Báo động về trường học không có thí sinh thi môn Lịch sử

VOV.VN-Sẽ rất nguy hại nếu người dân không biết về lịch sử dân tộc. Vì vậy, môn lịch sử phải là môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Chiều 2/6, học sinh cả nước dự thi môn Lịch sử của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Vì môn lịch sử không phải là môn thi bắt buộc nên số lượng thí sinh đăng ký dự thi môn này rất ít. Nhiều hội đồng thi chỉ có vài thí sinh, một số nơi chỉ 1 thí sinh, thậm chí có trường THPT không có thí sinh nào thi môn lịch sử. Thực tế này đang là một một hồi chuông báo động về tình trạng học sinh “thờ ơ” với môn Lịch sử.

Xung quanh vấn đề trên, phóng viên Báo Điện tử VOV phỏng vấn PGS.TS Vũ Quang Hiển, khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Học sinh xem lại đề tại Hội đồng thi trường THPT Trần Phú-Hoàn Kiếm, Hà Nội

PV: Xin ông đánh giá về đề thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử năm nay?

PGS.TS Vũ Quang Hiển: Đã lâu lắm mới có một đề thi tốt nghiệp như thế này. Khoảng 5 năm qua, đề thi tốt nghiệp chỉ nhằm vào đánh giá khả năng thuộc bài, với những từ để hỏi: “như thế nào”, “nêu” hoặc “trình bày”. Đây là một đề thi hay, có yêu cầu cao hơn nhiều năm trước, chú trọng đánh giá khả năng tư duy của người học, chứng tỏ môn lịch sử không phải là môn “chỉ cần học thuộc lòng” như một số người nhầm tưởng. Cả ba câu hỏi đều có những ý dễ và khó.

Câu 1 nêu nội dung Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng chỉ đòi hỏi thuộc bài, nhưng ý “tư tưởng cốt lõi của Cương lĩnh” đòi hỏi phải có tư duy khái quát tổng hợp, biết suy luận, thì mới trả lời được là “độc lập tự do”. Câu này học sinh chỉ học thuộc bài sẽ đạt 3 điểm.

Câu 2 có yêu cầu “phân tích”, tức là phải có sự giải thích, chứng minh… để làm sáng tỏ từng nguyên nhân. Nếu chỉ trình bày lại những nguyên nhân như sách giáo khoa là chưa đáp ứng được yêu cầu và nhiều nhất chỉ đạt 1,5 điểm.

Câu 3, ý a chỉ cần thuộc bài thì đạt được 1,5 điểm, nhưng ý b đòi hỏi khả năng vận dụng kiến thức, cụ thể là vận dụng kiến thức về mục tiêu của Liên Hợp Quốc để giải thích “vì sao”, và biết liên hệ với thực tiễn của đất nước, hiểu được chủ trương của Đảng và Nhà nước (giải quyết vấn đề chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc bằng biện pháp hòa bình: đấu tranh ngoại giao và pháp lý), theo đúng nguyên tắc được xác định trong Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Đề thi được biên soạn khá công phu. Tuy nhiên, câu 1 hơi dài dòng, có thể bớt cụm từ “do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và trình bày tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930” thì nội dung của câu vẫn không thay đổi. Câu 3 về phần lịch sử thế giới, có thể hỏi rộng hơn về những xung đột về chủ quyền biển, đảo trên thế giới, hoặc ở châu Á thì sẽ hay hơn.

 
 PGS.TS Vũ Quang Hiển

PV: Ông nhận xét gì về phần lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới trong đề thi?

PGS.TS Vũ Quang Hiển: Cả hai phần lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới đều nhằm vào những kiến thức rất cơ bản, có tác dụng chống học vẹt, học tủ, tỷ trọng điểm là 70% cho phần lịch sử Việt Nam và 30% cho phần lịch sử thế giới là phù hợp. Phần lịch sử thế giới không tách rời, mà có liên quan chặt chẽ với lịch sử Việt Nam.

PV: Theo ông với đề thi như này, thí sinh có khả năng làm bài đến đâu?

PGS.TS Vũ Quang Hiển: Nếu tổ chức coi thi đúng quy chế, điểm bài thi sẽ không cao như mọi năm. Nếu học sinh chỉ học thuộc bài máy móc thì tối đa chỉ được khoảng 6 điểm.

Cả ba câu hỏi đều có khả năng phân loại cao và chính xác. Một đề thi như vậy sẽ tránh được tình trạng điểm khá giỏi nhiều.

PV: Năm nay, nhiều hội đồng thi chỉ có vài thí sinh, thậm chí có phòng chỉ có 1 thí sinh. Một số trường THPT không có thí sinh thi lịch sử. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

PGS.TS Vũ Quang Hiển: Nếu môn Toán, Ngữ văn cũng là môn tự chọn, thì cũng không có gì đảm bảo không rơi vào tình trạng tương tự như môn lịch sử.

Việc ít học sinh đăng ký thi tốt nghiệp môn Lịch sử có nhiều lý do khác nhau.  Đó là vị thế môn học chưa được coi trọng, bị hành xử như một môn phụ, ít cần thiết, cho dù không có văn bản Nhà nước nào quy định như thế. Chương trình và sách giáo khoa chưa phù hợp với học sinh phổ thông; có hiện tượng trùng lặp, vừa thiếu, lại vừa thừa. Vấn đề đổi mới phương pháp dạy học bộ môn chưa được quan tâm một cách đồng bộ.

Đề thi tốt nghiệp và tuyển sinh trong nhiều năm qua nặng về yêu cầu học sinh thuộc bài quá chi tiết, gây tâm lý ngại học, sợ học.

Nhìn chung, đời sống của đội ngũ thầy, cô giáo dạy lịch sử so với các giáo viên dạy môn khác có nhiều khó khăn hơn, nhiều người không đủ sống bằng tiền lương. Điều đó cũng ít nhiều tác động đến tâm lý học sinh đối với môn học.

 PV: Theo ông, kỳ thi tốt nghiệp THPT mà môn Lịch sử không được đặt là môn Bắt buộc thì sẽ ảnh hưởng như thế nào? Ý kiến của ông về vấn đề này?

PGS.TS Vũ Quang Hiển: Việc coi môn Lịch sử là môn thi tự chọn thể hiện nhận thức chưa đúng về vị thế của môn học. Tôi mong rằng đây chỉ là hiện tượng nhất thời.

Không phải tất cả học sinh học Lịch sử để trở thành những nhà sử học hay thầy, cô dạy lịch sử. Nhưng chúng ta sẽ không thể hình dung được mỗi con người Việt Nam lớn lên cần phát triển những năng lực sẵn có mà lại không dựa trên nền tảng là những tri thức về lịch sử và văn hóa dân tộc.

Mỗi môn khoa học đều có vai trò, vị trí quan trọng của nó, nhưng phải coi môn Lịch sử dân tộc là môn học đặc thù. Do vậy, cần phải có một chính sách đặc thù (không chỉ ở bậc học phổ thông, mà cả ở bậc đại học). Môn Lịch sử phải là một môn bắt buộc trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên