Giãn, giảm học sinh tránh dịch, áp lực giáo viên và nỗi lo ở Điện Biên

VOV.VN -Việc giảm số học sinh trong phòng học, bố trí lệch giờ đang gây áp lực với giáo viên trực tiếp đứng lớp và cơ sở vật chất ở Điện Biên chưa đảm bảo.

Từ ngày 27/4, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Điện Biên đồng loạt đón nhận học sinh quay trở lại lớp học sau khoảng thời gian dài nghỉ học để ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, việc giảm, giãn số học sinh trong phòng học, bố trí lệch giờ học đang gây áp lực đối với các giáo viên trực tiếp đứng lớp và nỗi lo của các trường miền núi khi cơ sở vật chất chưa thực sự đảm bảo.

Nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Điện Biên chưa đáp ứng được cơ sở vật chất theo Chỉ thị số 19 của Chính phủ về giãn, giảm số học sinh trong phòng học.

Ngày 27/4 cùng với hơn 500 trường mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh Điện Biên, Trường Trung học cơ sở Thanh Yên, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên đón nhận hơn 400 học sinh quay trở lại học sau đợt nghỉ chống dịch dài ngày. Sỹ số huy động học sinh ra lớp đạt trên 98%, học sinh quay trở lại lớp là niềm vui của mỗi giáo viên.

Tuy nhiên, niềm vui ấy lại nhanh chóng bị đè nặng vì cơ sở vật chất cho dạy và học hiện không đảm bảo đáp ứng được theo Chỉ thị số 19 của Chính phủ về giãn, giảm số học sinh trong phòng học.

Thầy giáo Phạm Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thanh Yên cho biết: Toàn trường có 13 lớp học, để đảm bảo thực hiện nghiêm chỉ thị về phòng chống dịch Covid-19, nhà trường đã phải chia học sinh mỗi lớp thành 2 buổi học/ngày. Khoảng cách giãn học sinh trong mỗi lớp cũng chỉ được tương đối do điều kiện phòng học của trường còn chật hẹp.

Việc tăng tiết, chia lớp đang tạo ra áp lực đối với nhiều giáo viên trong giai đoạn này.

“Việc bố trí các em về cái khoảng cách an toàn thì cũng chỉ được khoảng 1 mét hoặc trên 1 mét vì diện tích phòng học cũng không được rộng. Thực hiện giãn cách xã hội như vậy thì lượng công việc của các thầy cô đương nhiên phải tăng lên gấp đôi. Một cô dạy 19 tiết thì hiện tại phải dạy 38 tiết trên một tuần”, thầy Phúc cho hay.

Dạy học 2 buổi/ngày đồng nghĩa với việc 33 giáo viên trực tiếp đứng lớp giảng dạy của trường Trung học cơ sở Thanh Yên phải gồng mình lên cáng đáng nhiệm vụ trong giai đoạn này. Thời gian thực hiện quy định  trong 1-2 tuần các thầy , cô giáo có thể cố gắng được, nhưng nếu kéo dài nhiều tháng, nhiều ngày việc này sẽ vô hình chung tạo áp lực cho mỗi giáo viên.

Cô giáo Đặng Thị Hồng, giáo viên Trường Trung học cơ sở Thanh Yên chia sẻ: nhà cách trường gần 10km, 2 con còn nhỏ, chồng là bộ đội, tham gia ở tuyến đầu chống dịch nên việc cân đối nhiệm vụ, tăng thời gian giảng dạy với công việc gia đình đang gặp phải nhiều trở ngại.

“Bây giờ chia đôi lớp thì sẽ đảm bảo an toàn nhưng công việc của giáo viên sẽ gấp đôi lên. Chúng tôi hầu như là đều có con nhỏ, việc khắc phục đi lại cũng như là đảm bảo sự hài hòa giữa công việc và gia đình là khá khó khăn. Chúng tôi phải thức khuya hơn và phải dậy sớm hơn để đảm bảo vệ sinh trường lớp cùng với học sinh cũng như hướng dẫn công tác học sinh bắt đầu vào trường như thế nào”, cô Hồng nói.

Còn thầy giáo Cà Ngọc An, giáo viên Trường Trung học cơ sở Thanh Yên cho biết: Do nghỉ chống dịch dài ngày, học sinh phải học tập qua mạng internet, qua truyền hình hoặc thông qua các bài tập gửi về nhà khiến chất lượng học tập cũng không được đồng đều. Nhất là đối với các học sinh gia đình khó khăn không có điều kiện về kinh tế. Việc chia đôi lớp để giảng dạy như hiện nay không chỉ tạo áp lực cho giáo viên mà sẽ ảnh hưởng đến việc truyền tải kiến thức đến học sinh, nhất là học sinh cuối cấp.

“Đối với các em học sinh lớp 9, nhà trường cũng như các thầy cô rất chú trọng vì lượng kiến thức cuối cấp của các em rất nhiều. Thời gian nghỉ dịch rất dài nên cũng ảnh hưởng rất nhiều đến các em. Đối với các thầy cô lớp 9, mỗi bộ môn các thầy cô đều đã có cho mình một khung đề cương để hướng dẫn rồi củng cố kiến thức cho các em”, cô An tâm sự.

Ông Nguyễn Đức Cường, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên cho biết: Để đảm bảo việc dạy và học trong giai đoạn cả nước chung tay chống dịch bệnh Covid-19 nguy hiểm, Phòng đã chỉ đạo các nhà trường đảm bảo về vệ sinh, bố trí nước rửa tay sát khuẩn ở tất cả các lớp học, sử dụng máy kiểm tra thân nhiệt học sinh trước khi vào trường.

Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra thực tế cơ sở vật chất và ý kiến từ các cơ sở giáo dục trên địa bàn phản ánh, dù đã tận dụng tối đa các phòng chức năng, nhà đa năng để thực hiện việc giãn cách khi dạy học nhưng đối với các trường miền núi vẫn chưa thể thực sự đảm bảo. Về lâu dài đây sẽ là vấn đề đáng lo ngại vì lực lượng giáo viên phải lên lớp liên tục trong thời gian dài sẽ tạo áp lực.

“Bây giờ chia lớp thì phòng học của chương trình kiên cố hóa rất chật, một lớp tầm độ 30 học sinh thì sẽ rất khó chia, không có giải pháp nào ngoài cách phải chia thành 2 buổi. Theo quy định tối thiểu là phải giãn cách 1,5 mét nhưng bây giờ phải ngồi chéo đi, hiện nay bàn đã kê sát nhau rồi, để đảm bảo theo quy định thì hiện Phòng cũng chưa có giải pháp gì mới được”, ông Cường nói.

Năm học 2019 - 2020, toàn tỉnh Điện Biên có hơn 500 trường mầm non, phổ thông với tổng số học sinh khoảng 195.000 em, trong đó phần nhiều là học sinh con em đồng bào các dân tộc thiểu số ở các huyện biên giới, miền núi. Việc không đảm bảo cơ sở vật chất để giảm, giãn số học sinh trong phòng học, bố trí lệch giờ học theo Chỉ thị số 19 của Chính phủ đang là nỗi lo chung của ngành giáo dục của địa phương và tạo áp lực không nhỏ đối với đội ngũ giáo viên trực tiếp đứng lớp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên