Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định nói gì về hơn 43 ha rừng “biến mất“?
VOV.VN - Ông Phan Trọng Hổ: chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm đã phát hiện rừng bị phá từ ngày 30/8 nhưng không bắt được người phá rừng trực tiếp.
Trong diễn biến mới nhất về vụ phá rừng ở huyện An Lão tỉnh Bình Định, Trung tâm Quy hoạch nông nghiệp - nông thôn tỉnh đã tiến hành tổ chức giám định thiệt hại, khám nghiệm hiện trường; công an huyện An Lão cũng khoanh vùng đối tượng, xem xét khởi tố vụ án phá rừng tại huyện An Lão theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ.
Phóng viên Đài TNVN tại miền Trung tiếp tục trao đổi với ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định để làm rõ những thiệt hại từ vụ phá rừng này cũng như trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức có liên quan
Những cánh rừng bị tàn phá không thương tiếc. |
Ông Phan Trọng Hổ: Đến nay tổ giám định trong đó có giao cho Trung tâm quy hoạch phối hợp với cá đơn vị liên quan trên địa bàn huyện đã triển khai giám định.
Thời gian giám định trong vòng khoảng 2 ngày phần giám định nội nghiệp và 1 ngày phần giám định ngoại nghiệp. Như vậy đến thứ 6 tuần này sẽ hoàn chỉnh phần giám định.
PV: Để rừng bị phá tới hơn 43 ha kéo dài gần 2 tháng qua mà lực lượng Kiểm lâm không hề biết, cho đến khi báo chí phát hiện thì mọi việc mới được đưa ra ánh sáng. Khi giải thích vụ việc này thì Lãnh đạo Kiểm lâm huyện An Lão lại cho rằng, do khu vực rừng này nằm ở thung lũng, đường sá đi lại khó khăn. Theo ông, việc giải thích như vậy có chấp nhận được không?
Ông Phan Trọng Hổ: Trước hết phải nói rằng không phải báo chí phanh phui mà cái này chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm đã phát hiện từ ngày 30/8. Trên cơ sở đó chúng tôi đề xuất các giải pháp mật phục, bắt quả tang những người xâm phạm rừng để triển khai nhanh việc điều tra. Tuy nhiên trong quá trình mật phục đó không bắt được người phá rừng trực tiếp, sau đó báo chí mới đưa lên.
Vấn đề thứ 2 nói về trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương, trước mắt chúng tôi cho rằng việc này Tỉnh uỷ, UBND tỉnh chỉ đạo chúng tôi sẽ triển khai. Hiện tại chưa thể nói trách nhiệm của lưc lượng nào là chính mà chủ yếu phải triển khai việc giám định thiệt hại rồi hồ sơ để khởi tố nhanh vụ án này.
PV: Cán bộ kiểm lâm cũng thừa nhận để xảy ra vụ việc phá rừng nghiêm trọng này có một phần trách nhiệm. Nói một phần trách nhiệm thôi liệu đã đúng chưa, thưa ông?
Ông Phan Trọng Hổ: Hiện chúng tôi chưa nói chuyện trách nhiệm mà đang lo giải quyết vụ việc để khởi tố vụ án và giữ các tang vật có liên qua để làm sao đưa nhanh kẻ phá rừng ra trước pháp luật.
PV: Vậy, quan điểm của địa phương về việc xử lý vụ phá rừng nghiêm trọng này?
Ông Phan Trọng Hổ: Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã có chỉ đạo, thứ nhất phải khẳng định rằng đây không phải là rừng nguyên sinh, đây là rừng phục hồi sau nương rẫy. Trước đó, năm 2013 nó là rừng 1A, 1B,1C. Sau khi quy hoạch lại 3 loại rừng, chúng tôi đưa diện tích rừng này vào phục hồi sau nương rẫy, trong đó 30 ha là rừng sản xuất và 13,7 ha là rừng phòng hộ.
Trong chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, chúng tôi đang tung lực lượng kiểm tra các cơ sở sản xuất liên quan đến gỗ, điều tra, tập trung giám định và hoàn chỉnh nhanh nhất hồ sơ để truy tố.
Bí thứ Tỉnh uỷ đã chỉ đạo vụ việc này là vụ việc rất nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Bình Định. Do vậy sẽ khởi tố nhanh vụ án để truy bắt kẻ phá rừng.
PV: Rõ ràng đây là vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng, quy mô lớn. Theo ông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định có trách nhiệm như thế nào trong vụ việc này?
Ông Phan Trọng Hổ: Về phía Sở, chúng tôi có trách nhiệm quản lý nhà nước, cho nên ngay từ khi vụ việc phát sinh chúng tôi đã trực tiếp phối hợp với huyện và các đơn vị có liên quan như Công an tỉnh, Viện Kiểm sát tỉnh.
Chúng tôi đã trực tiếp ra hiện trường để chỉ đạo lực lượng kiểm lâm cũng như phối hợp các đơn vị có liên quan như huyện An Lão để xử lý nhanh đúng theo tính chất pháp luật của vụ việc này.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!./.