Giải pháp sử dụng đất nông nghiệp thích nghi xâm ngập mặn
(VOV) -Các đại biểu đưa ra giải pháp sử dụng đất nông nghiệp một cách tối ưu như: Thông qua việc thay đổi thời vụ, kỹ thuật canh tác…
"Giải pháp cho việc sử dụng đất nông nghiệp tối ưu nhằm đảm bảo an ninh lương thực, lợi ích kinh tế của nông dân ĐBSCL". Đó là nội dung hội thảo do trường Đại học Cần Thơ và tổ chức CSIRO của Australia phối hợp tổ chức ngày 23/1 tại TP Cần Thơ.
Đánh giá về các Kịch bản biến đổi khí hậu được đưa ra tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, khi nước biển dâng thì xâm nhập mặn sẽ diễn ra trên diện tích rộng ở ĐBSCL và ảnh hưởng trực tiếp đến việc sử dụng đất nông nghiệp, sinh kế của nông dân và an ninh lương thực quốc gia bị đe dọa.
Theo đó, với kịch bản khi nước biển dâng cao 30cm thì diện tích đất nông nghiệp ở ĐBSCL sẽ chịu ảnh hưởng của xâm ngập mặn trên 50.000ha dẫn tới khả năng mất 120.000 tấn lúa. Đồng thời trong trường hợp xấu nhất diện tích ngập mặn có thể lên đến 500.000ha, người nông dân sẽ mất trắng 1 triệu tấn lúa.
Tại hội thảo các đại biểu đề xuất ra nhiều giải pháp để sử dụng đất nông nghiệp một cách tối ưu như: Thông qua việc thay đổi thời vụ, kỹ thuật canh tác và cây trồng cũng như sản xuất những giống cây trồng kháng mặn….
Về giải pháp sử dụng diện tích đất nông nghiệp bị ngập mặn tại ĐBSCL, TS Phạm Thanh Vũ - Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, trường Đại học Cần Thơ đề xuất: “Đối với những vùng thời gian xâm nhập mặn kéo dài, độ mặn cao thì phải chuyển đổi sang mô hình trồng lúa nuôi tôm. Nếu ngập mặn trên 7 tháng thì chuyển qua mô hình chuyên tôm. Đối với các vùng đã có các công trình hiện hữu như đê bao thì vẫn giữa mô hình trồng 3 vụ lúa. Còn đối với những vùng có điều kiện đất phù sa thì phát triển mô hình canh tác 1 lúa 1 màu”./.