Giải phóng Thủ đô: Những ký ức không phai mờ

Đã 56 năm trôi qua nhưng không khí của ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954) vẫn như vừa mới xảy ra trong ký ức của những người từng được sống trong không khí hào hùng đó.

9 năm và chiếc bánh mì

Đại tá Phùng Ngọc Bảo, 85 tuổi, nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Trinh sát nước ngoài (Học Viện Quốc phòng) vẫn nhớ như in những gì mình đã trải qua trong những năm kháng chiến, đặc biệt là giây phút trở lại tiếp quản Thủ đô cùng các đồng đội trong những ngày đầu tháng 10/1954.

Lúc đó, ông Bảo là cán bộ chỉ huy tiểu đoàn trinh sát của Bộ Tổng tham mưu, được giao làm nhiệm vụ đi trước vào tiếp quản các cơ sở, sau đó dẫn binh đoàn chủ lực của ta vào những vị trí đã được phân công.

Ông Phùng Ngọc Bảo

Ông cho biết, cảm giác đầu tiên là vẫn thấy Thủ đô không khác nhiều so với 9 năm trước. Chỉ có nhà cửa, phố phường, cây cối là thay đổi một phần do phải làm vật cản để ngăn chặn quân Pháp tiến công trong thành phố.

Một kỷ niệm mà ông Bảo nhớ nhất là một hôm, đúng lúc mọi người đang đói thì trông thấy một xe đẩy bánh mì của một ông già. “Muốn ăn bánh nhưng hai người đi cùng tôi lại sợ vì có lệnh cấm không được ăn quà trong thành phố. Tôi bảo cứ để tôi mua cho mọi người ăn. Đó là lần đầu tiên sau nhiều năm xa Hà Nội tôi được thưởng thức chiếc bánh mì mà ngày xưa mỗi buổi sáng tôi vẫn được ăn” – ông Bảo nhớ lại.

Một hình ảnh mà ông Bảo không thể quên: Khi quân Pháp vừa rút đi thì những lá cờ đã tung bay trên những mái nhà, tất cả mọi người đều ùa ra phố, đi đến đâu là cờ, hoa tới đó. Không khí tưng bừng, hàng triệu người dân già trẻ, gái trai thuộc mọi tầng lớp hòa vào nhau trên các ngả đường của thành phố để ăn mừng.

Còn đối với những người như ông Bảo và các đồng đội, nhiệm vụ chính là hóa trang thành những người dân thường để đi bảo vệ và chỉ cho các đoàn quân của ta vào đúng những nơi cấp trên đã giao, giữa dòng người ngất ngây trong niềm vui chiến thắng.

Mâm cỗ Trung Thu sau ngày độc lập

Cũng giống ông Phùng Ngọc Bảo, đối với bà Phạm Thường Hạnh - bí danh Lê Như Thường, 80 tuổi, tham gia hoạt động bí mật cho Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội tháng 3/1945, nhắc đến những ngày giải phóng Thủ đô là nhắc đến những niềm vui bất tận.

Được giao nhiệm vụ rải truyền đơn, những người như bà Hạnh luôn mang theo mình tài liệu để “có dịp là rải”! “Thường khi mùa rét tôi mặc áo nhung trong có 2 lớp nên rất dễ để truyền đơn mà không ai để ý. Không kể ngày hay tối, khi qua các lớp học không thấy người thì cứ sẵn truyền đơn là để từng bàn, hay ở cánh cửa lớp học. Đi ra cổng trường thấy chỗ nào rắc được là làm ngay. Vì lúc đó tôi là học sinh giỏi của trường nên chẳng sợ gì cả!”, bà bồi hồi nhớ về những ngày phục vụ cách mạng khi còn là nữ sinh.

Bà Phạm Thường Hạnh

Nhớ về không khí của ngày giải phóng Thủ đô, bà Hạnh cho biết, sau hơn nửa thế kỷ, hình ảnh khu phố cổ phấp phới hàng vạn lá cờ đỏ tung bay vẫn luôn in sâu trong tâm trí. Đặc biệt, hình ảnh quốc kỳ được một đồng chí thanh niên xung phong quận 4 (ngoại thành Hà Nội lúc bấy giờ) cắm trên Tháp Rùa khiến bà nhớ mãi. Không khí rộn ràng bao trùm lên toàn Thành phố.

Bà Hạnh xúc động: “Trong những ngày này, tôi lại nhớ về không khí tưng bừng đó, nhớ về những người đồng chí, đồng đội đã ngã xuống ở phố Hàng Bún, chợ Đồng Xuân và ngoại ô. Nhớ về hình ảnh những anh bộ đội cụ Hồ tiến về Thủ đô từ 5 cửa ô như 5 cánh sao trên lá cờ đỏ được cắm trên Tháp Rùa ngày hôm đó!”.

Tết Trung Thu sau ngày độc lập thật đặc biệt biết bao! Bà Hạnh còn nhớ, xung quanh Hồ Gươm, mỗi một gian hàng bày một mâm cỗ. Gia đình bà cũng vậy, các em vui vẻ múa lân sư xung quanh mâm cỗ của Tết Thiếu nhi sau nhiều năm chiến tranh loạn lạc, nhìn các em vui vẻ mà thật hạnh phúc. Đó là điều bà ấn tượng nhất mỗi khi nghĩ về Hà Nội ngày giải phóng.

Rừng hoa và biển người

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nay tuổi đã gần bát tuần, bà Nguyễn Thị Thành Nhân từng chứng kiến bao sự kiện, sự đổi thay trên mảnh đất Thăng Long văn hiến. Đặc biệt, được tham gia hoạt động, chiến đấu để bảo vệ Thủ đô là niềm tự hào khôn tả.

Từ năm 15 – 16 tuổi đã tham gia vào Cách mạng tháng Tám, rồi cuộc kháng chiến trường kỳ, 60 ngày đêm quyết tử giữ Thành phố Hà Nội và cho đến lúc đoàn quân trở về tiếp quản Thủ đô, bà đều có mặt. Với bà, không lời nào có thể nói hết được niềm vui sướng, tự hào khi tham gia vào ngày Thủ đô giải phóng  .

Bà Nguyễn Thị Thành Nhân

Bà Nhân nhớ lại ngày hôm đó ở chợ Đồng Xuân: “Chị em tiểu thương lên nóc chợ cắm cờ, rồi thả chim lên bầu trời vời ý nghĩa hoà bình đã đến. Ai ai cũng hăng hái tham gia khi được vận động”.

Ngày đó, bà là cán bộ của Hội Phụ nữ Thủ đô nên vừa hoạt động bí mật vừa kêu gọi chị em hướng về kháng chiến, chuẩn bị cho ngày giải phóng Thủ đô. Bà còn vận động bà con giữ các công trình, nhà máy điện, tài sản, ở lại với Thủ đô, ở lại với Đảng. Bà cũng tham gia kêu gọi đối phương hạ vũ khí, giữ gìn tài sản, không phá phách thì sẽ được khoan hồng hay huy động may cờ và ra đường đón đoàn quân trở về.

Ngày vui đã đến, hạnh phúc trào dâng khi được đứng bên Hồ Gươm đón đoàn quân chiến thắng. “Hôm đó tôi rất vui mừng và vinh dự khi được cùng mọi người tham gia vào ngày hội chiến thắng của Thủ đô. Tôi sẽ không thể nào quên được hình ảnh một thành phố trong rừng hoa và biển người”, bà Nhân chia sẻ.

Quy luật của chiến tranh khiến rất nhiều người không có cơ hội được hoà chung không khí chiến thắng như ông Bảo, bà Hạnh, bà Nhân hay chứng kiến một Thủ đô Hà Nội đang ngày hiện đại, Thành phố của Hoà bình và đang rực rỡ đón chào 1000 năm tuổi. Nhưng có một điều có thể khẳng định, thành quả của các thế hệ cha anh đang được các lớp kế cận phát huy để xây dựng Thủ đô thân yêu ngày càng giàu mạnh, là trái tim của cả nước trên đà phát triển./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên