“Bà Hiền” – người sáng lập hệ thống trường Đoàn Thị Điểm

VOV.VN -NGƯT Nguyễn Thị Hiền là người có công lớn trong việc sáng lập và xây dựng hệ thống trường Đoàn Thị Điểm, với mô hình phát triển giáo dục toàn diện.

46 năm tận tụy với ngành giáo dục, cô giáo Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng trường Tiểu học Dân lập Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) luôn có những ý tưởng hay, sáng tạo ra nhiều mô hình mới nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.

“Bà Hiền” của các con

Năm nay đã bước sang tuổi 71 nhưng Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hiền vẫn rất nhanh nhẹn. Giọng nói ấm áp, đôi mắt sáng luôn nhìn thẳng vào người nói chuyện, ở bà toát lên phong thái tĩnh tại của người luôn sẵn sàng đối diện với mọi thử thách của cuộc đời. Bằng tâm huyết và trí tuệ, bà Hiền cùng với đội ngũ giáo viên nhà trường đã xây dựng mô hình giáo dục toàn diện cho học sinh.

Học ở trường Đoàn Thị Điểm, học sinh không chỉ nắm vững kiến thức mà còn được trau dồi nhân cách, đạo đức, khả năng tự chủ, tự tin hòa nhập. Bên cạnh công tác đào tạo, nhà trường tổ chức nhiều chương trình và hoạt động từ thiện. Để hiểu rõ tâm tư, tình cảm của học sinh, dù là Hiệu trưởng nhưng mỗi ngày bà Hiền luôn dành thời gian đến các lớp để nắm bắt tình hình học tập của học sinh.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hiền

Đỗ Thanh Hà, học sinh lớp 4 trường Tiểu học Dân lập Đoàn Thị Điểm cho biết: “Qua các mô hình học mới của trường Đoàn Thị Điểm giúp chúng con có thể năng động hơn và có thể tự học với nhau được. Ở trường, chúng con hay gọi cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hiền là "bà Hiền". Con thấy bà Hiền là người rất vui tính, tài giỏi và nhân hậu. Trong những lúc rảnh rỗi, bà thường hay đến các lớp để hỏi han tình hình học tập của các con có tốt không. Con yêu quý bà như là một người bà của mình”.

Sáng lập và hiện là Hiệu trưởng trường Tiểu học Dân lập Đoàn Thị Điểm, dù đã ở tuổi hơn 70, nhưng bà Nguyễn Thị Hiền vẫn từng ngày sống với niềm đam mê đã chọn là vì sự nghiệp trồng người. Trường Tiểu học Dân lập Đoàn Thị Điểm được thành lập vào tháng 5/1997, trên cơ sở các lớp thuộc dự án “Dạy tăng cường tiếng Pháp” của trường phổ thông Bán công chuyên Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Ngoại ngữ-Đại học Quốc gia Hà Nội) và bà Nguyễn Thị Hiền lúc đó đang là giáo viên dạy tiếng Nga, được phân công làm Phó Hiệu trưởng phụ trách trường.

Từ năm 2001 đến nay, bà là Hiệu trưởng nhà trường. Bà Hiền nhớ lại thời kỳ đầu, vốn là giáo viên chỉ quen đứng trên bục giảng, chưa qua quản lý và không có chuyên môn tiểu học nên bà gặp rất nhiều khó khăn. Thêm vào đó, trường mới thành lập, cơ sở vật chất thiếu thốn, cộng với khái niệm mô hình trường học dân lập còn mới mẻ nên phụ huynh nghi ngại, chưa có niềm tin.

Nhưng bà vẫn mạnh dạn đưa ra mô hình học tăng cường tiếng nước ngoài từ lớp 1 và học bán trú tại trường theo chương trình dạy học 2 buổi/ ngày, quyết tâm xây dựng một ngôi trường đào tạo những học sinh phát triển toàn diện cả đức-trí-thể và mỹ; phấn đấu những học trò ở trường Đoàn Thị Điểm có chỉ số thông minh lẫn chỉ số cảm xúc đạt ở mức cao.

Địa chỉ tin cậy của người dân thủ đô

Để làm được điều này, trước hết đội ngũ giáo viên phải giỏi về nghề, có tâm, có trách nhiệm với học sinh mới tiếp kịp nền giáo dục tiên tiến của các nước. Nhờ hướng đi đúng đắn, dưới sự lãnh đạo của bà Hiền, trường Đoàn Thị Điểm đã vượt qua khó khăn và phát triển rất nhanh.

Từ 6/61 lớp chất lượng cao năm học 2007-2008, đến nay nhà trường đã có 110 lớp chất lượng cao, với 3.200 học sinh. Với mô hình trường học chất lượng cao, hệ thống trường học Dân lập Đoàn Thị Điểm đã thực sự là địa chỉ tin cậy của phụ huynh học sinh và là điểm sáng trong ngành giáo dục thủ đô.

Chị Phan Thị Thanh Tâm, quận Đống Đa có 2 con đang học ở trường Tiểu học Dân lập Đoàn Thị Điểm cho biết: “Tôi thấy trường Đoàn Thị Điểm chất lượng tốt nên tôi cho con học. Con nhà tôi học lớp 5, khả năng giao tiếp tiếng Anh của cháu rất tốt. Tôi thấy học sinh được tự do suy nghĩ và tự làm những việc trong định hướng của nhà trường. Tôi đã từng được tiếp xúc với cô Hiền không phải một vài lần mà rất nhiều lần. Cô Hiền là một người rất có tâm với nghề, rất thân thiện vì học sinh”.

Ở Trường Đoàn Thị Điểm, dưới sự điều hành của bà Hiền, mỗi giáo viên đều phát huy tối đa trí tuệ và sức lực cho công tác chuyên môn và các hoạt động khác của trường. Cái tâm trong sáng với nghề nghiệp và tập thể nhà trường của bà Nguyễn Thị Hiền đã lan tỏa đến nhiều thế hệ giáo viên. Họ luôn yêu quý và ngưỡng mộ bà. Các trường dân lập khác trong cả nước cũng được bà Hiền sẵn sàng giúp đỡ.

Cô Lê Thị Hoa, giáo viên Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm chia sẻ: “Từ năm 2008 tôi vào trường đã được cô Hiền dìu dắt. Cô luôn dành nhiều thời gian cho lĩnh vực chuyên môn cùng với ban chuyên môn để đưa chất lượng nhà trường ngày càng tốt lên. Tôi luôn lấy cô là một tấm gương nghị lực để mình vươn lên trong cuộc sống nhất là mỗi khi gặp khó khăn. Tôi khâm phục nghị lực của cô và tự rút ra những bài học cho riêng mình và luôn luôn cố gắng chăm chỉ trong công tác giảng dạy để không phụ lòng cô”.

Những cống hiến của nhà giáo Nguyễn Thị Hiền đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua cao quý. Năm 2010, bà là đại diện duy nhất của khối trường ngoài công lập vinh dự được nhận danh hiệu nhà giáo ưu tú do nhà nước phong tặng.

Năm 2012, bà vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba; năm 2014 là 1 trong 10 cá nhân được thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”. Vinh dự lại đến với Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hiền khi năm nay, bà được Nhà nước trao tặng Huân Chương Lao động Hạng Nhì và là một trong những đại biểu đại diện cho thủ đô đi dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 9.

Bà Nguyễn Thị Hiền xúc động nói: “Tôi rất vui khi nhận được tin mình sẽ đi dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc. Bên cạnh niềm vui rất lớn đó, tôi cũng nghĩ đến trách nhiệm của mình. Tôi phải làm nhiều hơn nữa và phải nghĩ được nhiều sáng kiến để làm cho ngôi trường của mình tốt hơn. 

Tôi phải khắc phục những khó khăn của bản thân và lan tỏa truyền cảm hứng, nhiệt huyết của mình cho thế hệ giáo viên trẻ của nhà trường, để họ hiểu rằng trách nhiệm đào tạo thế hệ trẻ là trách nhiệm của các thầy cô giáo. Nếu quyết tâm chọn nghề dạy học là nghề theo đuổi suốt đời thì phải yêu nghề và yêu học trò, coi học trò của mình như là con cháu trong nhà”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn thăm nhà giáo có "tấm lòng vàng" với Việt Nam
Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn thăm nhà giáo có "tấm lòng vàng" với Việt Nam

VOV.VN - Bà giáo Sofia Kortrikova là đã dành trọn tâm huyết dạy tiếng Nga cho nhiều lứa sinh viên Việt Nam sang Liên Xô học tập.

Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn thăm nhà giáo có "tấm lòng vàng" với Việt Nam

Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn thăm nhà giáo có "tấm lòng vàng" với Việt Nam

VOV.VN - Bà giáo Sofia Kortrikova là đã dành trọn tâm huyết dạy tiếng Nga cho nhiều lứa sinh viên Việt Nam sang Liên Xô học tập.

TPHCM  tuyên dương 179 Nhà giáo trẻ tiêu biểu
TPHCM tuyên dương 179 Nhà giáo trẻ tiêu biểu

VOV.VN - 179 nhà giáo trẻ được bình chọn tuyên dương từ 551 gương nhà giáo do các trường, các cơ sở Đoàn của thành phố đề cử

TPHCM  tuyên dương 179 Nhà giáo trẻ tiêu biểu

TPHCM tuyên dương 179 Nhà giáo trẻ tiêu biểu

VOV.VN - 179 nhà giáo trẻ được bình chọn tuyên dương từ 551 gương nhà giáo do các trường, các cơ sở Đoàn của thành phố đề cử

Xúc động về những nhà giáo hết lòng vì học sinh khuyết tật
Xúc động về những nhà giáo hết lòng vì học sinh khuyết tật

VOV.VN -Đó là những nhà giáo gắn bó cả cuộc đời với công tác chăm sóc, dạy trẻ khuyết tật.

Xúc động về những nhà giáo hết lòng vì học sinh khuyết tật

Xúc động về những nhà giáo hết lòng vì học sinh khuyết tật

VOV.VN -Đó là những nhà giáo gắn bó cả cuộc đời với công tác chăm sóc, dạy trẻ khuyết tật.