên, thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên nguồn ngân sách tăng thêm hằng năm và sắp xếp từ nguồn dự toán ngân sách nhà nước được giao để thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo quy định.
Thứ năm, triển khai có hiệu quả các Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là nhiệm vụ đột phá.
Điều kiện tiên quyết cho việc cải cách chính sách tiền lương phụ thuộc trực tiếp vào việc triển khai có hiệu quả các Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh giản biên chế, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Kết quả của việc thực hiện các Nghị quyết này quyết định mức độ và lộ trình cải cách chính sách tiền lương. Theo đó, phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị và người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập với việc thể chế hóa và thực hiện các Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, đặc biệt là việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tạo nguồn bền vững cho cải cách chính sách tiền lương.
Thứ sáu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, lao động, doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội và pháp luật có liên quan đến chính sách tiền lương trong khu vực công và khu vực doanh nghiệp; đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, bổ nhiệm, kỷ luật, trả lương và quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong doanh nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp. Xây dựng cơ sở dữ liệu Quốc gia về đối tượng và tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm liên thông, tích hợp với các cơ sở dữ liệu Quốc gia khác có liên quan.
Hoàn thiện cơ chế thỏa thuận về tiền lương trong doanh nghiệp thông qua việc thiết lập cơ chế đối thoại, thương lượng và thỏa thuận giữa các chủ thể trong quan hệ lao động theo hướng công khai, minh bạch, dân chủ, đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động, tạo sự đồng thuận cao. Phát triển tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn cơ sở, quản lý tốt việc thành lập và hoạt động của tổ chức đại diện người lao động. Cơ quan thống kê Nhà nước công bố mức sống tối thiểu hàng năm để làm căn cứ xác định mức lương tối thiểu và khuyến nghị các định hướng chính sách tiền lương; tăng cường điều tra, công bố định kỳ thông tin, số liệu về tiền lương và thu nhập của cả khu vực công và khu vực thị trường.
Tăng cường phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành với cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính các cấp trong quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, tránh chồng chéo, lãng phí. Quy định rõ quyền hạn gắn với trách nhiệm người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội.
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách tiền lương theo quy định của pháp luật trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình né tránh, thực hiện không nghiêm túc hoặc không thực hiện nhiệm vụ được giao trong thực hiện cải cách chính sách tiền lương gắn với cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập và vi phạm quy định pháp luật về tiền lương. Nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số và cơ chế báo cáo định kỳ, công khai, minh bạch thông tin, số liệu về tổ chức bộ máy nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, các khoản chi tiền lương trong khu vực công.
Thứ bảy, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Trên cơ sở quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, các cơ quan Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến địa phương lãnh đạo triển khai đồng bộ các giải pháp của Đề án thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình bảo đảm thực hiện cải cách chính sách tiền lương đạt kết quả, mang lại hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế.
Phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương đồng bộ với sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.
Tăng cường vai trò và năng lực của tổ chức công đoàn là tổ chức đại diện của người lao động trong quan hệ lao động phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế./.
Cải cách tiền lương: 4 lần cải cách, sửa đổi, vẫn còn nhiều bất cập
Tiền lương: Cần tách bạch khu vực hành chính và sự nghiệp
Toàn cảnh 3 ngày Hội nghị T.Ư7: Bàn về công tác cán bộ và tiền lương