Giảm phương tiện đánh bắt thuỷ sản ven bờ
Mục tiêu của Hội Nghề cá Việt Nam là phải giảm 50% số tàu thuyền này vào năm 2020 và đến năm 2030 sẽ không còn số tàu thuyền này.
Ngày 17/7, Hội nghị Thường vụ mở rộng Hội Nghề cá Việt Nam diễn ra ở thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) cho biết: Hiện cả nước có khoảng 80.000 phương tiện khai thác thuỷ sản. Trong đó có đến hơn 64.000 tàu, thuyền có công suất bằng hoặc nhỏ hơn 20 CV, chỉ có thể khai thác thuỷ sản ven bờ, khiến nguồn lợi thuỷ hải sản gần bờ bị khai thác quá mức, dẫn đến cạn kiệt.
Do lượng tàu thuyền gia tăng, mặc dù sản lượng đánh bắt hải sản tăng trung bình trên 12%/năm nhưng năng suất giảm nghiêm trọng, chỉ còn 0,33 tấn/CV (năm 2009) so với 0,92 tấn/ CV (năm 1981). Số lao động trực tiếp đánh bắt hải sản của cả nước hiện có khoảng 1 triệu người, phần lớn không được đào tạo nghề, trình độ văn hoá thấp, trong đó gần 70% chưa tốt nghiệp bậc tiểu học, phần lớn đều thuộc diện nghèo.
Mục tiêu của Hội Nghề cá Việt Nam là phải giảm 50% số tàu thuyền này vào năm 2020 và đến năm 2030 sẽ không còn số tàu thuyền này. Các giải pháp chính để thực hiện gồm: Nhà nước cần có chính sách tín dụng ưu đãi, tranh thủ các nguồn vốn nhằm giúp ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp từ đánh bắt ven bờ sang nuôi trồng thuỷ hải sản và các nghề khác.
Hội cũng đề nghị Nhà nước thực hiện chính sách đào tạo nghề miễn phí cho con em ngư dân để họ có điều kiện chuyển sang làm nghề khác; giành 10% kinh phí (khoảng 320 tỷ đồng/năm) của Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” cho lĩnh vực này. Chính sách đào tạo nghề phải ổn định và lâu dài từ 10 đến 20 năm mới có tác động và hiệu quả tích cực./.