Chuyện rác thải ở Quảng Ngãi và lời hứa với dân
VOV.VN - Tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt tồn tại nhiều năm nay nhưng chính quyền Quảng Ngãi vẫn loay hoay chưa có hướng giải quyết.
Thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đang là bài toán khó ở các đô thị hiện nay. Tại tỉnh Quảng Ngãi, tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt tồn tại nhiều năm nay. Trong khi đó, chính quyền địa phương vẫn loay hoay chưa có hướng giải quyết thỏa đáng.
Bao giờ các dự án xử lý rác thải tại Quảng Ngãi mới hoàn thành? Bao giờ người dân Quảng Ngãi mới thoát cảnh ô nhiễm môi trường từ rác thải? Người dân đang chờ đợi câu trả lời xác đáng từ chính quyền địa phương.
Rác ngập ngụa bờ kênh ở phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi. |
Gần 3 năm chậm tiến độ, nhiều lần gia hạn, đến nay, Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa hoạt động. Trong khi đó, thời hạn đóng cửa bãi rác tạm Đồng Nà, xã Tịnh Thiện, thành phố Quảng Ngãi đã cận kề. Việc này dẫn đến tình trạng thu gom xử lý rác thải sinh hoạt tại thành phố Quảng Ngãi và các địa phương lân cận bị chậm trễ, ùn ứ gây ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Thanh Hoàng, xã Nghĩa Kỳ bức xúc: "Mưa nắng, rác để gần khu dân cư. Người dân ở cạnh bãi rác rất bức xúc, vừa ô nhiễm xung quanh ảnh hưởng đến người dân, vừa dễ gây ra dịch bệnh".
Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Xây dựng Miền Bắc làm chủ đầu tư trên diện tích gần 12 ha, công suất xử lý 250 tấn rác/ngày. Đến nay, chủ đầu tư đã hoàn thành đưa vào vận hành thử nghiệm 1 dây chuyền phân loại rác và 1 lò đốt; hiện đang lắp đặt dây chuyền số 2 và một số công trình khác.
Nhà máy xử lý rác thải Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghãi, Quảng Ngãi nhiều lần trễ hẹn. |
Thời gian qua, người dân sống quanh khu vực bãi rác Nghĩa Kỳ thường xuyên ngăn cản không cho đưa rác vào nhà máy để xử lý. Đây cũng là nguyên nhân khiến các ngân hàng thương mại từ chối không cung ứng vốn tín dụng để Nhà đầu tư tiếp tục thực hiện dự án.
Để tháo gỡ vướng mắc này thì người dân phải đồng ý cho vận chuyển rác vào Nhà máy để vận hành chạy thử dây chuyền xử lý rác. Nhà đầu tư cam kết khi cho tiếp nhận rác “tươi” vào Nhà máy thì sẽ nhanh chóng hoàn thành các hạng mục còn lại trong khoản 4 tháng. Trong thời gian này, chủ đầu tư sẽ đưa dây chuyền phân loại rác và lò đốt vào hoạt động, xử lý khoảng 125 tấn rác/ngày.
Ông Đỗ Minh Hải, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Chúng tôi đề xuất, UBND tỉnh Quảng Ngãi đứng ra tổ chức đối thoại với người dân, đưa ra lộ trình của nhà nước thực hiện di dời, xây dựng các khu tái định cư để người dân đồng thuận cho phép chở rác lên nhà máy để nhà máy vận hành. Vấn đề này, thời gian lúc nào phụ thuộc vào lãnh đạo UBND tỉnh, vượt quá thẩm quyền của Sở nên chúng tôi không cam kết được ngày nào".
Người dân nhiều lần ngăn cản không cho chở rác vào bãi. |
Trước tình trạng này, ngày 9/7 vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi họp cho ý kiến về cơ chế, chính sách và chỉ đạo giải quyết những vấn đề liên quan Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Nghĩa Kỳ. Theo đó, giao cho Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh tập trung giải quyết bồi thường, hỗ trợ tái định cư khoảng 300 hộ dân bị ảnh hưởng trong phạm vi bán kính 1.000m. Mặt khác, vận động người dân không ngăn cản việc vận chuyển rác thải vào Nhà máy và bãi rác Nghĩa Kỳ để vận hành thử nghiệm các dây chuyền xử lý rác.
Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng đánh giá, thẩm định dự án đưa vào hoạt động chính thức, giải quyết bài toán xử lý rác thải sinh hoạt ở thành phố Quảng Ngãi và các vùng phụ cận.
Bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi đề nghị: "UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết nhanh những vấn đề tỉnh xác định rất cấp bách. Đó là các hộ dân có liên quan nhà máy xử lý rác thải và bãi rác Nghĩa Kỳ. Tôi đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành phải xắn tay vào thực hiện ngay việc này để tránh diễn ra tình trạng bức xúc của người dân"./.