10 triệu một khóa học kỹ năng: Học xong, con chẳng khác gì?

VOV.VN -Khi con kết thúc khóa học kỹ năng, không ít ông bố, bà mẹ thở dài vì thấy rằng, trẻ chẳng khác gì mấy so với lúc chưa được đào tạo.

Việc cho trẻ tham gia các khóa rèn kỹ năng vào dịp hè không còn xa lạ với nhiều phụ huynh sống tại các đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh. Thế nhưng, làm thế nào để trẻ đạt được kết quả như mong muốn sau một thời gian học tập là câu hỏi không hề đơn giản. Vậy làm cách nào để giúp trẻ học kỹ năng hiệu quả?

Cho 2 con theo học khóa kỹ năng hè được gần nửa tháng nay, chị Phạm Thị Hải Anh, một phụ huynh ở quận Gò Vấp cảm thấy hài lòng với một vài thay đổi của con. Thay vì tỏ ra mỏi mệt như trong năm học, trở về nhà sau khi hoàn thành các giờ học kỹ năng, 2 con của chị vui vẻ hơn và chủ động giúp mẹ nhiều việc nhà hơn.

Trẻ cần được tham gia những hoạt động vui chơi bổ ích (Ảnh: MD)

Chị Phạm Thị Hải Anh nói: “Thật ra, tôi chỉ mong con sẽ có được kỳ nghỉ hè vừa học, vừa chơi; bé sẽ được trang bị một số kỹ năng cơ bản. Tôi không đòi hỏi nhiều quá ở con mình là bé phải như thế này, như thế kia sau 1-2 tháng, vì trẻ cần nhiều thời gian hơn thế”.

Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng có suy nghĩ như chị Hải Anh. Nhiều phụ huynh than phiền, họ thực sự chưa thấy an tâm với chất lượng của các khóa rèn kỹ năng, khi số lượng trung tâm mở ra ngày một nhiều và chương trình đào tạo thì na ná nhau.

Cũng có phụ huynh cho rằng, khi nghe tư vấn, họ nghĩ con mình sẽ thay đổi hoàn toàn nên đăng ký tham gia. Khoản chi cho một khóa học kỹ năng không hề nhỏ, có nơi xấp xỉ 10 triệu đồng. Phải chi số tiền khá lớn, phụ huynh vì thế kỳ vọng rất nhiều. Nhưng khi con kết thúc khóa học, không ít ông bố, bà mẹ thở dài vì thấy rằng, trẻ chẳng khác gì mấy so với lúc chưa được đào tạo.

Trong khi nhiều phụ huynh đổ lỗi cho chất lượng các khóa học kỹ năng, thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A, giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Thành phố Hồ Chí Minh lại cho rằng, vấn đề có thể nằm ở khía cạnh khác: “Chúng ta không thể vội vàng kết luận rằng những khóa học đó chất lượng kém. Vấn đề nằm ở chỗ, chúng ta phải hiểu đúng về việc hình thành kỹ năng cho một đứa trẻ. Các con chỉ có thể hình thành các kỹ năng một cách ổn định khi những hành vi mà các con được cung cấp phải lặp đi lặp lại trở thành thói quen, sau đó trở thành năng lực giải quyết vấn đề. Điều đó có nghĩa là quá trình này đòi hỏi một thời gian rất dài”.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán các bà mẹ cho hay, với khoảng thời gian ngắn ngủi của một chương trình đào tạo kỹ năng hè, khó lòng để thay đổi mọi thứ ở con trẻ như cách mà nhiều phụ huynh đang kỳ vọng.

Sau nhiều năm tham gia các khóa đào tạo kỹ năng cho trẻ, theo bà Kiều Thùy Linh, quản lý giáo vụ, Trường ngoại khóa Tomato, nguyên nhân dẫn đến sự hụt hẫng của một số phụ huynh khi chưa cảm nhận rõ những thay đổi của con trẻ là vì họ chưa tìm được tiếng nói chung với cơ sở đào tạo.

“Có thể do sự kỳ vọng giữa phụ huynh và nhà trường khác nhau. Vì vậy, khi muốn gửi con vào một môi trường nào đó để đào tạo, hướng dẫn con về lỹ năng sống, thì phụ huynh cần có sự trao đổi với giáo viên, trung tâm đó. Phụ huynh, trung tâm và giáo viên cần thống nhất về mục tiêu thay đổi đối với đứa bé theo học” – bà Linh nói.

Bà Kiều Thùy Linh cho rằng, để tạo được uy tín đối với phụ huynh cũng như đảm bảo chất lượng cho các lớp kỹ năng, mỗi trung tâm đào tạo cần thật kỹ lưỡng trong việc lên chương trình giáo án cũng như chọn lựa phương pháp triển khai.

Chương trình đào tạo tại mỗi trung tâm phải được thiết kế sao cho phù hợp với các thiên hướng trí thông minh khác nhau của trẻ để tạo nên sự hứng thú. Điều quan trọng nhất là phải thường xuyên lắng nghe ý kiến phản hồi của phụ huynh để sớm có những điều chỉnh phù hợp.

Theo các chuyên gia giáo dục, việc đưa con trẻ đến các khóa học kỹ năng là điều cần thiết, nhưng không phải là tất cả. Để việc học kỹ năng đạt kết quả như mong muốn, bên cạnh kiến thức từ các khóa đào tạo, trẻ rất cần những tác động từ giáo dục gia đình.

Khi được tự giải quyết vấn đề dưới sự giải thích thấu đáo, hỗ trợ và giám sát của phụ huynh, trẻ sẽ dần dần thay đổi nhận thức và hình thành các thói quen tốt./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bí thư Đinh La Thăng: TP HCM cần có đề án tổng thể về giáo dục
Bí thư Đinh La Thăng: TP HCM cần có đề án tổng thể về giáo dục

VOV.VN -Bí thư Đinh La Thăng đã đưa ra nhiều kiến nghị với Bộ Giáo dục – Đào tạo nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục theo hướng hội nhập quốc tế.

Bí thư Đinh La Thăng: TP HCM cần có đề án tổng thể về giáo dục

Bí thư Đinh La Thăng: TP HCM cần có đề án tổng thể về giáo dục

VOV.VN -Bí thư Đinh La Thăng đã đưa ra nhiều kiến nghị với Bộ Giáo dục – Đào tạo nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục theo hướng hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hứa sẽ rà soát lại Thông tư 30
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hứa sẽ rà soát lại Thông tư 30

VOV.VN- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, việc 130 giáo viên dạy hơn 1.800 học sinh là quá tải nên sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ rà soát lại Thông tư 30.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hứa sẽ rà soát lại Thông tư 30

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hứa sẽ rà soát lại Thông tư 30

VOV.VN- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, việc 130 giáo viên dạy hơn 1.800 học sinh là quá tải nên sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ rà soát lại Thông tư 30.

Hàng vạn sinh viên sư phạm thất nghiệp: Lỗi tại ai?
Hàng vạn sinh viên sư phạm thất nghiệp: Lỗi tại ai?

VOV.VN - Vì sao sinh viên sư phạm thất nghiệp nhiều mà “đầu vào” lại vẫn tuyển ồ ạt  như vậy? Lỗi tại ai?

Hàng vạn sinh viên sư phạm thất nghiệp: Lỗi tại ai?

Hàng vạn sinh viên sư phạm thất nghiệp: Lỗi tại ai?

VOV.VN - Vì sao sinh viên sư phạm thất nghiệp nhiều mà “đầu vào” lại vẫn tuyển ồ ạt  như vậy? Lỗi tại ai?