Giải pháp nào cho vấn đề thiếu thuốc khi chưa “gỡ rối” được đấu thầu?
VOV.VN - Các chuyên gia không ít lần thảo luận tìm giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế cấp bách hiện nay. Một trong những nguyên nhân là chưa “gỡ rối” được khâu đấu thầu.
>> Bệnh viện chờ thuốc, bệnh nhân đành xin chuyển viện
>> Làm sao để đấu thầu thuốc không còn tâm lý “sợ sai”?
Vừa qua, tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2022, đại diện Bộ Y tế tiếp tục nhận được câu hỏi về giải pháp cho vấn đề thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế tại nhiều bệnh viện và cơ sở y tế, nhất là khi chưa “gỡ rối” được khâu đấu thầu.
Bộ Y tế, cơ quan chức năng cùng lãnh đạo các bệnh viện, các chuyên gia không ít lần ngồi vào bàn thảo luận tìm giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế cấp bách hiện nay. Nhiều ý kiến phân tích nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan đã được đưa ra. Trong đó, nguyên nhân chủ quan đầu tiên được các chuyên gia đề cập là quy định từ Luật Đấu thầu cho đến các Thông tư của Bộ Y tế hướng dẫn các quy định đấu thầu.
“Đây là những quy định rất chặt chẽ và càng chặt chẽ bao nhiêu thì càng khó thực hiện bấy nhiêu, vì vậy phải có sự rà soát, đánh giá để xem vấn đề thể chế có vướng mắc hay không”, TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) đánh giá.
Ngày 3/8/2022, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia đã công bố kết quả lựa chọn nhà thầu đối với 3 gói thầu thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia, với tổng giá kế hoạch hơn 7.630 tỷ đồng, giá trúng thầu là 6.293 tỷ đồng, tiết kiệm được 1.337 tỷ đồng, thậm chí có thuốc chỉ còn 46-48% so với giá kế hoạch. Tuy nhiên, lãnh đạo các bệnh viện cho biết, với các vật tư, thiết bị y tế thì các quy định mua sắm vẫn đang “bó” và rất khó mua.
Thể chế chưa rõ ràng, minh bạch
Tại cuộc tọa đàm “Các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế”, lãnh đạo BV Bạch Mai dẫn chứng, nếu bệnh viện muốn mua một số thiết bị y tế thì phải có 3 báo giá để làm giá kế hoạch và giá này phải được cập nhật trong 12 tháng. Tuy nhiên, trong 12 tháng qua, thậm chí trong 2 năm chống dịch vừa rồi, bệnh viện chủ yếu tập trung vào mua sắm vật tư y tế cấp bách để chống dịch. “Còn các thiết bị y tế để chẩn đoán, điều trị những bệnh thông thường thì trong 24 tháng qua, tôi khẳng định là các cơ sở y tế rất ít mua sắm. Do vậy, bây giờ chúng tôi cần 3 báo giá để mua sắm một thiết bị y tế mà phải cập nhật trong vòng 12 tháng là điều hoàn toàn không khả thi”, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc BV Bạch Mai cho biết.
TS. Nguyễn Huy Quang phân tích cụ thể các nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế, trong đó có nguyên nhân do một số thể chế hiện nay chưa rõ ràng, chưa minh bạch, dẫn tới các đơn vị tham gia đấu thầu, kể cả Bộ Y tế, Sở Y tế và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có được hành lang pháp lý đầy đủ, nên e dè và e ngại trong việc thực hiện tổ chức đấu thầu. Nguyên nhân khác nữa do năng lực thực hiện công tác đấu thầu cả từ Trung ương đến cấp địa phương và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng có những hạn chế nhất định; các doanh nghiệp không tham gia đấu thầu vì không có lợi nhuận do giá thuốc tăng, hồ sơ mời thầu có giá thấp…
Ông Nguyễn Huy Quang cũng nêu một số đề xuất, để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế, trước tiên phải có đánh giá xem tình trạng thiếu thuốc ở từng cấp, Trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện, trung tâm y tế… mức độ như thế nào, thiếu những dòng thuốc nào. Tiếp đó, cần xem nguyên nhân của từng đơn vị vì mỗi đơn vị ở vùng miền khác nhau, mô hình khác nhau, cách quản lý cũng khác nhau, cần phải có đánh giá này càng sớm càng tốt.
Chuyên gia cũng đề nghị Chính phủ sớm xem xét các vướng mắc đã được Bộ Y tế đề cập trong dự thảo trình Chính phủ. Đây là những vấn đề vượt quá thẩm quyền của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư và BHXH Việt Nam. Bên cạnh đó, một số văn bản sắp hết hạn như Nghị quyết 12 của Quốc hội và một số nội dung liên quan đến giá thuốc trong Luật Dược, một số quy định của Luật Đấu thầu, cần phải xem xét những vướng mắc cơ bản vì thuốc và trang thiết bị y tế là những mặt hàng kinh doanh có điều kiện và rất đặc trưng, liên quan trực tiếp đến sức khỏe của con người, rất cần phải có những giải pháp để triển khai thực hiện...
Hành động của Bộ Y tế
Trước phản ánh thực tế từ các bệnh viện, cơ quan chức năng, cụ thể là Bộ Y tế cho biết, đã thành lập các đoàn để xác định tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế ở tất cả các cơ sở y tế trên toàn quốc để từ đó có những số liệu rõ ràng và trên cơ sở đó mới đưa ra được giải pháp cụ thể.
“Trong đấu thầu thuốc tập trung quốc gia, chúng ta đều phải yêu cầu lập kế hoạch. Khi lập kế hoạch phải đảm bảo sử dụng ít nhất 80% thuốc trong nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên, có những thuốc cá biệt khi được đàm phán giá hay đấu thầu tập trung thì số lượng sử dụng chỉ khoảng 20-25% so với nhu cầu đặt ra. Như vậy, có thể khẳng định không phải thiếu thuốc ở tất cả các đơn vị và ở tất cả các danh mục thuốc”, TS. Nguyễn Thị Ngọc Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm Mua sắm đấu thầu thuốc tập trung Quốc gia cho biết.
Trả lời câu hỏi tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2022, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, đối với việc tháo gỡ khó khăn liên quan đến đấu thầu tại các bệnh viện, Bộ Y tế đang tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tăng cường năng lực, hiệu quả công tác mua sắm, đấu thầu.
“Các công việc liên quan như đẩy mạnh cấp phép, quản lý giá thuốc, trang thiết bị y tế. Nhất là đối với các thuốc hiếm; đẩy nhanh tiến độ các gói thầu đối với các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia và danh mục thuốc đàm phán giá”, bà Liên Hương nói.
Bà Liên Hương cũng cho biết, Bộ Y tế tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế về công tác quản lý trang thiết bị y tế, nghiên cứu đề xuất với Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù về dự trữ đối với một số thuốc hiếm, thuốc cần thiết cho điều trị các bệnh hiếm gặp để kịp thời phục vụ công tác mua sắm, điều trị tại các cơ sở. Đồng thời, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp dược sản xuất thuốc hiếm.
Bộ Y tế cũng yêu cầu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối các cơ sở sản xuất, xuất nhập khẩu thuốc để theo dõi nguồn cung của thuốc, từ đó có căn cứ để điều tiết kịp thời việc nhập khẩu, kinh doanh đảm bảo đủ cho nhu cầu.
“Bộ Y tế tăng cường hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng thuốc có hoạt chất, tác dụng tương tự. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, thúc đẩy việc mua sắm tại các cơ sở khám, chữa bệnh”, đại diện Bộ Y tế nói.
Đồng thời cần phải rà soát, sửa đổi các văn bản pháp quy để cải tiến việc cấp phép thuốc nhanh hơn; cơ chế đấu thầu cũng cần thay đổi phù hợp để tăng cường hơn nữa nguồn cung cấp thuốc cho điều trị.
Tại cuộc họp giữa Bộ Y tế với đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam về xây dựng danh mục, nhu cầu thuốc điều trị, TS Soccoro Escalante, Trưởng nhóm phát triển hệ thống y tế của WHO tại Việt Nam cho rằng, thiếu thuốc không chỉ là vấn đề về mua sắm mà còn là vấn đề làm sao việc mua sắm thuốc đảm bảo đúng quy trình. Thuốc điều trị phải sẵn có trên thị trường và đảm bảo cung ứng đủ cho công tác khám chữa bệnh. Trong đó thuốc thiết yếu cần phải nằm trong danh mục được cấp phép.
Cũng theo bà Soccoro, Cục Quản lý Dược cần xem xét, đánh giá lại các thuốc đang lưu hành trên thị trường, các thuốc được cấp phép và lưu hành trên thị trưởng, xem thuốc nào đã đăng ký, thuốc nào chưa được đăng ký, xem xét chu kỳ cấp phép.
Cục Quản lý Dược cần phối hợp Cục Quản lý Khám chữa bệnh trong đề xuất danh mục và nhu cầu đối với từng danh mục để có biện pháp đáp ứng đủ thuốc thiết yếu, đồng thời, cần phải xác định lại danh mục thuốc hiếm, các loại thuốc sử dụng thường xuyên, các loại thuốc có thể thay thế, các thuốc sử dụng trong cộng đồng để luôn đảm bảo nguồn cung ứng. Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia xem xét tổ chức đấu thầu tập trung các loại thuốc hiếm, thuốc sử dụng trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu, chống độc, thuốc chuyên khoa không thể thay thế…/.