Giải pháp nào đổi mới nền giáo dục Việt Nam?
VOV.VN -Đây là mục đích của chuỗi hội thảo bàn tròn với chủ đề “Triết lý giáo dục Việt Nam” diễn ra tại Pháp.
Ngày 10/5, hội thảo bàn tròn với chủ đề “Triết lý giáo dục Việt Nam” đã diễn ra tại trường đại học Sorbonne tại Paris, Pháp. Đây là hội thảo đầu tiên trong chuỗi hội thảo giáo dục được Hội chuyên gia Việt Nam tại Pháp AVSE tổ chức trong năm 2014 và 2015.
Phóng viên VOV thường trú tại Pháp có cuộc trò chuyện với Tiến sỹ ngành giáo dục học Nguyễn Thụy Phương, Trưởng Ban tổ chức, về ý tưởng và mục đích tổ chức chuỗi hội thảo giáo dục này.
TS Nguyễn Thụy Phương |
PV: Thưa chị, trước hết chị có thể cho biết vì sao Hội chuyên gia Việt Nam tại Pháp (AVSE) nảy ra ý tưởng tổ chức chuỗi hội thảo giáo dục này?
TS Nguyễn Thụy Phương: “Hội chuyên gia Việt Nam tại Pháp (AVSE) là một tổ chức hội tụ các chuyên gia và các nhà nghiên cứu người Việt đang làm việc cả ở trong và ngoài nước. Vì vậy, một trong những hoạt động của hội là tổ chức những ngày nghiên cứu cho các nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập tại Pháp và châu Âu hay các cuộc hội thảo nghiên cứu và khoa học ở nhiều lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, xây dựng, kiến trúc đô thị… Ý định làm hội thảo hay tọa đàm về giáo dục được ấp ủ từ trước, đến nay Hội mới có điều kiện về nhân lực để triển khai.
Mặt khác, đối mặt trước thực trạng giáo dục nước nhà, bản thân nhiều thành viên trong Hội từng là sản phẩm của nền giáo dục đó, nay công tác trong lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy ở Pháp, chúng tôi cảm thấy vừa là một nhu cầu tìm hiểu vừa là một trách nhiệm cùng nhau tìm ra những phương hướng hay giải pháp cải thiện hay đổi mới nền giáo dục nước nhà.”
PV: Tiếp theo hội thảo đầu tiên vừa diễn ra, kế hoạch triển khai chuỗi hội thảo trong thời gian tiếp theo sẽ như thế nào? Và liệu hội có tính đến tính ứng dụng như thế nào khi lựa chọn những chủ đề cho các hội thảo?
TS Nguyễn Thụy Phương: “Chuỗi hội thảo này sẽ diễn ra trong hai năm 2014-2015. Hiện nay chúng tôi đã dự tính được 6 nội dung cho 6 bàn tròn, cần phải mất tối thiểu là 2 tháng cho khâu tổ chức (dựng nội dung, lên chương trình, tìm kiếm và mời diễn giả). 6 nội dung dự kiến là : Triết lý giáo dục Việt Nam, Đại học nghiên cứu, Các trường ĐH quốc tế tại Việt Nam, Môi trường dạy và học ĐH, Tự chủ đại học, Đào tạo nghề và nhân công.
Cái mà chúng tôi gọi là « tính ứng dụng » cho chuỗi trao đổi học thuật này là đưa ra được những so sánh, phân tích, kiến giải và đề xuất giải quyết một vài chủ đề nổi trội trong đời sống giáo dục Việt Nam hiện nay. Ví dụ “phát triển các trường ĐH quốc tế ở Việt Nam”, “cách thức thực thi tự chủ đại học” hay “gây dựng môi trường giảng dạy & nghiên cứu ĐH” với các cơ quan chức năng hoặc với chính các trường ĐH ở Việt Nam. Nếu những ý kiến của chúng tôi được lắng nghe thì hội có thể cử các chuyên gia của chính hội hoặc các đồng nghiệp là các chuyên gia ngoại quốc về Việt Nam cùng làm việc hay triển khai dự án với các đồng nghiệp trong nước.”
PV: Theo chị, địa bàn Pháp có những điểm đặc thù thế nào về giáo dục cũng như đội ngũ chuyên gia bàn về chủ đề giáo dục này có những lợi thế nào có thể giúp ích cho việc cải cách giáo dục nước ta?
TS Nguyễn Thụy Phương: “Một lý do hết sức đơn giản khi làm ở Paris là vì các thành viên ban tổ chức hiện đang sống và làm việc tại đây. Chúng tôi có mạng lưới đồng nghiệp Pháp và ngoại quốc, những người cũng đang đi làm nhiệm kỳ ở Paris và chúng tôi muốn tận dụng lợi thế « địa-giáo dục » này của Paris để làm bàn tròn.
Ngoài ra, theo quan sát và nhận định của chúng tôi, các thực trạng nổi cộm mà nền giáo dục Việt Nam đang đương đầu thì cũng là những vấn đề mà nhiều quốc gia khác đang phải đối mặt. Người Việt chúng ta than nền giáo dục khủng hoảng, nước Pháp phàn nàn nền giáo dục của họ đang thụt lùi hay người Ý thì bi quan trước sự xuống dốc của giáo dục Ý…
Điều lý thú trên phương diện học thuật là cùng một hiện trạng nhưng nguyên nhân hay hướng giải quyết thì lại khác nhau ở từng quốc gia. Cùng trao đổi, chia sẻ và thảo luận với các đồng nghiệp là để đối chiếu, so sánh và phân tích, đó là thao tác làm việc của chúng tôi trong chuỗi bàn tròn này. »
PV: Xin chị chia sẻ trường hợp riêng cá nhân chị, trong lĩnh vực chị nghiên cứu là khoa học giáo dục, thì chị mong muốn đóng góp như thế nào vào sự nghiệp giáo dục của quê nhà?
TS Nguyễn Thụy Phương: “Giáo dục học là một ngành khoa học xã hội tương đối rộng và mang sẵn tính liên ngành, địa phận của tôi trong ngành này là giao thoa giữa lịch sử và xã hội học giáo dục. Tôi muốn tìm một lời giải thích hay giải đáp từ lịch sử rằng liệu có một nguyên do mang tính lịch sử nào dẫn đến những vấn đề kéo dài của giáo dục Việt Nam. Chỉ riêng trong thế kỷ XX, Việt Nam đã tiếp nhận nhiều học thuyết tư tưởng, ảnh hưởng văn hóa và mô hình giáo dục ngoại quốc: Pháp, Trung Quốc, Mỹ, Liên Xô và gần đây là toàn cầu hóa.
Vậy những vấn đề mà giáo dục Việt Nam gặp phải hiện nay liệu có phải là do hệ quả của sự du nhập hay nhập khẩu đó hay là do tác động của sự phát triển kinh tế thị trường? Bằng cách tiếp cận lịch sử xã hội về giáo dục, tôi muốn tìm hiểu sự tiếp nhận các mô hình ngoại quốc, sự ảnh hưởng tác động của chúng trong lịch sử giáo dục Việt Nam và mối tương tác giữa Việt Nam và các quốc gia đó. Đây là cái nhìn tổng quát về mục đích nghiên cứu còn trên thực tế, tôi phải tiến hành từng bước một bằng những công trình nghiên cứu hết sức cụ thể.
PV: Xin cảm ơn chị./.