Gian dối trong xử lý chất thải đe doạ phát triển bền vững ở ĐBSCL
VOV.VN - Một chuỗi nhà máy công nghiệp dọc theo bờ của sông Tiền và sông Hậu khiến hệ sinh thái và những kênh rạch đang chết dần.
ĐBSCL là vựa lúa, vựa thủy sản lớn nhất của cả nước nhờ vào hai sông Tiền và sông Hậu. Tuy nhiên, những năm gần đây, dọc theo bờ của hai sông lớn này mọc lên nhiều khu công nghiệp, nhà máy chế biến.
Sông Tiền ngày càng bị ô nhiễm nặng.
Dù chưa có một đánh giá tổng thể, khách quan nào về mức độ ô nhiễm của những nhà máy, cơ sở sản xuất đối với hai sông đặc biệt quan trọng này, nhưng thực tế cho thấy, hệ sinh thái ven bờ hai sông và những kênh rạch xung quanh đang chết dần.
Nhà máy giấy Lee & Man, tỉnh Hậu Giang đang gây bất an trong cộng đồng sống ven sông Hậu vì khả năng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khi nhà máy này đi vào hoạt động.
Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng, Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ, nhà máy giấy Lee & Man lớn hơn gần 14 lần so với nhà máy giấy lớn nhất nước ta, nhà máy giấy Bãi Bằng với công suất 55.000 tấn/năm.
Một nhà máy lớn như vậy nhưng lại không có báo cáo đánh giá môi trường chiến lược liên quan đến phát triển công nghiệp; trong khi, báo cáo đánh giá tác động môi trường dù đã được phê duyệt những rất sơ sài: "Nhà máy giấy có sức thải lớn đặt bên cạnh dòng sông bao giờ cũng là điều lo ngại. Bởi tất cả những hoạt động của nhà máy sẽ sản sinh ra một lượng độc chất trong nước thải rất lớn. Nếu không có biện pháp xử lý và kiểm soát hiệu quả thì hậu quả rất nặng nề.
Đặc biệt khu vực này nuôi trồng thủy sản rất nhiều. rồi canh tác nông nghiệp, sinh hoạt cho người dân ở đó. Và hệ sinh thái vùng từ Hậu Giang ra tới cửa sông rất nhạy cảm."
Khu công nghiệp sông Hậu – nơi có dự án nhà máy giấy Lee & Man gây hoang mang trong dư luận, bởi vấn nạn xả thải ra sông, gây ô nhiễm môi trường chính là mối lo thường nhật của người dân sống gần các khu công nghiệp lớn ở khu vực ĐBSCL.
Bà Phạm Thị Diễm, người dân ở thị trấn Mái Dầm, tỉnh Hậu Giang sinh sống gần khu công nghiệp sông Hậu cho biết, mỗi khi nước thải từ nhà máy đổ ra sông, mùi hôi thối rất khó chịu: "Nửa đêm mà đi đến cây cầu Cái Dầu thì rõ. Ban ngày không có thải nước ra, nhưng ban đêm đi ngang là nước thải hôi thối không ai chịu nổi. Người dân ở đây cũng chịu thôi chứ làm sao bây giờ. Làm ra công ty thì người dân có công ăn việc làm. Nhưng sau này thải ra chất độc hại, ô nhiễm môi trường thì ai cũng lo. Con cháu mình bị ảnh hưởng sau này thì lo chứ."
Dọc theo tuyến sông Hậu, trải dài từ khu công nghiệp Trà Nóc, Khu công nghiệp Thốt Nốt của thành phố Cần Thơ đến khu, cụm công nghiệp như Châu Thành, Châu Đốc của tỉnh An Giang, nhiều nhà máy chế biến thủy sản, sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến lương thực,vv... đều nằm cạnh bờ sông.
Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở NN -PTNT tỉnh An Giang cho biết, đối với khu công nghiệp ven sông ở An Giang, các dự án khi được triển khai đều làm báo cáo đánh giá tác động môi trường và các giải pháp hạn chế xả thải ra môi trường. Tuy nhiên, vẫn có những vụ xả thải lén ra sông.
Lường trước được khả năng này, diện tích nuôi trồng thủy sản ở An Giang được quy hoạch với phương châm.... tránh thật xa vùng phát triển công nghiệp để giảm thiểu những tác động của ô nhiễm môi trường.
Ông Trần Anh Thư thừa nhận, những rủi ro đối với người nuôi trồng thủy sản trên 2 dòng sông Hậu và sông Tiền là rất lớn do sự gian dối của một số nhà máy công nghiệp:"Ngoài một số doanh nghiệp có tâm, vận hành hệ thống xử lý theo đúng quy định pháp luật về môi trường thì cũng có một số doanh nghiệp còn tình trạng xả thải ngầm, xả thải lén hoặc vận hành không đúng. Vấn đề nguy cơ ô nhiễm môi trường nước do các hoạt động công nghiệp, đôi lúc, đôi nơi vẫn xảy ra".
Hiện một chuỗi nhà máy công nghiệp có khả năng gây tác động không tốt tới môi trường đang hình thành dọc theo sông Hậu.
Theo PGS. TS Trịnh Công Vấn, Viện trưởng Viện Đổi mới công nghệ thủy lợi MeKong, Liên hiệp các hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, đa phần những dự án phát triển công nghiệp dọc sông Hậu là những nguồn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; có thể gây hậu quả xấu cho nguồn nước cả vùng ĐBSCL, ảnh hưởng trực tiếp tới ngành nuôi trồng thủy sản và gần một triệu ha đất canh tác nông nghiệp trong vùng: "ĐBSCL có một đặc điểm rất đáng lưu ý là hệ thống kênh rạch rất nhiều và có tính liên kết với nhau. Vì vậy khi đã bị ô nhiễm nguồn nước khu vực này thì ở khu vực khác có thể bị lây lan.
Lo ngại nhà máy giấy lee & man bức tử sông Hậu. |
Một khi thảm họa môi trường xảy ra thì cũng sẽ không khác gì Formosa ở Vũng Áng. Nó sẽ làm hủy hoại toàn bộ ĐBSCL và mất rất nhiều thời gian, tiền bạc để khôi phục. Chính vì vậy, việc phát triển công nghiệp ở ĐBSCL phải chú ý đặc biệt đến nguồn xả thải."
Theo Ngân hàng Thế giới, “cứ 1% tăng trưởng mà không có giải pháp bảo vệ môi trường thì môi trường sẽ kém đi ba lần, tức là sẽ mất đi 3%”.
Người dân ĐBSCL còn nhiều khó khăn, vất vả. Bà con các tỉnh ven sông Hậu và sông Tiền sẽ dựa vào đâu để mưu sinh nếu không thể trồng lúa, nuôi cá, tôm; trong khi đó, các nhà máy vẫn không thu hút, giải quyết được đáng kể việc làm cho người dân. Khi ấy, sự phát triển kinh tế và ổn định về an ninh, chính trị của khu vực này có thể bị đe doạ.
Nếu hầu hết các doanh nhân đến từ địa phương khác, quốc gia khác chỉ vì duy nhất yếu tố lợi nhuận thôi thúc, kiếm tiềm thuần tuý; không hề có động lực nào trong xây dựng cộng đồng tại nơi có công trình của công ty thì chưa đủ để đưa kinh tế của địa phương, vùng và nền kinh tế nước ta phát triển bền vững./.