Giám sát tài chính vẫn theo kiểu “mạnh ai nấy làm”

Cách giám sát tài chính ở Việt Nam hiện nay đang thiếu tính hợp tác dẫn đến hiệu quả thấp.

Cùng với quá trình hội nhập, nền tài chính Việt Nam cũng bộc lộ một số hạn chế trong huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Việc phân phối và sử dụng nguồn lực tài chính quốc gia còn thiên về phát triển theo chiều rộng, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp, thị trường vốn còn phát triển ở mức độ khiêm tốn.

Cơ chế giám sát hiện nay tạo nhiều "lỗ hổng" nguy hiểm (ảnh KT)

Từ thực tế này, ông Vũ Như Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) đề xuất 5 trụ cột chính để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2011-2020 của Việt Nam. Thứ nhất là giải phóng và huy động hiệu quả nguồn lực tài chính phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thứ hai, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính cùng với quá trình nâng cao vai trò định hướng của nguồn lực tài chính nhà nước. Thứ ba, phải phát triển đồng bộ thị trường tài chính và dịch vụ tài chính để động viên các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế - xã hội. Thứ tư, nâng cao năng lực và hiệu quả giám sát tài chính. Thứ năm, đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính.

Trong khi đó, nhìn nhận sự phát triển nền tài chính quốc gia, TS.Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia cho rằng không thể lơ là khả năng giám sát của các cơ quan nhà nước. Theo đó, quá trình quốc tế hóa thị trường tài chính Việt Nam thông qua việc thực thi các cam kết quốc tế về mở cửa thị trường tài chính cũng càng gia tăng mạnh. Những khuyết tật, sự phức tạp của thị trường cũng đã bộc lộ ngày càng rõ nét. Trong bối cảnh này, việc đổi mới hệ thống giám sát tài chính để theo kịp sự phát triển của thị trường trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Theo đánh giá của Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia, hệ thống giám sát tài chính Việt Nam hiện nay về thực chất được tổ chức theo mô hình phân tán chuyên ngành. Nghĩa là, mỗi bộ phận của thị trường tài chính được giám sát bởi một cơ quan giám sát chuyên ngành. Hay nói cách khác, TS Hà Huy Tuấn nhấn mạnh, đây là kiểu giám sát “việc ai nấy làm”. “Trong khi đồng tiền lại rất khôn ngoan, nguồn vốn có thể chạy từ thị trường nọ sang thị trường kia. Với sự liên thông này, nếu chỉ biết đến việc của mình sẽ dẫn đến những kẽ hở trong thị trường”, TS.Tuấn nhấn mạnh.

Ngoài ra, Uỷ ban giám sát tài chính cũng cho rằng mô hình này dễ dẫn đến những khoảng trống trong hoạt động giám sát như giám sát chéo hoạt động trong các tập đoàn tài chính kinh doanh đa ngành và giám sát rủi ro đan xen giữa các bộ phận của thị trường khó thực hiện; giám sát an toàn vĩ mô thị trường tài chính bị coi nhẹ và việc điều phối hoạt động giám sát chuyên ngành không được thực hiện. Chính những khoảng trống này khiến khả năng của hệ thống giám sát tài chính của Việt Nam vẫn còn thấp trong việc phát hiện, xử lý, ngăn ngừa, phòng tránh các hành vi vi phạm và lạm dụng thị trường; trong việc nhận diện và phòng tránh những rủi ro tiềm năng của hệ thống tài chính và do vậy, dẫn đến những bất ổn của thị trường tài chính cũng như của cả hệ thống tài chính.

Bên cạnh đó, hệ thống tài chính phát triển ngày càng phức tạp so với mô hình giám sát hiện nay, điển hình là sự khó phân định các hình thức dịch vụ trên thị trường tài chính. Chẳng hạn, nghiệp vụ cho vay margin của TTCK vẫn chưa phân định là  dịch vụ tín dụng hay chứng khoán. Một số sản phẩm dịch vụ của thị trường bảo hiểm cũng có tình trạng tương tự. Bên cảnh đó, các sản phẩm phát sinh ngày càng bộc lộ tính phức tạp và “vượt tầm kiểm soát”. Những hạn chế về năng lực của hệ thống giám sát tài chính hiện thời chính là một trong những nguy cơ tiềm ẩn lớn khiến thị trường tài chính Việt Nam khó lòng “miễn dịch” với căn bệnh “khủng hoảng”.

Với sự bất cập này, Uỷ ban giám sát tài chính đã nghiên cứu tìm mô hình phù hợp với Việt Nam nhưng vẫn chưa có câu trả lời. “Trong khi đó, việc thực thi của Ủy ban này còn khiêm tốn, chủ yếu là cảnh báo và tư vấn và giám sát vĩ mô” – TS Hà Huy Tuấn nói.

Thực tế, các nghiên cứu về hệ thống giám sát tài chính ở nước ta thời gian đã chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập của hệ thống giám sát tài chính nước ta như khuôn khổ pháp lý của lĩnh vực này còn nhiều kẽ hở, chưa đồng bộ; thiếu sự liên thông trong việc giám sát chung thị trường tài chính do các cơ quan giám sát chuyên ngành…

Theo TS Hà Huy Tuấn, thời gian tới cần tách chức năng giám sát tài chính ra khỏi cơ quan quản lý Nhà nước về thị trường tài chính. Theo đó, cơ quan giám sát tài chính được chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ giám sát, hạn chế mức thấp nhất các can thiệp hành chính vào quá trình vận hành thị trường. “Làm được điều này, hoạt động giám sát tài chính sẽ bảo đảm tính độc lập, chủ động trong việc thực hiện giám sát, từng bước giám sát thị trường tài chính thông qua các công cụ của thị trường, hạn chế sự can thiệp bằng các biện pháp hành chính vào các hoạt động của thị trường” – ông Tuấn nói. Ông Tuấn cũng bày tỏ sự ủng hộ việc cần thiết phải thành lập một cơ quan thanh tra, giám sát tài chính hợp nhất.

Việc nâng cao hiệu lực hệ thống giám sát tài chính nước ta hiện nay là vô cùng cần thiết nhằm bảo đảm thiết lập được cơ quan giám sát tài chính độc lập, có đủ năng lực, thẩm quyền trong hoạt động giám sát toàn diện thị trường tài chính, tránh chồng chéo trong giám sát, nâng cao tính phát hiện để có giải pháp ngăn chặn kịp thời các bất ổn phát sinh từ thị trường này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên