Giáo dục trẻ em gái – giải pháp hiệu quả chống đói nghèo
Việt Nam hiện đang có hàng nghìn trẻ em đang phải làm việc kiếm sống ở độ tuổi từ 12 - 15 tuổi. Nhiều em trong số này, nhất là trẻ em gái đã bị bóc lột, trở thành nạn nhân của bạo lực và lạm dụng.
Song, làm thế nào để có thể xoá bỏ lao động tồi tệ với trẻ em khi mà lao động sớm là lẽ tất yếu đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn?
Em Hà Thị Thu (học viên của Trung tâm dạy nghề KOTO) chia sẻ: Do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, em đã phải rời quê lên thành phố, bươn chải qua nhiều nghề để kiếm sống: đi bán hàng rong, rửa bát cho quán cơm rồi đến giúp việc gia đình. Những đồng lương ít ỏi chỉ đủ để em trang trải cuộc sống của mình chứ không thể phụ giúp được cho gia đình. Trong khi đó, người dân ở quê không thể lường hết những nguy hiểm rình rập khi để con em mình phải lang thang kiếm sống ở thành phố.
Còn em Nguyễn Minh Nghĩa (CLB Phóng viên nhỏ Ong Xanh) tâm sự: Em đã từng là trẻ em đường phố nên hiểu rõ cuộc sống và sự nguy hiểm của trẻ em gái khi phải lang thang kiếm sống. Do còn rất nhỏ, không có khả năng chống đỡ nên chúng em dễ bị trấn lột hay nguy cơ bị lạm dụng. Với các bạn đi giúp việc gia đình, không may gặp phải gia đình không tốt thì hay bị chủ đánh đập, chửi bới và đối xử thậm tệ.
Các nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) trong thời gian gần đây đã chỉ ra rằng: Giáo dục là việc làm rất quan trọng, góp phần giải quyết vấn đề lao động trẻ em. Các trẻ em gái được hưởng sự giáo dục đầy đủ sẽ có khả năng kiếm được thu nhập cao hơn khi trưởng thành, kết hôn muộn hơn, sinh ít con hơn, có những đứa con khoẻ mạnh hơn và có quyền quyết định trong gia đình hơn. Vì thế, vai trò của các Trung tâm nhân đạo xã hội và Cơ sở dạy nghề đối với việc ngăn chặn, xóa bỏ dần tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em phải lao động nặng nhọc đã được chứng minh một cách sinh động và đầy thuyết phục.
Như trường hợp của em Hà Thị Thu, khi được một người giúp đỡ, giới thiệu em vào học tập tại KOTO, cuộc sống của em đã hoàn toàn thay đổi. Em cho biết: Ngày đầu tiên đến đây, em thật sự bất ngờ vì những ước mơ bấy lâu nay của em đã trở thành hiện thực. Em đã được đi học, được dạy nghề và được học tiếng Anh như bao bạn nhỏ khác. Sau khi ra trường, em sẽ được giới thiệu để có việc làm ổn định, có thể nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình.
Hiện nay, những trung tâm dạy nghề nhân đạo như: KOTO, Hoa Sữa... đã trở thành chiếc nôi, nâng đỡ những em có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với giáo dục.
Tại KOTO, các em được học tiếng Anh và các kỹ năng nghề nghiệp trong ngành nhà hàng, khách sạn. Bên cạnh đó, các em được đào tạo kỹ năng sống để có thể giải quyết các vấn đề về tinh thần mà hoàn cảnh sống trước đây mang lại. Qua 10 năm hoạt động (1999-2009), 11 khoá học viên của KOTO đã tốt nghiệp và tất cả đều đã có công việc ổn định. Một số em được tạo điều kiện để đi học hoặc làm việc ở nước ngoài.
Với trường Trung học du lịch Hoa Sữa, qua gần 15 năm hoạt động (1994-2009), trường đã đào tạo được hơn 4.000 bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài việc dạy và học tại nhà trường, trường Hoa Sữa còn mở các nhà hàng vừa làm địa điểm thực hành, vừa là nơi kinh doanh, giới thiệu nguồn lao động. Chính vì vậy, 100% học sinh khi ra trường có thể vào nghề và được các khách sạn, nhà hàng nhận vào làm ngay.
Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) nhấn mạnh: Tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục và dạy nghề là chìa khóa để giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam. Đây là vấn đề quan trọng nhất để tạo việc làm bền vững trong tương lai. Ông cũng lưu ý thêm: Trong khi giải quyết vấn đề lao động trẻ em cần xác định, đâu là loại hình lao động tồi tệ đối với trẻ thì phải ngăn chặn, còn những việc vừa sức mà trẻ em có thể giúp đỡ gia đình thì cần khuyến khích, đó là một nét đẹp phù hợp với truyền thống văn hóa và hoàn cảnh kinh tế của Việt Nam./.