Giáo dục Đại học Việt Nam - cơ hội và thách thức

VOV.VN - Giáo dục Đại học có những cơ hội phát triển, nhưng khó khăn tồn tại cũng là những thách thức không nhỏ mà mỗi cơ sở giáo dục đại học đều phải có những giải pháp riêng.

Phóng viên VOV2 có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ Giáo dục và Đào tạo về bức tranh giáo dục Đại học Việt Nam năm 2022.

PV: Thưa bà, chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhưng bức tranh Giáo dục Đại học năm 2022 càng về cuối năm càng có nhiều khởi sắc, bà đánh giá, nhìn nhận thế nào về những gam sáng và cả những phần còn mờ của Giáo dục Đại học Việt Nam năm qua?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Có thể nhìn nhận một cách khách quan rằng : Năm 2022,  tuy dịch COVID-19 vẫn gây những ảnh hưởng không nhỏ đến các mặt của đời sống trong đó có Giáo dục Đại học , nhưng hệ thống giáo dục đại học đã rất cố gắng và đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Tự chủ đại học có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, cả nước có 154/170 cơ sở GDĐH công lập đã thành lập Hội đồng trường và đi vào hoạt động (đạt tỷ lệ 90,6%) theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; trong đó, có 36/36 cơ sở GDĐH công lập trực thuộc Bộ GD-ĐT đã thành lập Hội đồng trường. Việc thành lập Hội đồng trường tại các trường trực thuộc các Bộ, ngành, địa phương đạt tỷ lệ 91,18%; trong đó, 15 cơ sở GDĐH công lập thuộc các Bộ, ngành, địa phương đang xây dựng và trình cấp có thẩm quyền công nhận Hội đồng trường.

Các cơ sở GDĐH tự chủ đã chủ động rà soát, kiện toàn lại tổ chức bộ máy và nhân sự theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Vai trò của Hội đồng trường được cụ thể hóa và nâng cao trong tổ chức quản trị hoạt động của hầu hết các cơ sở GDĐH. Các cơ sở GDĐH đã chủ động tăng số lượng giảng viên và giảm số lượng lao động khối hành chính; đồng thời, thu hút đội ngũ giảng viên, chuyên gia giỏi tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học với mục tiêu góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng quy mô, nâng cao thu nhập cho giảng viên.

Kết quả thực hiện tự chủ về chuyên môn học thuật ở các cơ sở GDĐH cũng cho thấy, thực hiện tự chủ trong việc mở ngành đào tạo/chương trình liên kết đào tạo là một nội dung quan trọng trong hoạt động tự chủ; bên cạnh việc mở ngành đào tạo mới, phát triển các chương trình liên kết đào tạo trong và ngoài nước, các trường cũng tích cực điều chỉnh các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu người học; đổi mới phương pháp giảng dạy tiên tiến, tiếp cận với chuẩn đào tạo và chương trình đào tạo quốc tế, chủ động tăng cường công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục.

Các trường tập trung tăng cường giải pháp quản lý để bảo đảm và gia tăng các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo: Chủ động rà soát các điều kiện bảo đảm chất lượng của ngành và chương trình đào tạo, trong đó chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo đủ về số lượng, cơ cấu và đúng tiêu chuẩn, phù hợp với chuẩn chương trình đào tạo và quy mô đào tạo. Quan tâm xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng của cơ sở đào tạo, trong đó tập trung phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong.

Kiểm định chất lượng được quan tâm, số lượng cơ sở GDĐH và chương trình đào tạo được kiểm định và công nhận tăng khá mạnh mẽ, cụ thể:

Tính đến ngày 31/10/2022, có 238 cơ sở GDĐH đã kiểm định chu kỳ 1 (trong đó có 44 cơ sở GDĐH đã kiểm định chu kỳ 2) và 28 trường cao đẳng sư phạm được các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục; 569 chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo bộ tiêu chuẩn Bộ GDĐT ban hành. Theo tiêu chuẩn nước ngoài, có 07 trường đại học được đánh giá ngoài và được công nhận theo tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục của Hội đồng Cấp cao về Đánh giá nghiên cứu và GDĐH Pháp (HCERES) và AUN-QA; 368 chương trình đào tạo được đánh giá và công nhận bởi 10 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài có uy tín.

Việt Nam cũng ngày càng có nhiều cơ sở giáo dục đại học được ghi nhận trong các bảng xếp hạng đại học uy tín trên thế giới và khu vực như các bảng xếp hạng của THE, QS World University Rankings.

Hội nhập quốc tế và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học được các cơ sở GDĐH quan tâm chú trọng. Các trường đã chủ động mở rộng và nâng cao hiệu quả của hợp tác quốc tế; phát triển các chương trình, dự án hợp tác có chất lượng với đối tác nước ngoài, rà soát các chương trình liên kết đào tạo đảm bảo thực hiện đúng quy định, chú trọng lựa chọn các đối tác có uy tín tốt; tích cực hợp tác, tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ quốc tế góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học; khuyến khích kiểm định chất lượng của các tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín được công nhận hoạt động ở Việt Nam.

Các cơ sở GDĐH ngày càng chủ động hơn trong việc quyết định hướng nghiên cứu và tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ, từ đó chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Số công bố khoa học quốc tế, công bố trong nước, sáng chế và tài sản trí tuệ khác tăng nhanh qua các năm; nhiều đề tài, nhiệm vụ đã đóng góp quan trọng, thiết thực cho các ngành công nghiệp, cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các địa phương. Hoạt động nghiên cứu khoa học trên toàn quốc dần đi vào thực chất.

Đổi mới và hoàn thiện công tác tuyển sinh: Lần đầu tiên toàn bộ quy trình đăng ký tuyển sinh, thanh toán lệ phí, tổ chức xét tuyển và xử lý nguyện vọng, xác nhận nhập học được thực hiện trực tuyến trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung, xử lý lọc ảo chung trên hệ thống. Thí sinh được đăng ký nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường khác nhau, sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT và đã biết ngưỡng điểm xét tuyển do các CSĐT công bố. Điều này đã mang lại những kết quả tích cực: Thí sinh được hưởng lợi nhiều nhất trong việc thực hiện thuận tiện các thủ tục trên hệ thống trực tuyến, đồng thời được bảo đảm cơ hội trúng tuyển cao nhất vào ngành, trường theo nguyện vọng và năng lực; các CSĐT được cạnh tranh bình đẳng và minh bạch để lựa chọn thí sinh phù hợp nhất; Tỉ lệ thí sinh ảo giảm mạnh, các CSĐT tuyển được số lượng sát hơn với chỉ tiêu đã công bố; Bộ GDĐT có dữ liệu đầy đủ, kịp thời và tin cậy về tuyển sinh của tất cả CSĐT phục vụ nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời hỗ trợ các CSĐT điều chỉnh chiến lược và phương thức tuyển sinh. Công tác tuyển sinh cũng là điểm sáng nổi bật đã được Chính phủ ghi nhận và báo cáo trước Quốc hội kỳ họp vừa qua.

Chuyển đổi số trong hệ thống quản lý, trong dạy và học được Bộ GDĐT và các trường tăng cường mạnh mẽ. Đã triển khai xây dựng phần mềm và cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học phục vụ công tác báo cáo, thống kê, dự báo và các hoạt động quản lý giáo dục đại học; tăng cường thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và bộ phận một cửa, một cửa liên thông; triển khai các giải pháp thu học phí không dùng tiền mặt.

Các trường đã chủ động tăng cường các điều kiện đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật và năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học trực tuyến và trong công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Triển khai hệ thống quản trị cơ sở đào tạo, hoàn thiện cơ sở dữ liệu toàn ngành, dần kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia, ứng dụng hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về GDĐH; tích hợp các dịch vụ trực tuyến và kết nối cơ sở dữ liệu HEMIS của Bộ.

Bên cạnh những thành tựu đạt được thì Giáo dục Đại học còn tồn tại một số hạn chế

Việc thực hiện tự chủ đại học theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học và Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học còn chưa đồng bộ dẫn đến việc triển khai ở một số cơ sở đào tạo còn chậm, lúng túng, đặc biệt là vấn đề thành lập hội đồng trường, quan hệ giữa hội đồng trường với đảng ủy và ban giám hiệu.

Việc triển khai thực hiện một số văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ GDĐT mới ban hành còn có lúng túng nhất định, đặc biệt là việc triển khai Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, trong đó nhiều địa phương chưa nhận thức đúng quyền và trách nhiệm của mình trong việc triển khai nhiệm vụ này.

Việc kiểm định chất lượng, thực hiện theo chuẩn chương trình triển khai còn chậm; công tác tuyển sinh có những điểm mới truyền thông chưa thực sự kịp thời…

PV: Với những khó khăn do di chứng của dịch bệnh covid 19 với toàn bộ nền kinh tế thế giới trong đó có Việt Nam, bên cạnh đó là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ sẽ đặt Giáo dục Đại học Việt Nam trong năm 2023 trướ những thách thức mới . Theo bà Giáo dục Đại học Việt Nam năm 2023 sẽ có những hướng phát triển thế nào và cần phải làm gì trước những thách thức mới?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Năm 2023, mô hình Tự chủ đại học ở mức cao vẫn là vấn đề nhiều cơ sở giáo dục đại học còn lúng túng khi triển khai. Các trường Đại học cần phải quan tâm tới việc nâng cao nhận thức, năng lực, tích cực tổ chức triển khai thực hiện quyền tự chủ, gắn liền với trách nhiệm giải trình tới các bên liên quan ngày càng cao;

Việc triển khai Khung trình độ quốc gia vẫn còn nhiều vấn đề phải thực hiện ở các bộ ngành, ở các hội đồng tư vấn xây dựng chuẩn chương trình đào tạo của các ngành, nhóm ngành.

Cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học là một trong những nội dung quan trọng, cần sớm hoàn thiện và đưa vào vận hành giúp nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về giáo dục đại học, phục vụ hiệu quả cho công tác hoạch định chính sách…

Nhu cầu chuyển đổi số về giáo dục đại học đặt ra cần phải xây dựng các mô hình thí điểm về giáo dục đại học số, những chương trình đào tạo số…

Việc kiểm soát các điều kiện đảm bảo chất lượng, duy trì ngành đào tạo ở các cơ sở GDĐH theo các quy định hiện hành là rất quan trọng nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo.

Việc thu hút các nguồn lực cho GDĐH còn hạn chế, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ đột phá.

PV: Chúng ta đang hướng tới mục tiêu các cơ sở Giáo dục Đại học phải thực hiện mô hình tự chủ đại học. Tuy nhiên hiện tại cả nước mới chỉ có  cộng 141/232 trường đại học đủ điều kiện tự chủ theo quy định tại Luật Giáo dục đại học. Theo bà, đâu là lý do nào khiến nhiều trường Đại học chưa sẵn sàng thực hiện tự chủ?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Hiện tại còn 1 số trường không đủ điều kiện tự chủ do nhiều nguyên nhân. Do chưa công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học (chiếm 18,53%);  do chưa thành lập hội đồng trường ( chiếm 7,5%); do chưa ban hành đầy đủ các văn bản, quy chế theo quy định và chưa đáp ứng các yêu cầu khác (ví dụ như chưa chuyển đổi mô hình tổ chức từ dân lập sang tư thục). Trong số 23 trường được thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP, đến nay có 03 trường chưa đủ điều kiện tự chủ theo Luật GDĐH hiện hành với lý do các trường đã trình cơ quan quản lý trực tiếp về việc thành lập HĐT nhưng chưa được phê duyệt.

Bên cạnh đó còn do một số nguyên nhân như: Nhận thức về tự chủ đại học chưa đầy đủ; năng lực quản trị đại học nhìn chung chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Thách thức nằm ở nhận thức và năng lực về tự chủ ở các bên liên quan, từ các cơ quan bộ ngành, địa phương quản lý trực tiếp các cơ sở GDĐH, đến đội ngũ quản lý trong các cơ sở GDĐH, từ đó dẫn đến việc thành lập và hoạt động của một số hội đồng trường chưa thực sự có hiệu lực hiệu quả, mối quan hệ và cơ chế phối hợp giữa hội đồng trường với đảng ủy và ban giám hiệu chưa mang lại sức mạnh nội tại cho cơ sở GDĐH, còn có các mâu thuẫn, xung đột trong nội tại chưa giải quyết. Thu hút nguồn lực cho GDĐH còn hạn chế, do vậy đặt ra những gánh nặng cho tự chủ đại học, nhiều bên liên quan vẫn hiểu tự chủ là “tự lo” là những nhận thức chưa đúng đắn và phù hợp.

PV: Nhu cầu về nhân lực chất lượng cao, xu thế hội nhập quốc tế là cơ  hội của giáo dục đại học Việt Nam trong giai đoạn phát triển tới đây. Theo bà  các trường đại học cần làm gì để nắm bắt cơ hội này và khẳng định chất lượng, thương hiệu của mình?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Nhu cầu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trình độ cao ngày càng gia tăng, là động lực để gia tăng cả về số lượng và chất lượng trong tiếp cận giáo dục đại học.

Hợp tác quốc tế và quốc tế hóa trong giáo dục đại học, chuyển đổi số và giáo dục đại học số là những xu hướng quan trọng để tiếp tục tạo cơ hội phát triển GDĐH mạnh mẽ cả chiều rộng và chiều sâu.

Tự chủ đại học đang ngày càng trở thành một thuộc tính căn bản của hệ thống GDĐH, và phát huy hiệu lực và hiệu quả gia tăng. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học và tự chủ đại học ngày càng được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở giáo dục đại học mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và phát triển bền vững.

Để năm bắt những cơ hội này, các trường đại học cần phải nỗ lực thực hiện một số vấn đề:

Nâng cao năng lực thực thi pháp luật, đào tạo và nâng cao nhận thức về tự chủ, nâng cao năng lực quản trị đại học cho đội ngũ cán bộ quản lý của các cơ sở đào tạo; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ thực hiện quản trị nhà trường hiệu quả. Hoàn thiện cơ cấu tổ chức của nhà trường; quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế làm việc của hội đồng trường và các quy định nội bộ khác của nhà trường; trong đó, quy định rõ vai trò, trách nhiệm và sự phối hợp giữa hội đồng trường và ban giám hiệu theo đúng quy định; phân công trách nhiệm rõ vị trí, vai trò, chức năng của mỗi thiết chế, mỗi thành viên hội đồng trường trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu phát triển của cơ sở đào tạo, đảm bảo ổn định và phát triển cơ sở đào tạo; coi đây là công cụ quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả quản trị đại học.

Hoàn thiện đề án tuyển sinh, trong đó đặc biệt lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa, thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành; xây dựng và công bố kịp thời định hướng, phương hướng cho công tác tuyển sinh cho năm 2023 và cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với yêu cầu, nội dung, cấu trúc của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong hệ thống quản lý, trong dạy và học; tiếp tục phối hợp để xây dựng hạ tầng số quốc gia về học tập, kho học liệu số chia sẻ dùng chung; thí điểm các mô hình giáo dục đại học số… Triển khai hệ thống quản trị cơ sở đào tạo, phối hợp hoàn thiện CSDL ngành, kết nối liên thông với các CSDL quốc gia.

Rà soát các điều kiện bảo đảm chất lượng của ngành và chương trình đào tạo, trong đó chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo đủ về số lượng, cơ cấu và đúng tiêu chuẩn, phù hợp với chuẩn chương trình đào tạo và quy mô đào tạo. Xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng của cơ sở đào tạo, trong đó tập trung phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong; đẩy mạnh kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, cơ sở đào tạo theo quy định.

Xây dựng định hướng hoạt động khoa học công nghệ phù hợp với chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của quốc gia; đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và sở hữu trí tuệ trong các cơ sở đào tạo. Thúc đẩy hình thành các nhóm nghiên cứu, các nhóm nghiên cứu mạnh của giảng viên trong các cơ sở đào tạo.

Tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho GDĐH, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định, phù hợp với quy mô đào tạo và yêu cầu thực tiễn theo định hướng phát triển của cơ sở đào tạo. Khuyến khích đẩy mạnh việc phối hợp với doanh nghiệp nhằm thu hút đầu tư cơ sở vật chất và tạo điều kiện giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Đối với cơ sở giáo dục đại học công lập: đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ then chốt để nâng cao năng lực, tăng cường cơ sở vật chất, thúc đẩy phát triển cơ sở đào tạo.

Chủ động mở rộng và nâng cao hiệu quả của hợp tác quốc tế; phát triển các chương trình, dự án hợp tác có chất lượng với đối tác nước ngoài, rà soát các chương trình liên kết đào tạo đảm bảo thực hiện đúng quy định; đẩy mạnh việc thu hút sinh viên, nhà khoa học có uy tín ở nước ngoài đến học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Chủ động thông tin, truyền thông về các chủ trương, chính sách mới trong lĩnh vực GDĐH; đổi mới nội dung, phương thức truyền thông để nâng cao hiệu quả tuyên truyền.

PV: Vâng xin cảm ơn bà./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thí sinh thi đánh giá năng lực của trường Đại học Sư phạm không cần đến lò luyện
Thí sinh thi đánh giá năng lực của trường Đại học Sư phạm không cần đến lò luyện

VOV.VN - Năm 2023, trường Đại học Sư phạm Hà Nội dự kiến tổ chức Kỳ thi đánh giá năng lực với 2 đợt thi. GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ những lưu ý với thí sinh.

Thí sinh thi đánh giá năng lực của trường Đại học Sư phạm không cần đến lò luyện

Thí sinh thi đánh giá năng lực của trường Đại học Sư phạm không cần đến lò luyện

VOV.VN - Năm 2023, trường Đại học Sư phạm Hà Nội dự kiến tổ chức Kỳ thi đánh giá năng lực với 2 đợt thi. GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ những lưu ý với thí sinh.

Nhiều trường đại học thông báo lịch nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023
Nhiều trường đại học thông báo lịch nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023

VOV.VN - Nhiều trường ĐH trên cả nước đã công bố lịch nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Nhiều trường đại học thông báo lịch nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023

Nhiều trường đại học thông báo lịch nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023

VOV.VN - Nhiều trường ĐH trên cả nước đã công bố lịch nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Chuyển từ trường đại học lên đại học: Cần thực chất, tránh háo danh
Chuyển từ trường đại học lên đại học: Cần thực chất, tránh háo danh

VOV.VN - Chuyên gia cho rằng, việc phát triển từ trường đại học thành đại học, theo mô hình đa lĩnh vực là chính sách đúng đắn, rút ngắn khoảng cách giữa giáo dục Việt Nam và thế giới. Tuy nhiên cần làm thực chất, tránh háo danh.

Chuyển từ trường đại học lên đại học: Cần thực chất, tránh háo danh

Chuyển từ trường đại học lên đại học: Cần thực chất, tránh háo danh

VOV.VN - Chuyên gia cho rằng, việc phát triển từ trường đại học thành đại học, theo mô hình đa lĩnh vực là chính sách đúng đắn, rút ngắn khoảng cách giữa giáo dục Việt Nam và thế giới. Tuy nhiên cần làm thực chất, tránh háo danh.