Giám định cổ vật: Cần đào tạo về nhân lực

Việc giám định cổ vật ở nước ta hiện nay đòi hỏi phải đào tạo nguồn lực song song với việc đổi mới văn bản pháp lý  về giám định cổ vật.

Trong những năm trở lại đây, hoạt động sưu tầm, trao đổi mua bán cổ vật diễn ra sôi động. Song thực tế, Luật Di sản sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã bộc lộ một số thiếu sót trong việc quản lý lĩnh vực đặc thù này.

Nhằm tìm ra những điểm hạn chế từ Thông tư Quy định về giám định cổ vật, Cục Di sản (Bộ VH-TT&DL) vừa tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực di sản, các nhà quản lý…, để từ đó xem xét và bổ sung cho hợp với yêu cầu của thực tiễn.

Đây là lần đóng góp ý kiến cuối cùng cho dự thảo Thông tư này trước khi Cục Di sản trình lãnh đạo Bộ VH-TT&DL.

Nhu cầu giám định cổ vật của người dân rất lớn

Thiếu trầm trọng cơ sở giám định cổ vật

PGS. TS Viện trưởng Viện khảo cổ học Tống Trung Tín kể: Ngày nào ông cũng nhận được những cú điện thoại mời đến giám định hộ cổ vật. Điều đó cho thấy nhu cầu giám định là rất lớn bởi thực tế hiện nay, người chơi cổ vật ngày một đông, lượng cổ vật trong dân rất lớn. Có ý kiến cho rằng, cổ vật cũng như vàng, USD, người dân tích trữ trong nhà, mua bán, trao đổi qua tay thường xuyên. Chính vì vậy, để tránh tình trạng thật giả lẫn lộn, việc giám định phải được đặt lên hàng đầu. Nhưng thực tế, các cơ quan quản lý Nhà nước chưa đủ lực lượng, thậm chí chưa phân chia được các cấp giám định, quyền hạn, nghĩa vụ, tổ chức để thực hiện công việc này. Đây là khe hở để các công ty mua bán, giám định cổ vật ra đời nhan nhản, thật giả lẫn lộn.

Ông Tống Trung Tín chia sẻ: “Giám định là việc làm rất khó, đồ thật thì ít mà đồ giả thì nhiều. Cơ sở giám định đang thiếu. Nhưng nếu vì nhu cầu của người dân mà lập ra nhiều cơ sở, doanh nghiệp mua bán cổ vật, tư vấn giám định thì sẽ loạn. Bởi vậy, cần một hệ thống tổ chức chính quy của Nhà nước. Nên chăng chúng ta lập ra một hội đồng tư vấn cấp quốc gia về giám định cổ vật để xem xét và đánh giá  tiêu chuẩn của việc giám định cổ vật ở các cấp cơ sở”.

Còn ông Đào Văn Long - Chủ tịch Hội Cổ vật Thăng Long- Hà Nội cho rằng: “Chúng ta chỉ nên có 1 - 2 cơ sở giám định ở các địa phương lớn. Nhiều nơi xin đứng ra giám định là không thể được. Vì như thế sẽ loạn cơ sở giám định. Nếu mỗi nơi nói một kiểu thì chỉ “chết” người chơi”.

Hiện nay, các bảo tàng đều có tổ thẩm định, giám định hiện vật, cổ vật. Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, nên để mỗi địa phương có một cơ sở giám định cổ vật. Cơ sở ấy phải phối hợp với Sở VH-TT&DL để hoạt động giám định.

Với kinh nghiệm quản lý lĩnh vực này ở một địa phương sôi động trong hoạt động cổ vật, ông Nguyễn Đức Long - Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Ninh Bình đề xuất: “Các sở VH-TT&DL đều có tổ thực hiện việc đăng ký cổ vật, di vật, bảo vật quốc gia. Bảo tàng tỉnh cũng có một hội đồng khoa học xem xét tất cả vấn đề liên quan đến di sản văn hóa (vật thể, phi vật thể). Nên chăng, cơ sở giám định này sẽ nằm trong Hội đồng khoa học của bảo tàng? Người chơi cổ vật nếu có nhu cầu, sẽ đăng ký với Hội đồng khoa học của bảo tàng, rồi hội đồng sẽ phối hợp với tổ thực hiện của Sở. Khi ấy, giấy giám định sẽ dùng ngay con dấu của bảo tàng, có tư cách pháp nhân, có uy tín”.

Cần người có tài và có tâm

Giám định cổ vật không giống những ngành khoa học khác. Bản thân những người làm trong ngành giám định cổ vật cũng rất đặc thù. Hiện nay, có quy định về nhân lực tham gia giám định cổ vật phải có trình độ đại học trở lên, nhưng lập tức đã vấp phải sự không đồng tình từ  nhiều nhà nghiên cứu.

GS. Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Chủ tịch Hội đồng giám định cổ vật của Bộ VH-TT&DL nhận xét: “Vấn đề quy định trình độ của người giám định cổ vật phải tốt nghiệp đại học là máy móc. Bằng cấp cũng quan trọng nhưng đây là lĩnh vực đặc thù thì chúng ta phải linh hoạt trong vấn đề này. Dù là tốt nghiệp đại học cũng chưa chắc đã thẩm định tốt. Thực tế, có nhiều trường hợp không có bằng đại học, nhưng khả năng giám định tốt, có kinh nghiệm thì xử lý thế nào? Nếu cứ yêu cầu có bằng đại học thì các địa phương chưa chắc đã đáp ứng được”.

Thực tế cho thấy, việc giám định cổ vật ở nước ta hiện nay rất khó khăn do đồ giả cổ vật quá nhiều, thậm chí tràn lan. Để giám định được chính xác là cổ vật, những người chỉ có bằng đại học chưa chắc đã làm tốt nếu chưa có 15-20 năm nghiên cứu cổ vật, hoặc trực tiếp tham gia vào môi trường giám định cổ vật.

Theo P.GS. TS Đặng Văn Bài - nguyên Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa: “Phải đào tạo, tập huấn nguồn lực song song với việc đổi mới thông tư về giám định cổ vật vì hiện lực lượng của ta còn mỏng, thiếu. Nếu thông tư đưa vào áp dụng mà chưa có nguồn nhân lực thực hiện thì cũng không có hiệu quả. Khi ấy, thực tế cuộc sống sẽ lại tự vận động theo quy luật khác”.

Cũng theo TS Đặng Văn Bài, giám định cổ vật đòi hỏi không chỉ người có tài, có tâm, mà cần phải có sự đầu tư thích đáng về mặt cơ sở vật chất như máy móc, các phương tiện hiện đại. Có như thế hoạt động giám định cổ vật mới thực sự trung thực, khách quan./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên