Đại học Y dược TP HCM tăng học phí "khủng", Đại biểu Quốc hội nói gì?
VOV.VN - Đại biểu Quốc hội chia sẻ quan điểm về việc Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh vừa thông báo tăng học phí ở mức “khủng”, gấp 5 lần hiện tại.
Mới đây, Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh vừa bất ngờ thông báo tăng học phí “khủng”, cá biệt có ngành tăng 5 lần. Cụ thể, từ học phí năm 2018-2019 là 11,8 triệu đồng/năm, ngành Y khoa tăng lên mức 68 triệu đồng/năm 2020-2021; khoa Răng-Hàm-Mặt tăng thành 70 triệu đồng/năm, Kỹ thuật phục hình răng 55 triệu đồng/năm và khoa Dược học tăng lên mức 50 triệu đồng/năm từ khóa học mới.
Ngay sau đó, Bộ Y tế đã yêu cầu Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh giải trình cơ sở của mức tăng học phí này.
Đại biểu đoàn Hà Nội Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân |
Bên lề Quốc hội sáng nay (9/6), đại biểu đoàn Hà Nội Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân chia sẻ, việc tăng học phí của các trường tự chủ đó là một xu hướng tất yếu, bởi vì Nhà nước không đầu tư ngân sách, không trả tiền cho chi thường xuyên, thậm chí cũng không đầu tư cho quá trình phát triển như cơ sở hạ tầng, trang thiết bị.
“Tất cả những việc đó đều phải sử dụng các nguồn thu, trong đó có nguồn thu học phí. Chính vì vậy, việc tăng học phí thì tôi cho rằng đây cũng là điều không thể tránh khỏi”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.
Tuy nhiên, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, việc tăng học phí của trường đều phải nằm trong cam kết của đề án tự chủ. Đó là tăng theo lộ trình tăng và phải thông báo cho người học trước khi người học tham gia vào.
“Lộ trình tăng học phí hằng năm đã tính toán là khoảng bao nhiêu phần trăm, phải thông báo cho người học để họ nắm được trước khi tham gia. Do vậy, việc tăng cao học phí lên một cách đột ngột, thì phải giải trình được cần đầu tư cái gì, chi phí cho những hoạt động như thế nào… Còn nếu không thông báo trước lộ trình tăng và tăng một cách đột ngột, thì rõ ràng cái đấy là chưa đúng cam kết tự chủ của các trường”, đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích.
Đối với lo ngại liệu mức học phí tăng quá cao, có thể “bỏ lỡ” những sinh viên thực sự có khả năng nhưng lại có hoàn cảnh khó khăn, đại biểu đoàn Hà Nội cho biết, trong đề án đào tạo trường, bao giờ cũng có một cam kết về việc trích một phần nguồn thu để trở thành học bổng trợ cấp cho sinh viên học giỏi có hoàn cảnh khó khăn.
“Tôi được biết hiện nay ở nhiều trường, mức trợ cấp cho những học sinh xuất sắc được nhận còn cao hơn nhiều lần so với mức học phí. Điều đó có nghĩa là nếu các em con nhà nghèo học giỏi thì có thể sử dụng nguồn học bổng không chỉ trang trải đủ phấn đấu góp nhà trường mà thậm chí còn có phần để trang trải thêm cho cuộc sống”, ông Hoàng Văn Cường cho hay./.