Giảm tổn thất sau thu hoạch trong nông nghiệp

Chiều nay (17/11), tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Xuân Hùng chủ trì Hội nghị triển khai Nghị quyết 48 của Chính phủ về cơ chế, chính sách giảm tổn  thất sau thu hoạch đối với nông sản và thuỷ sản.

Tham dự có đại diện một số Bộ, ngành liên quan và đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phía Bắc.

Theo kết quả thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổn thất về sản lượng trong và sau thu hoạch đối với lúa từ 11% đến 13%, ngô từ 13% đến 15%, tập trung ở các khâu thu hoạch, phơi sấy bảo quản và xay xát, chế biến. Về rau quả và thủy sản đánh bắt tổn thất hơn 20% cả về sản lượng và chất lượng. Nguyên nhân do sản xuất nông nghiệp trong nước còn nhỏ, lẻ, việc tổ chức ứng dụng công nghệ, cơ giới hoá giảm tổn thất sau thu hoạch còn gặp khó khăn.

Tại hội nghị, một số ý kiến cho rằng, cần tập trung khuyến khích doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân trong nước tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật như: nhà, xưởng, kho chứa, nâng cao tỷ lệ nội địa hoá về trang thiết bị máy nông nghiệp…

Ý kiến nhiều đại biểu cho rằng, về tỷ lệ nội địa hoá trang thiết bị, máy sản xuất nông nghiệp cần tạo điều kiện hơn nữa về mặt thủ tục hành chính để các tổ chức, đơn vị, nông dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi mua máy nông nghiệp, tránh tình trạng “kích cầu” nhầm máy “ngoại” của Trung Quốc, Thái Lan.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ông Hồ Xuân Hùng, từ năm 2010 bắt đầu thực hiện đề án cơ giới hóa giảm tổn thất sau thu hoạch. Đến năm 2020, thu hoạch lúa bằng máy đạt 50%, riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đạt 80%. Năm 2015, khả năng sấy đạt 10 triệu tấn. Tổng nguồn vốn đầu tư cơ giới hóa nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch trong nông nghiệp đến năm 2020 khoảng 40 nghìn tỉ đồng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên