Giải pháp nào huy động dân tham gia bảo hiểm xã hội?
VOV.VN -Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 11 đặt mục tiêu đến 2020, cả nước có 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội
Nhằm hiện thực hóa chủ trương nhất quán: bảo hiểm xã hội toàn dân, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Khóa 12 đã thông qua Ðề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội với nhiều nội dung cần tập trung cải cách trên cơ sở đảm bảo 3 nguyên tắc: công bằng, có đóng - có hưởng và chia sẻ.
9 nội dung cần tập trung cải cách trong BHXH (ảnh minh họa). |
“Những giải pháp căn cơ” cần thiết
Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 11 đặt mục tiêu đến 2020, cả nước có 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH). Theo số liệu thống kê mới nhất, đến thời điểm này, con số ước đạt gần 13.900.000 người.
Năm 2020, dự báo lực lượng lao động khoảng 60 triệu người, đồng nghĩa với con số mục tiêu phải đạt (bao gồm cả bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện) là 30 triệu.
Từ gần 13,9 triệu đến 30 triệu là một khoảng cách rất lớn, trong bối cảnh còn nhiều bất cập khi triển khai thực hiện chính sách BHXH. “Thúc đẩy cải cách”, ở thời điểm này, là lựa chọn đúng, theo quan điểm của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp: “An sinh xã hội là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia. BHXH là một trong những trụ cột chính của an sinh xã hội. Mở rộng diện bao phủ BHXH là câu chuyện đã được bàn nhiều năm. Những năm qua, lượng người tham gia BHXH không nhiều, tỷ lệ không cao nên cần tính đến những giải pháp căn cơ hơn để có thể đạt được mục tiêu đó”.
“Những giải pháp căn cơ” mà Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp nhắc đến, chính là 9 nội dung cần tập trung cải cách trong BHXH, mới được Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Khóa 12 thông qua như: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng; sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia BHXH; tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách BHXH; thiết kế lại chính sách và tổ chức thực hiện nhằm củng cố niềm tin của người tham gia vào hệ thống BHXH hay đẩy nhanh quá trình chuyển dịch lao động làm việc trong khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức để gia tăng số lao động tham gia...
Đáng chú ý, cả 9 giải pháp đều bắt nguồn từ khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới (WB). Bà Nguyễn Nguyệt Nga - chuyên gia cao cấp của WB lý giải về một trong các giải pháp này: “Mức độ tin cậy ở đây là hệ thống, chế độ của chúng ta, chính sách của chúng ta - người ta chưa cảm thấy tin tưởng. Đóng tiền vào mà chưa biết sau này tiền của họ sẽ như thế nào, có bị mất giá hay không và chế độ có được đảm bảo hay không. Người ta cũng so sánh chi phí cơ hội của việc đóng góp. Ví dụ, thay vì đóng góp sẽ gửi ngân hàng chẳng hạn, có nhiều lợi thế hơn vì lãi suất ngân hàng cao hơn. Hơn nữa, về mặt tâm lý thì người ta nhìn thấy, sờ thấy được tiền của họ”.
Để người lao động không bị thiệt
Ngoài “tâm lý” bất an đó, còn có thực tế là nhiều đơn vị, doanh nghiệp trốn đóng BHXH, gây tổn thất cho người lao động. Ông Nguyễn Xuân Quang, công nhân xây dựng làm việc cho một công ty tư nhân ở TP. Đà Nẵng phản ánh: “Đi làm thì nhận lương theo ngày, theo tháng, còn các khoản bảo hiểm không thấy công ty đề cập. Nhiều đồng nghiệp của tôi sau khi bị tai nạn rủi ro, không lao động được nữa thì họ nghỉ về quê chứ không có chế độ gì”.
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam khẳng định: “Điều này hoàn toàn trùng khớp với nghiên cứu của Tổng Liên đoàn. Đáng nói, chúng ta chưa có được số liệu chính xác số lao động thực chất thuộc diện đóng BHXH. Thứ hai là mức tiền lương để đóng bảo hiểm. Hiện nay có tình trạng các doanh nghiệp đang xây dựng 2 bảng lương một bảng lương để quyết toán thuế, bảng lương thứ hai (chỉ cao hơn mức lương tối thiểu một chút) để đóng BHXH. Người lao động rất thiệt”.
Theo con số thống kê mới nhất từ lực lượng thanh tra thu BHXH: Cả nước có gần 103.000 đơn vị nợ BHXH của hơn 2.600.000 lao động; nguồn quỹ này thất thu gần 15.000 tỷ đồng. Thế nhưng, chỉ 15% số nợ, số vụ vi phạm được xử lý. 2 trong 3 nguyên tắc: công bằng, có đóng - có hưởng và chia sẻ, chưa được đảm bảo. Không chỉ số lao động vừa nêu bị tổn thất mà rất nhiều lao động thuộc diện bắt buộc đang nhìn vào đó, để suy xét về tính bền vững của BHXH - liệu có thể là trụ đỡ của họ trong tương lai? Rất nhiều lao động còn lại, đặc biệt là những lao động thuộc diện đóng góp tự nguyện cũng đang nhìn vào đó, để tính toán nên hay không nên tham gia vào chính sách này.
“Thiết kế lại chính sách, tổ chức thực hiện nhằm củng cố niềm tin của người dân”, có lẽ, nên được coi là giải pháp cần kíp nhất!./.
Theo mục tiêu Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, đến năm 2021 cả nước phấn đấu có khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội.
Toàn văn Nghị quyết về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội