Giải pháp nào hạn chế nhập lậu đường?

Tình trạng nhập lậu đường diễn ra phức tạp trên các tuyến biên giới làm ảnh hưởng đến việc thị trường mía đường trong nước.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nhiều năm qua nguồn đường nhập lậu tuồn vào thị trường trong nước lên tới 200.000 tấn/năm.

Số lượng đường nhập lậu tăng dần do nhu cầu tiêu thụ tăng lên trong khi sản lượng đường sản xuất trong nước 10 năm qua chỉ dừng lại ở ngưỡng 1 triệu tấn/năm.

Hoạt động nhập lậu đường tại khu vực biên giới Tây Nam rất quy mô và chuyên nghiệp, cá biệt có ngày lên tới hàng trăm tấn.

Sau khi vào Việt Nam, lượng đường này nhanh chóng được chuyển tới các trung tâm tiêu thụ.

Đường nhập lậu chiếm 1/4 sản lượng đường trong nước mỗi năm đã tác động xấu đến ngành mía đường Việt Nam.

Các nhà máy đường không thể cạnh tranh với đường nhập lậu, sản xuất khó khăn, thua lỗ, khó có điều kiện phát triển.

Hậu quả mang tính dây chuyền không chỉ ở phía các nhà máy đường mà tác động xấu, trực tiếp đến hàng triệu nông dân trồng mía, làm phá vỡ các cân đối ngành và quốc gia.

Vẫn chưa thể xử lý triệt để được tình trạng nhập lậu đường (Ảnh: KT)

Bà Bùi Thị Quy- Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Mía đường Cồn Long Mỹ Phát, tỉnh Hậu Giang cho biết, tình hình nhập lậu mía đường tại các tỉnh phía Nam hiện nay rất nghiêm trọng. Để hạn chế tình trạng này, ngay từ khi sản xuất, các nhà máy đường chỉ nên bán ra chứ không nên dự trữ, bởi việc tích trữ đường là cơ hội cho đường ngoại xâm nhập vào Việt Nam. Song song với việc này thì lãi suất ngân hàng cũng là một trong những vấn đề mà các doanh nghiệp sản xuất mía đường đang quan tâm.

Bà Quy phân tích: “Muốn giảm tình hình đường nhập lậu, Chính phủ nên quan tâm đến lãi suất ngân hàng để cho doanh nghiệp. Với lãi suất có thể tăng như hiện nay thì các doanh nghiệp, nhà máy đường khó tồn tại. Đồng thời nếu đầu ra ổn định thì các doanh nghiệp đường cũng sẽ hạ giá thành xuống, chấm dứt tình trạng nhập khẩu đường ồ ạt”.

Còn theo ông Phạm Ngọc Thao- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Mía đường Sơn La, có nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng nhập lậu đường, trong đó có giải pháp nội lực là các công ty đường trong nước phải cố gắng để hạ giá thành hợp lý, nâng cao chất lượng đường, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người trồng mía và các công ty, nhà máy sản xuất đường.

Vấn đề mà nhiều nhà máy đường lo lắng hiện nay là giá thành sản xuất cao, lượng đường tồn kho lớn, dẫn đến nguy cơ nhiều nhà máy đường thua lỗ. Cùng với đó là việc nhập khẩu lậu đường đang diễn ra tràn lan nhất là tại các tỉnh biên giới Tây Nam như: Tây Ninh, Long An, Lao Bảo, Quảng Trị, Hà Tĩnh….

Ông Phạm Ngọc Thao cho rằng, với việc nhập khẩu đường, Nhà nước phải có biện pháp để bảo vệ ngành đường trong nước. Hiện nay lượng đường nhập khẩu lậu không kiểm soát được dẫn tới việc cạnh tranh không lành mạnh. Giá đường trong nước xuống thấp đồng nghĩa với nhiều hệ lụy dẫn tới việc người nông dân không trồng mía, các nhà máy thua lỗ vì không cạnh tranh được về giá…

Hiệp hội Mía đường Việt Nam và các nhà máy đường đã nhiều lần làm việc với các địa phương, cơ quan chống buôn lậu, thế nhưng tình hình buôn lậu đường không những chưa được kiểm soát mà còn gia tăng về số lượng, công khai về phương thức.

Để giải quyết vấn đề nhập lậu đường hiện nay, đại diện của Hiệp hội mía đường Việt Nam cho rằng, toàn bộ số đường lậu bị phát hiện, thu giữ đều phải thực hiện tái xuất 100% qua các nhà máy đường.

Trong điều kiện chưa thể giải quyết triệt để ngay tình trạng đường nhập lậu, Nhà nước cần điều chỉnh thảm thuế suất VAT ngành đường xuống mức 0%, điều này giúp ngành đường trong nước có môi trường cạnh tranh tốt hơn, giải quyết được phần nào những khó khăn trước mắt.

Các nhà máy đường cần có những biện pháp chủ động tự bảo vệ qua việc sử dụng tem chống hàng nhái, hàng giả, giúp cơ quan chức năng có thể phát hiện ngay hàng nhập lậu khi kiểm tra.

Trong bối cảnh doanh nghiệp trong nước đang nỗ lực chống lạm phát và đối phó với biến động tỷ giá, đường nhập lậu nói riêng và hàng lậu nói chung đang làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Để góp phần ngăn chặn tận gốc tình trạng buôn lậu đường, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa việc quản lý các chợ vùng biên, kiên quyết không để hàng lậu thâm nhập.

Các doanh nghiệp cần đổi mới chiến lược kinh doanh, phương thức sản xuất, nghiên cứu các mặt hàng thay thế hàng nhập khẩu, cải tiến quy trình công nghệ để hạ giá thành sản phẩm, đảm bảo chất lượng và phù hợp thị hiếu khách hàng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên