Bỏ điểm sàn đại học: Học sinh sẽ bỏ trường nghề để vào đại học?
VOV.VN-Dư luận đang lo ngại, việc Bộ GD-ĐT bỏ điểm sàn cũng có thể khiến học sinh ồ ạt vào các trường ĐH, CĐ chứ không theo học các trường dạy nghề...
Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2017. Một trong những điểm mới đáng chú ý của dự thảo là Bộ sẽ bỏ điểm sàn (mức điểm tối thiểu yêu cầu thí sinh phải đạt được để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ).
Mặc dù dự thảo đang được lấy ý kiến đóng góp của tri thức, nhà giáo, nhà khoa học và đông đảo tầng lớp xã hội nhưng dư luận xã hội đang lo ngại, nếu Bộ GD-ĐT bỏ điểm sàn xét tuyển vào ĐH, CĐ thì có thể nhiều trường tuyển sinh bằng mọi giá để thu hút thí sinh nhưng chất lượng nguồn nhân lực “đầu ra” sẽ khó đảm bảo. Điều này đã được cảnh báo khi những năm gần đây, có hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, giấu bằng ĐH để đi làm những việc lao động phổ thông hoặc phải làm trái ngành nghề vì không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của xã hội.
Việc Bộ GD-ĐT bỏ điểm sàn cũng có thể khiến học sinh ồ ạt xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ chứ không theo học các trường dạy nghề thì chủ trương phân luồng nghề nghiệp cho học sinh khó thực hiện được. Tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” và thất nghiệp trong đội ngũ cử nhân, thạc sĩ tiếp tục tái diễn và còn trầm trọng hơn.
GS.TS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT)
Trao đổi với VOV.VN, GS.TS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, cách đây 5 đến 6 năm, ông đã đề xuất với Bộ là nên bỏ điểm sàn. Tuy nhiên, với những lo ngại trên, GS.TS Quang Thiệp cho rằng, tình trạng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: tốc độ phát triển kinh tế, việc làm cho từng ngành nghề, lĩnh vực... Chất lượng đào tạo ở các trường ĐH chỉ là một trong những lý do dẫn đến tình trạng thất nghiệp.
Những lo ngại về tình trạng gia tăng học sinh đăng ký vào ĐH, bỏ trường nghề thì có thể kiểm soát bằng cách, nếu ngành học nào không có thí sinh đăng ký vào học thì các trường ĐH không nên tuyển nữa.
Các trường ĐH phải triển khai thực sự có hiệu quả để học sinh biết lựa chọn ngành nghề phù hợp với khả năng và các nhà tuyển dụng tìm tới địa chỉ nào tin cậy để lựa chọn lao động làm việc.
Mặt khác, bên cạnh hệ thống kiểm định chất lượng độc lập, việc dự báo thị trường lao động, thông tin về các ngành nghề, xu hướng việc làm cũng cần được các cơ quan Nhà nước thường xuyên cập nhật số liệu và thông tin rộng rãi đến học sinh để các em có thể nắm bắt và lựa chọn nghề nghiệp cho phù hợp.
Nên quy định điểm sàn cho các trường đại học ở tốp trên
Luật Giáo dục ĐH đã trao nhiều quyền tự chủ cho các trường, trong đó có việc chủ động tuyển sinh. Học sinh tốt nghiệp THPT có thể coi là tiêu chuẩn đầy đủ và cần thiết để các trường lấy đó làm căn cứ xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Các trường ĐH tuyển sinh như thế nào, đào tạo ra sao để đảm bảo chất lượng sinh viên là trách nhiệm của họ. Tuy vậy, khi các trường ĐH công bố “điểm sàn” của riêng mình thì cần phải minh bạch các thông tin về chỉ tiêu tuyển sinh, điều kiện học tập, tỉ lệ có việc làm cho sinh viên sau khi ra trường cho phụ huynh, học sinh và xã hội biết.
Theo GS.TS Lâm Quang Thiệp, nếu cần quy định điểm sàn, thì nên quy định điểm sàn cho các trường đại học ở tốp trên, bởi vì các trường đó là các trường đại học trọng điểm, Nhà nước quy định phải là các trường đào tạo chất lượng cao.
Do đó để vào học các trường đó thì cần một ngưỡng điểm sàn. Các trường tốp trên đã được đầu tư để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, mà lấn sân sang các trường tốp dưới, như trước kia có trường tuyển sinh vét đến tận điểm sàn là không đúng./.
Bỏ điểm sàn đại học: Có giảm cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp?
Bỏ điểm sàn đại học: Các trường sẽ tuyển sinh bằng mọi giá?