Gian nan tìm kiếm phần mộ người thân
VOV.VN - Chiến tranh đã đi xa nhưng hàng trăm gia đình thân nhân liệt sỹ vẫn khắc khoải đi tìm phần mộ của con em nơi chiến trường
Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng ngần ấy thời gian, hàng trăm nghìn gia đình, thân nhân liệt sỹ vẫn khắc khoải đi tìm phần mộ người thân đang nằm đâu đó trên khắp mọi miền của đất nước.
Hình ảnh lấy mẫu sinh phẩm phần mộ liệt sỹ để xác định gien ADN_nguồn Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ.
Hành trình tìm kiếm phần mộ người thân gặp vô vàn khó khăn, nhưng tất cả vẫn chưa thôi niềm tin vào một ngày được đón chồng, cha, anh, em hoặc con cái mình trở về với quê Cha, đất Tổ.
Trải qua 2 cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hàng triệu thanh niên trên khắp mọi miền tổ quốc đã cùng nhau xung phong ra trận. Thế nhưng khi hòa bình lập lại, ngày trở về không trọn vẹn niềm vui vì có biết bao liệt sỹ đã ngã xuống nơi chiến trường, không rõ địa điểm hy sinh.
Giấy báo tử gửi về gia đình chỉ ghi vẻn vẹn ngày – tháng - năm hy sinh, tại mặt trận phía Nam, hoặc Tây Nguyên… Gần nửa thế kỷ qua, biết bao gia đình đã vượt hàng nghìn cây số, hỏi thăm qua bao nhiêu người với mong muốn có được tin tức cụ thể và đưa được hài cốt người thân về với quê Cha, đất Tổ.
Bà Hoàng Thị Hoa, là con gái của liệt sỹ Hoàng Văn Đáp cho biết, liệt sỹ Hoàng Văn Đáp sinh năm 1937, ở xã Minh Đông - Huyện Văn Yên - Tỉnh Yên Bái nhập ngũ năm 1968. Giấy báo tử ghi liệt sỹ hy sinh tháng 8/1969, tại mặt trận phía Nam.
Nhiều năm khát khao được đón bố về quê hương, gia đình bà đã tìm mọi cách để tìm mộ liệt sỹ Đáp. Gia đình đã nhiều lần vào Tây Ninh, Bình Phước và tìm kiếm thông tin bằng nhiều nguồn khác nhau, nhưng đều không có kết quả. Có lần, gia đình nhờ nhà ngoại cảm tìm và nhận nhầm mộ. Suốt 15 năm đi tìm kiếm phần mộ người thân, có nhiều lúc khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua được.
Bà Hoàng Thị Hoa chia sẻ: “Chúng tôi đã từng cảm thấy mỏi mòn sau 47 năm không tìm được bố. Cũng có lúc chúng tôi nghĩ rằng sẽ không tìm được, cảm thấy vô vọng”.
Song được sự giúp đỡ tận tình của Sở Lao động Thương binh và Xã hội các tỉnh Yên Bái, Tây Ninh, Bình Phước; Quân đoàn 4, Cục chính sách Bộ quốc phòng; Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, các Cựu chiến binh là đồng đội cùng thời với liệt sĩ…, gia đình đã tìm thấy liệt sỹ Hoàng Văn Đáp trong hàng ngàn ngôi mộ vô danh tại nghĩa trang Bình Long, tỉnh Bình Phước. Bằng phương pháp giám định gien AND lấy mẫu hài cốt liệt sỹ và mẫu hài cốt mẹ liệt sỹ đã cho kết quả chính xác.
Tìm được liệt sỹ, tìm được cha là niềm vui vô bờ của các con, cùng họ hàng, dòng tộc và dân làng.
Bà Hoàng Thị Hoa xúc động nói: “Được đón nhận kết quả của Hội hỗ trợ liệt sỹ trao cho gia đình chúng tôi, anh chị em chúng tôi đã rất xúc động và khóc không nói được nên lời. Chúng tôi cảm động lắm và cảm thấy như một giấc mơ”.
Vậy nhưng, không phải gia đình nào cũng may mắn như gia đình bà Hoàng Thị Hoa. 20 năm qua, bà Nguyễn Thị Mỵ, ở xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình luôn đau đáu đi tìm mộ chồng là liệt sĩ Bùi Trung Tâm, sinh năm 1936, nhập ngũ năm 1953.
Giấy báo tử chỉ thông báo liệt sỹ Tâm hy sinh năm 1968 tại mặt trận Tây Nguyên. Nhiều năm liền, gia đình bà cất công tìm kiếm khắp các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, từ hỏi thăm những người đồng đội may mắn trở về đến những người làm công tác quy tập hài cốt liệt sĩ… nhưng đến giờ cũng chưa biết chính xác liệt sỹ nằm ở nghĩa trang nào.
Bà Nguyễn Thị Mỵ chia sẻ: “Đến nay tôi vẫn chỉ biết là chồng tôi hy sinh chứ phần mộ vẫn chưa tìm được. Chồng hy sinh đã 48 năm rồi, cũng chưa biết ở đâu. Nguyện vọng của các gia đình mong muốn tìm được người thân để đưa về quê hương”.
Cũng như gia đình bà Nguyễn Thị Mỵ, cụ Nguyễn Kim Khương, anh trai của liệt sỹ Nguyễn Văn Tròn, ở xã Minh Nghĩa, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa vẫn khắc khoải, day dứt vì không biết em trai hy sinh ở đâu.
Liệt sỹ Nguyễn Văn Tròn, sinh năm 1947 giấu gia đình nhập ngũ, nên từ đó gia đình bặt tin, nhưng sau này, qua một người đồng đội của liệt sỹ, gia đình cụ Khương chỉ biết liệt sỹ hy sinh ngày 30/6/1971 nhưng không rõ hy sinh ở đâu ...
Hành trình tìm kiếm người em trai đối với cụ ông năm nay đã 90 tuổi theo di nguyện của người mẹ vẫn trong tình cảnh “mò kim đáy bể”. Cụ Nguyễn Kim Khương kể: “Tôi ra Thanh Hóa tìm hồ sơ liệt sỹ mà không thấy có. Trước đây em tôi là Tổ trưởng Bộ tham mưu, Quân khu 9.
Tôi muốn biết là em tôi có còn không mà đi tìm rất nhiều nơi rồi không thấy. Bốn anh em đi chiến trường thì về được ba, nên rất mong muốn làm thế nào tìm được em. Còn giả sử không tìm được nữa việc em hy sinh cho Tổ quốc là điều đáng tự hào, nhưng tốt nhất vẫn mong biết được là em tôi hiện đang ở đâu”.
Theo thống kê, hiện nay có tới 200 nghìn liệt sỹ chưa tìm thấy hài cốt và còn tới 300 nghìn mộ liệt sỹ vô danh. Đây không chỉ là nỗi đau của gia đình các thân nhân liệt sỹ mà còn là nỗi day dứt chưa bao giờ nguôi đối với các cựu chiến binh từng một thời là đồng đội "vào sinh ra tử" với hàng vạn liệt sỹ. Chính điều này đã thôi thúc các cựu chiến binh bằng mọi cách cùng với gia đình liệt sỹ kiếm tìm đưa liệt sỹ trở về./.