Bộ Giáo dục & Đào tạo đề xuất phương án thi tốt nghiệp THPT

Bộ Giáo dục & Đào tạo đề xuất phương án thi tốt nghiệp THPT

VOV.VN - Theo đề xuất của Bộ Giáo dục & Đào tạo, từ năm nay sẽ tổ chức kỳ thi xét tốt nghiệp THPT và giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học.

Tại phiên họp Thường trực Chính phủ chiều nay về phòng, chống dịch Covid-19 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Bộ GD&ĐT đã trình bày phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Trước việc nhiều địa phương cũng như các trường đại học, cao đẳng băn khoăn là nếu chỉ tổ chức kỳ thi trung học phổ thông để xét tốt nghiệp như phương án của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì các trường sẽ phải tổ chức thêm kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, không phải tất cả đều phải tổ chức thi, vì các trường có thể phối hợp với các trường tốp đầu để cùng tổ chức thi hoặc xét tuyển.

aa_slnx.jpg
Kỳ thi THPT Quốc gia.

Theo trình bày của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, điểm khác biệt lớn nhất của kỳ năm nay so với các năm trước đó là tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT chứ không còn là thi THPT quốc gia. Nếu như tại các kỳ thi THPT quốc gia, các trường đại học, cao đẳng có thể căn cứ xét tuyển sinh viên thì năm nay, mục tiêu chính là để xét tốt nghiệp phổ thông trung học. Điều này là phù hợp với Luật Giáo dục 2019, có hiệu lực từ 1/7 tới, đó kể từ thời điểm này sẽ gọi là kỳ thi xét tốt nghiệp THPT, còn giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường cao đẳng, đại học.

Việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học này sẽ do các địa phương tự tổ chức gắn với công tác kiểm tra, thanh tra chặt chẽ. Các địa phương được giao trách nhiệm chủ trì công tác tổ chức thi, coi thi, chấm thi tự luận. Kỳ thi rút ngắn còn 1,5 ngày. Bộ GD&ĐT tiếp tục ra đề thi toàn quốc, áp dụng công nghệ thông tin để quản lý chặt chẽ bài thi; tiếp tục tổ chức chấm thi trắc nghiệm trên máy tính.

Cho rằng, ban đầu các trường có thể gặp những khó khăn nhất định về tuyển sinh cao đẳng, đại học, và học sinh khi phải thi thêm một kỳ thi cao đẳng đại học sau kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, nhưng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đạo tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng, có nhiều ưu điểm khi chỉ tổ chức kỳ thi trung học phổ thông với đề thi giảm sự phân hóa.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: "Nhìn tổng ra và theo xu thế và theo tình hình hiện nay thì phương án đề xuất như vậy hợp lý hơn. Qua 2 buổi làm việc với Phó Thủ tướng cũng đồng thuận cao, thi chứ không xét tốt nghiệp. Khi thực hiện phương án này thực hiện kịp thời đổi mới thi cử theo lộ trình, đặc biệt là thực thi được Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học, tăng cường tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học; các địa phương tăng cường tự chủ trong khâu tổ chức thi tốt nghiệp. Điều đáng nói là học sinh thi tại địa phương nên không phải di chuyển nhiều; thời gian rút ngắn nên nhẹ nhàng và đỡ tốn kém.

Đồng tình với cách tổ chức kỳ thi như đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc chuẩn hóa kết quả một kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học nhằm đánh giá mặt bằng của học sinh sau quá trình học là rất cần thiết và phù hợp với quốc tế. Các trường cao đẳng, đại học sẽ thực hiện tự chủ trong tuyển sinh và theo ông Phan Thanh Bình, nhiều trường ủng hộ phương án này.

Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý thì băn khoăn: "Đồng tình với Bộ trưởng đã nêu liên quan đến kỳ thi. Tuy nhiên nếu thi như vậy là thi tốt nghiệp, xong lại phải thi Đại học. Trong khi đó học sinh ở vùng sâu xa, về Hà Nội thi sẽ gây rắc rối, phức tạp nhất là trong điều kiện dịch bệnh vẫn tiếp diễn. Học sinh vất vả thôi. Cân nhắc thêm phương án như năm 2018-2019 để học sinh đỡ vất vả".

Trao đổi về băn khoăn này của Hà Nội cũng như của nhiều địa phương, nhất là đối với việc liệu có phải tất cả các trường cao đẳng đại học đều phải tổ chức kỳ thi tuyển sinh hay không, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nêu rõ: "Câu chuyện đặt ra bây giờ là xét tuyển ĐH như thế nào. Thực chất từ trước đến nay chúng ta có khoảng 10 trường top trên (trừ trường công an và quân đội và y) vẫn lấy điểm thi này để xét tuyển, còn lại 10% các trường top trên họ thi, giống như ĐHQG TPHCM. Còn lại khoảng 25% họ không căn cứ thi mà lấy học bạ, phần nhiều là các trường top thấp. Còn lại ở giữa họ lấy cái này, bây giờ mình thi thế này độ phân hóa không nhiều nữa. 10 trường muốn thi riêng thì kết hợp với ĐHQG để tổ chức thi chung.

Một số người nói như này là quay lại như ngày xưa thì không phải, tại vì ngày xưa tất cả các trường ĐH đều phải thi, còn bây giờ không phải thi như thế. Chỉ sẽ tăng thêm một số trường vào 10 trường trên để thi chung hoặc phỏng vấn thêm. Đây hoàn toàn theo xu thế đổi mới ĐH"./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên