Bộ GD-ĐT đang thẩm định hơn 150 bản mẫu sách giáo khoa mới
VOV.VN - Trong tháng 9 và tháng 10/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức thẩm định SGK biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của các khối lớp 3, 7, 10.
Năm 2021, Bộ GD-ĐT nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định sách giáo khoa lớp 3 của 6 nhà xuất bản, gồm Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội; Nhà xuất bản Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM; Nhà xuất bản Đại học Vinh; Nhà xuất bản Đại học Huế.
Theo lộ trình, các khối lớp này sẽ học theo chương trình mới từ năm học 2022-2023. Theo đó, có 48 bản mẫu sách giáo khoa của 11 môn học, hoạt động giáo dục lớp 3. Trong đó, môn Toán có 5 bản mẫu; mỗi môn Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên-Xã hội, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Công nghệ có 3 bản mẫu; mỗi môn Mĩ thuật, Hoạt động trải nghiệm có 4 bản; Tin học có 7 bản; Tiếng Anh có số lượng bản mẫu nhiều nhất với 10 bản.
Đối với lớp 7, có 47 bản mẫu sách giáo khoa của 12 môn học, hoạt động giáo dục được gửi về Bộ GD-ĐT để thẩm định. Trong đó, môn Tiếng Anh có 9 bản mẫu; môn Tin học 5 bản mẫu; mỗi môn Toán, Mĩ thuật, Hoạt động trải nghiệm-Hướng nghiệp có 4 bản mẫu; các môn học còn lại, mỗi môn có 3 bản mẫu.
Với lớp 10, Bộ GD-ĐT nhận được có 57 bản mẫu sách giáo khoa của 15 môn học, hoạt động giáo dục. Trong đó, môn tiếng Anh có 9 bản mẫu; Tin học có 5 bản; mỗi môn Toán, Ngữ văn, Hoạt động trải nghiệm-Hướng nghiệp; Công nghệ có 4 bản; các môn còn lại, mỗi môn có 3 bản.
Theo quy định, các Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ký quyết định thành lập. Các thành viên là những nhà giáo, nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học giàu kinh nghiệm, uy tín, được lựa chọn kỹ lưỡng. Trong đó ít nhất một phần ba số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy môn học, hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng.
Đồng hành với công việc của Hội đồng thẩm định, Bộ GD-ĐT cũng sẽ tổ chức lấy ý kiến góp ý độc lập từ các nhà khoa học, giáo viên… cho các bản mẫu sách giáo khoa, thêm kênh phản biện. Qua đó, giúp Hội đồng thực hiện tốt nhất hoạt động thẩm định, đánh giá chất lượng sách./.