Gian nan con đường hòa nhập cộng đồng của trẻ nhiễm HIV

VOV.VN -Trẻ nhiễm HIV được công khai tại cộng đồng khi đến trường sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bởi còn sự kỳ thị từ phía các bậc phụ huynh.

Thực tế cho thấy, tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ em nhiễm HIV đang rất nổi cộm ở các nhà trường, điều đáng nói là tư tưởng này chủ yếu xuất phát từ các bậc phụ huynh. Rất ít trường chấp nhận dạy dỗ trẻ em nhiễm HIV, giúp các em hòa nhập với trẻ bình thường và xã hội. Trong khi đó, hầu hết trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS thường phải sống trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống.

Sự lựa chọn khó khăn của nhà trường

Người viết xin dẫn lại một câu chuyện có thật, xảy ra tại một trường mầm non ở một tỉnh miền núi phía Bắc. Bé A. có ông nội và bố đẻ nhiễm HIV và đã qua đời, người mẹ đẻ bị lây nhiễm từ chồng và bản thân bé A. cũng bị nhiễm HIV. Thế nhưng, bất hạnh chưa buông tha em khi A. đến tuổi vào mẫu giáo. Cầm tờ đơn xin học từ mẹ bé A., lãnh đạo nhà trường hết sức đắn đo, cân nhắc và đã có tư vấn kỹ càng cho mẹ của cháu, bởi kinh nghiệm cho thấy, những trường hợp nhiễm HIV đã công khai tại cộng đồng như cháu A. sẽ gặp nhiều khó khăn khi hòa nhập.

Cô và trò trường mầm non phường Chiềng Cơi, TP Sơn La (Ảnh có tính chất minh họa, không phải nhân vật trong bài)

Và điều nhà trường lo ngại đã trở thành hiện thực, khi phụ huynh của 25 cháu cùng lớp bé A. đồng loạt viết đơn xin cho con chuyển lớp, nhất định “không cho con học với đứa bị Ết”. Cô hiệu trưởng lúc này đứng trước sự lựa chọn, nếu chấp nhận cháu A. theo học thì hiển nhiên phụ huynh 25 cháu kia sẽ cho con chuyển lớp hoặc ra khỏi trường. Ngược lại, sẽ tước đi quyền được học tập của những đối tượng thiệt thòi như cháu A; cô giáo và nhà trường sẽ bị người thân có cháu nhỏ bị nhiễm HIV phản ứng, họ sẽ cho rằng luật pháp cho phép trẻ em bị nhiễm HIV được hòa nhập cộng đồng, tại sao nhà trường lại tước đi quyền được đi học của cháu? Cuối cùng, cô giáo chấp nhận phương án giữ lại 25 cháu để đảm bảo kế hoạch phát triển và duy trì hoạt động của nhà trường, phần thiệt thòi “dành” cho cháu A.   

Trao đổi với phóng viên, một cán bộ ngành giáo dục ở một tỉnh miền núi lại chia sẻ câu chuyện ngược lại, đó là trường hợp của một cô giáo mầm non bị nhiễm HIV hiện đang đứng lớp. “Ngay từ đầu năm học, chúng tôi chúng tôi nhận được đơn của phụ huynh phản ánh cô giáo mầm non bị nhiễm HIV. Trong khi trường mầm non đó là trường đạt chuẩn quốc gia. Phụ huynh không đồng ý cho con học lớp cô giáo đó và viết đơn lên Sở Giáo dục tỉnh phản ánh. Vấn đề đặt ra là giáo viên bị nhiễm HIV thì khi đứng trước mặt học sinh, chúng ta phải ứng xử như thế nào, nhất là khi cô trực tiếp tiếp xúc với trẻ ở độ tuổi mầm non. Nếu như cô giáo tự ý thức được, có biện pháp phòng ngừa cho cộng đồng, tránh không để xảy ra cơ hội lây lan thì rất là quý, thế nhưng cũng rất là khó để bảo đảm 100% an toàn” – vị cán bộ này nói.

Làm sao để không tước đi quyền của trẻ?

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Trưởng Phòng giáo dục mầm non, Sở Giáo dục đào tạo tỉnh Sơn La cho biết, chuyện cô giáo hay học sinh nhiễm HIV thực sự là vấn đề khó xử đối với ngành giáo dục, nhất là những tỉnh miền núi có nhiều trường hợp nhiễm HIV đang sinh sống tại cộng đồng. Khi được chia sẻ về trường hợp cháu A., bà Hồng Vân khẳng định, đối với những trường hợp trẻ nhiễm HIV được công khai tại cộng đồng, có hồ sơ theo dõi, thì khi trẻ đến trường sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bởi vẫn còn sự kỳ thị từ cộng đồng, các phụ huynh sẽ phản ứng và không muốn con mình ngồi cùng lớp với những em nhiễm HIV. 

Trẻ em có quyền được sống, phát triển, bảo vệ và tham gia (Ảnh có tính chất minh họa, không phải nhân vật trong bài)

 “Ở góc độ chuyên môn, chúng tôi yêu cầu các nhà trường phải rất tế nhị trong chuyện này, không được tước đi quyền của trẻ em. Các em đến tuổi đi học đều phải được đến trường. Đối với những trường hợp bị nhiễm HIV, nhà trường phải có cách tuyên truyền phù hợp để dư luận hiểu và chia sẻ với các cháu. Chúng tôi cũng rất ý thức được việc thực hiện đầy đủ cam kết về quyền trẻ em, cũng như những chủ trương, chính sách để làm sao bảo đảm quyền được chăm sóc, bảo vệ, phát triển toàn diện của trẻ. Trong điều kiện cho phép, chúng tôi cũng đảm bảo tránh được những điều đáng tiếc xảy ra đối với trẻ. Trong trường hợp giáo viên nhiễm HIV, nhà trường và ngành y tế có trách nhiệm tuyên truyền cho cô giáo, cộng đồng và cũng không thể tước đi quyền được hòa nhập, lao động, học tập của cô giáo đó, cũng như quyền được học tập của trẻ” – bà Hồng Vân  nói.

Tuy nhiên, dư luận vẫn cho rằng, đối với các em nhỏ, nhất là các cháu mầm non, đôi khi các cháu có những phản ứng tự nhiên như cắn nhau, cào nhau, gây trầy xước. Nhà trường và ngành y tế vẫn tuyên truyền là khó bị lây nhiễm HIV theo con đường này, song các phụ huynh vẫn không yên tâm. Khi “đứa con vàng” của mình học cùng lớp với trẻ nhiễm HIV, các bậc cha mẹ vẫn còn “lăn tăn” và lo ngại.

Ông Trần Xuân Hội, phụ trách Phòng Bảo vệ - chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB-XH tỉnh Sơn La) cho biết, theo thống kê đến nay, toàn tỉnh hiện có 25.056 trẻ bị trực tiếp ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, chiếm 8% dân số toàn tỉnh, trong đó có 12.572 cháu có nguy cơ cao nhiễm HIV (trẻ có bố, mẹ chết do AIDS; trẻ có bố, mẹ, người thân nhiễm HIV/AIDS hoặc nghiện ma túy…). Toàn tỉnh có 156 em bị nhiễm HIV/AIDS có hồ sơ quản lý và số được hưởng các dịch vụ là 90%, vẫn còn 10% số trẻ bị nhiễm HIV thuộc diện này đang bị bỏ ngỏ.

Theo ông Trần Xuân Hội, các cơ quan, ban ngành địa phương đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phần nào đã xóa đi sự kỳ thị của xã hội với các đối tượng không may mắn này. Song thực tế cho thấy, để trẻ nhiễm HIV hòa nhập cộng đồng, được phát triển toàn diện, vẫn còn nhiều việc phải làm ở phía trước, đặc biệt là làm sao thay đổi được nhận thức của xã hội đối với các em.

Về giải pháp hiện nay, bà Nguyễn Thị Hồng Vân cho rằng, ngành giáo dục và y tế cần làm tốt công tác giữ gìn danh tính của trẻ nhiễm HIV, để thực hiện công tác hòa nhập cho trẻ. Thực tế, một số trường học tại địa bàn vẫn có trường hợp trẻ bị nhiễm HIV đang theo học, tuy nhiên các em được giữ bí mật danh tính, để các em được hồn nhiên vô tư, vui múa hát và các phụ huynh không hề biết. Tuy nhiên, nếu nhà trường và ngành y tế tiết lộ ra, thì chắc chắn sẽ xảy ra làn sóng dư luận ở trường đó ngay.  

Bà Hồng Vân chia sẻ: “Ước mơ được đến trường của trẻ nhiễm HIV là chính đáng. Bản thân các em không có lỗi mà phải gánh chịu hậu quả do bố mẹ truyền sang. Để giúp trẻ nhiễm HIV có cơ hội tiếp tục học tập hòa nhập, phụ huynh học sinh và cộng đồng cần hiểu chính xác và đầy đủ về HIV, biết phòng tránh lây nhiễm HIV đúng cách để không có sự kỳ thị với trẻ nhiễm bệnh”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Mối tháng phát hiện thêm 800 người nhiễm HIV mới
Mối tháng phát hiện thêm 800 người nhiễm HIV mới

VOV.VN - Bộ trưởng Bộ y tế cho biết, số trường hợp mới phát hiện và số tử vong do HIV/AIDS giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Mối tháng phát hiện thêm 800 người nhiễm HIV mới

Mối tháng phát hiện thêm 800 người nhiễm HIV mới

VOV.VN - Bộ trưởng Bộ y tế cho biết, số trường hợp mới phát hiện và số tử vong do HIV/AIDS giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Trao quyền cho các tổ chức cộng đồng trong phòng chống HIV/AIDS
Trao quyền cho các tổ chức cộng đồng trong phòng chống HIV/AIDS

VOV.VN -Kinh nghiệm quốc tế cho thấy cần tăng cường trao quyền cho các tổ chức cộng đồng trong việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV.

Trao quyền cho các tổ chức cộng đồng trong phòng chống HIV/AIDS

Trao quyền cho các tổ chức cộng đồng trong phòng chống HIV/AIDS

VOV.VN -Kinh nghiệm quốc tế cho thấy cần tăng cường trao quyền cho các tổ chức cộng đồng trong việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV.

Chính thức kết luận  vụ học sinh bị đâm vật nhọn nghi nhiễm HIV
Chính thức kết luận vụ học sinh bị đâm vật nhọn nghi nhiễm HIV

Công văn của Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân khẳng định các cháu bị châm, chọ bằng vật nhọn không có nguy cơ phơi nhiễm HIV

Chính thức kết luận  vụ học sinh bị đâm vật nhọn nghi nhiễm HIV

Chính thức kết luận vụ học sinh bị đâm vật nhọn nghi nhiễm HIV

Công văn của Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân khẳng định các cháu bị châm, chọ bằng vật nhọn không có nguy cơ phơi nhiễm HIV

Hơn 12.500 trẻ em Sơn La có nguy cơ bị nhiễm virus HIV
Hơn 12.500 trẻ em Sơn La có nguy cơ bị nhiễm virus HIV

Số trẻ em bị ảnh hưởng căn bệnh AIDS như trẻ em mất bố hoặc mẹ hoặc cả bố mẹ bị chết vì căn bệnh HIV; là con em người thân trong gia đình bị nhiễm HIV...

Hơn 12.500 trẻ em Sơn La có nguy cơ bị nhiễm virus HIV

Hơn 12.500 trẻ em Sơn La có nguy cơ bị nhiễm virus HIV

Số trẻ em bị ảnh hưởng căn bệnh AIDS như trẻ em mất bố hoặc mẹ hoặc cả bố mẹ bị chết vì căn bệnh HIV; là con em người thân trong gia đình bị nhiễm HIV...