Giám đốc Sở LĐTBXH TP.HCM nói về vụ “chia chác” ở cơ sở bảo trợ xã hội

VOV.VN - Giám đốc Sở LĐTBXH TP.HCM cho biết, chỉ là chia lại gạo, mì gói và nhu yếu phẩm cho nhân viên, chứ không chia tiền mặt như kết luận của thanh tra.

Liên quan đến vụ việc Thanh tra TP.HCM kết luận Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè, TP.HCM “chia” 760 triệu đồng từ thiện cho các cán bộ, nhân viên của trung tâm, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, chỉ là chia lại gạo, mì gói và nhu yếu phẩm sắp hết hạn sử dụng cho nhân viên, chứ không chia tiền mặt như kết luận thanh tra đề cập.

Trung tâm Thị Nghè đang nuôi dưỡng gàn 300 trẻ em mồ côi khuyết tật

Theo kết luận của thanh tra TP.HCM, từ năm 2018 đến 2019, Trung tâm Thị Nghè có tình trạng để ngoài sổ sách kế toán với tổng giá trị quy đổi của các loại hàng hóa được tài trợ, từ thiện là hơn 1,1 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 760 triệu đồng đã chia cho các cán bộ, nhân viên của Trung tâm. 

Ông Lê Minh Tấn cho biết, ngoài ngân sách thành phố hỗ trợ nuôi các trẻ khuyết tật mồ côi, hàng năm có rất nhiều nhà hảo tâm đến Trung tâm Thị Nghè để tài trợ, chủ yếu là gạo, dầu ăn, mì gói và nhiều loại nhu yếu phẩm khác phục vụ đời sống hằng ngày. Vì vậy cũng có tình trạng các sản phẩm này sử dụng không hết. Riêng tiền mặt được viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ rất ít và đều phải thông qua sự chấp thuận của UBND thành phố.

Ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM.

Ông Tấn cho hay, theo nguyên tắc, nếu không sử dụng thì lãnh đạo trung tâm báo cáo về Sở LĐ-TB&XH TP.HCM – đơn vị chủ quản Trung tâm Thị Nghè để điều chuyển cho những trung tâm khác, vì hiện nay thành phố có 17 trung tâm bảo trợ xã hội.

Tuy nhiên, Ban giám đốc Trung tâm Thị Nghè không tuân thủ, để số thực phẩm, nhu yếu phẩm gần hết hạn sử dụng. Sau đó trung tâm lại tự thống nhất trong đơn vị chia lại số hàng này cho nhân viên khó khăn. Đây là sai phạm của trung tâm này. Hiện Trung tâm Thị Nghè nuôi dưỡng gần 300 trẻ khuyết tật mồ côi.

Ông Lê Minh Tấn nói: "Trong quyết định, Thanh tra thành phố nói đơn vị quy các nhu yếu phẩm trên ra tiền rồi chia cho cán bộ, nhân viên. Ví dụ như mấy tấn gạo quy ra 10 triệu đồng rồi chia chác, điều này là không đúng. Song, trung tâm cũng phải kiểm điểm sai lầm, nếu cố tình vi phạm thì xử lý, xét tính chất sự việc xem có tư túi không"./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên