Bộ Giáo dục nên bỏ vai trò chủ quản Nhà xuất bản Giáo dục
VOV.VN - Bộ GD-ĐT hãy tách mình ra khỏi tư cách chủ quản một Nhà xuất bản lâu nay độc quyền in SGK, và nay đang vẫn là một “con đẻ" của Bộ.
Ai cũng biết trước nay Nhà Xuất Bản Giáo dục hầu như độc quyền trong việc xuất bản sách giáo khoa (SGK). Họ nói là giá bán sách bị kiểm tra chặt chẽ và hàng năm họ bù lỗ ngót trăm tỷ cho SGK.
Không hiểu sao lỗ như thế nhưng họ lại in sách có phần học sinh làm bài tập điền luôn vào đó, để dùng xong thì... vất đi.
Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam được coi là "sân sau" của Bộ GD-ĐT |
Và không hiểu sao với bề dày kinh nghiệm như thế họ lại in cả sách kiểu "quân Mã Viện cởi truồng đánh nhau" với quân Hai Bà Trưng (có minh hoạ nhé!), hay dạy trẻ con lớp 1 cứ mạnh dạn dẫm lên thuỷ tinh...
Nhưng hãy nói chuyện bây giờ.
Một khi chủ trương "Một chương trình, nhiều bộ Sách Giáo khoa" đã được thông qua, có nghĩa là các nhà xuất bản, các tổ chức, các cá nhân đều có thể viết SGK và nếu qua thẩm định sẽ được phát hành. Giáo viên tham khảo học sinh, phụ huynh... lựa chọn SGK cho trường mình.
NXB Giáo dục có chiến lược "đón đầu' chủ trương trên. Chiến lược ấy là gì?
- Phương châm: "Thường xuyên tiếp cận tiến độ xây dựng chương trình của Bộ Giáo dục&Đào tạo".
- Biện pháp: "Tạo kênh thông tin giữa Ban biên tập chương trình của Bộ Giáo dục& Đào tạo và NXB Giáo dục để chủ động tổ chức biên soạn SGK. Gắn kết chặt chẽ mối quan hệ tam giác: Bộ GD&ĐT -Tác giả - Nhà Xuất bản Giáo dục".
Kể ra thì tất cả những điều trên không sai. Nhưng không khỏi không có cảm giác tinh thần của nó - từ Phương châm đến Biện pháp - là : "Bám thắt lưng bố, bám chặt váy mẹ" để tiến lên trước nhất.
Vấn đề là liệu các nhà xuất bản, các tổ chức, cá nhân khác (kiểu như nhóm Cánh Buồm) có thiết lập được cho mình"kênh thông tin" và "tam giác" kiểu đó không?
Và giáo viên, nhà trường, phụ huynh chọn SGK, nhưng nhà trường xưa nay vẫn coi Bộ Giáo dục là cấp cao nhất trong ngành. Vậy có dễ bỏ qua sản phẩm "trong ngành" do NXB Giáo dục phát hành không?
Do vậy, cá nhân tôi cho rằng thời kỳ mới, chủ trương mới, thì cũng nên có cung cách mới.
Bộ Giáo dục - người tổ chức việc thẩm định chất lượng SGK do mọi Nhà xuất bản, Tổ chức, Cá nhân viết ra - hãy tách mình ra khỏi tư cách chủ quản một Nhà xuất bản lâu nay độc quyền in SGK, và nay đang vẫn là một “con đẻ". Nhà xuất bản Giáo dục nên đứng ra ngoài cơ cấu của Bộ Giáo dục, giống như bất cứ doanh nghiệp xuất bản nào khác.
Có lẽ như thế người ta mới tin rằng sự thi đua và cạnh tranh trong lĩnh vực cung ứng SGK là thật sự công bằng./.