1 năm, gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau

Hành vi đánh nhau ở học sinh thời gian gần đây có hiện tượng gia tăng, các em không chỉ đánh nhau mà còn quay camera, tung lên mạng, gây bức xúc đối với xã hội.  

Sáng 28/7 tại Hà Nội, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội thảo Giải pháp phòng ngừa từ xa và ngăn chặn tình trạng học sinh đánh nhau. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiên Nhân đến dự và phát biểu ý kiến.

Theo báo cáo của các Sở GD-ĐT, từ đầu năm học 2009-2010 đến nay, trên toàn quốc đã xảy ra 1.598 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Các nhà trường đã xử lý kỷ luật khiển trách 881 học sinh, cảnh cáo 1.558 học sinh, buộc thôi học có thời hạn (3 ngày, 1 tuần, 1 năm học) đối với 735 học sinh.

Nguyên nhân khiến tình trạng này gia tăng là xuất phát từ đặc điểm tâm lý của một số học sinh muốn tự thể hiện mình, cha mẹ ít quan tâm đến con cái, tiếp xúc với các loại hình văn hoá không lành mạnh, bị lôi cuổn bởi những trò chơi bạo lực, games online…

Trước thực trạng trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Việc tuyên truyền về kỹ năng sống, ứng xử đối với bạn bè và hiểu biết về pháp luật có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với học sinh. Theo đó, nhà trường, gia đình và xã hội phải có sự phối hợp chặt chẽ để giáo dục cho học sinh. Về phía gia đình cần quan tâm hơn tới tâm sinh lý và cảm xúc của các em, đặc biệt là những em đang tuổi vị thành niên. Nhà trường ngoài nhiệm vụ giáo dục về văn hoá còn có chức năng giáo dục đạo đức, lối sống cho các em. Ngoài ra, các Bộ, ngành và tổ chức xã hội cần có hành động và biện pháp ngăn chặn từ xa tình trạng bạo lực học đường, đánh nhau trong học sinh như: Tuyên truyền giáo dục, xử lý kỷ luật…

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý cho biết: Để ngăn chặn tình trạng học sinh đánh nhau hiệu quả, sắp tới, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với các ngành liên quan kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đại lý kinh doanh và những quán internet có trò chơi games online. Bên cạnh đó, Bộ sẽ ra chỉ thị yêu cầu các trường học tăng cường giờ quản lý học sinh của giáo viên chủ nhiệm trong tuần vì hiện nay, thời lượng lên lớp của giáo viên chủ nhiệm chỉ có 4 tiết/tuần./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên