Bộ GD-ĐT cho rằng phí phát hành sách giáo khoa còn thấp
VOV.VN- Mức chiết khấu (phí phát hành) đối với sách giáo khoa hiện nay (18-20%) là rất thấp so với mặt bằng chiết khấu mặt hàng sách nói chung.
Bộ GD-ĐT vừa báo cáo với Văn phòng Chính phủ về việc xuất bản, phát hành sách giáo khoa giai đoạn 2012-2017. Một trong những nội dung đáng chú ý là báo cáo của Bộ về phần chiết khấu sách giáo khoa cao đang được dư luận quan tâm.
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, mức chiết khấu (phí phát hành) đối với sách giáo khoa hiện nay (18-20%) là ở mức rất thấp so với mặt bằng chiết khấu đối với mặt hàng sách nói chung (ảnh minh họa) |
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, mức chiết khấu (phí phát hành) đối với sách giáo khoa hiện nay (18-20%) là ở mức rất thấp so với mặt bằng chiết khấu đối với mặt hàng sách nói chung của các nhà xuất bản (35% - 40%).
Hơn nữa, giá sách giáo khoa hiện ở mức thấp, chỉ bằng (30 - 40%) đối với giá của các loại sách khác (có cùng số trang) nên giá trị thu được sau khi phát hành sách giáo khoa càng nhỏ nên các đối tác phát hành không mặn mà với việc phát hành sách giáo khoa do phần hoa hồng thu được không đảm bảo bù đắp đủ các chi phí lưu thông, bán hàng.
Để kìm giữ được giá sách giáo khoa như hiện nay đồng thời giảm bớt việc phải bù đắp khoản lỗ trong việc in và phát hành sách giáo khoa, trong 16 năm qua, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam Việt Nam đã nỗ lực tìm phương án thuyết phục các công ty Sách thiết bị trường học đồng thuận, cùng chi sẻ trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành để giảm dần chiết khấu đối với sách giáo khoa.
Cụ thể: Trước năm 2008, mức chiết khấu sách giáo khoa được áp dụng từ 21% đến 34% tùy theo địa bàn có khó khăn về điều kiện đường xá (đồng bằng - biên giới, hải đảo), phương tiện vận chuyển (Ôtô - xe thồ, xe ngựa) cũng như mức độ phát triển kinh tế.
Năm 2008, tại văn bản số 414/CV-NXBGD ngày 06/3/2008, NXBGD ngoài việc đề nghị các nhà in giữ không tăng giá công in SGK đã đề nghị các công ty Sách TBTH chia sẻ với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam một phần khó khăn bằng việc điều chỉnh chiếu khấu phát hành sách giáo khoa xuống từ 20% đến 27%.
Năm 2010, tại văn bản số 1983/CV-NXBGDVN, trước bối cảnh giá vật tư (giấy in) và công in tăng cao, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã buộc phải đề nghị các công ty Sách TBTH tiếp tục đồng thuận, chia sẻ áp dụng chung mức chiết khấu chung (20%) đối với tất cả các đối tác.
Theo NXB Giáo dục, mức chiết khấu phát hành sách giáo khoa (18-20%) như hiện nay là một khó khăn rất lớn đối với các Công ty Sách TBTH đặc biệt đối với các tỉnh miền núi, biên giới, hải đảo. Các đối tác phát hành, các Câu lạc bộ Công ty Sách TBTH ở các miền đã nhiều lần kiến nghị hoặc gửi văn bản đề nghị tăng phí phát hành hoặc hỗ trợ chi phí vận chuyển.
Tuy nhiên, do giá sách giáo khoa (do Bộ Tài chính quản lí) chưa được điều chỉnh, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đang phải bù đắp lỗ nên trong các năm qua chưa đáp ứng được các yêu cầu này.
Tại phiên họp Chính phủ chiều 1/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, hiện nay, cùng với độc quyền sách giáo khoa, thực tế là nhiều trường bằng cách này hay cách khác “ép” học sinh, phụ huynh mua sách tham khảo để hưởng hoa hồng. Đây là một trong những biểu hiện rõ của tiêu cực trong giáo dục./.
Liệu có nhiều nơi sẵn sàng bỏ ra hàng chục tỷ đồng để làm sách giáo khoa?
Sách VNEN, công nghệ giáo dục được bán và sử dụng như thế nào?
Giải bài toán chấm dứt làm sách giáo khoa mỗi năm lỗ 40 tỷ đồng thế nào?