Bộ Giáo dục sẽ xem xét hạ điểm sàn cho thí sinh các vùng khó khăn
VOV.VN -Năm nay, Bộ Giáo dục sẽ xem xét hạ điểm sàn cho thí sinh các vùng khó khăn có nguyện vọng đăng ký vào học tại các trường ĐH trong vùng.
Tại buổi họp báo về công bố điểm sàn xét tuyển vào đại học (ĐH) năm 2016 diễn ra sáng 28/7, trả lời câu hỏi của báo chí về việc Bộ GD-ĐT có những ưu tiên gì với các trường ĐH tại các khu vực khó khăn (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ) để các trường này có thể tuyển đủ chỉ tiêu, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, Bộ sẽ cân nhắc hạ điểm sàn nếu Ban chỉ đạo các vùng này có ý kiến.
Năm 2015, Bộ GD-ĐT có cơ chế hạ mức điểm sàn xuống 1 điểm so với mức chung đối với các thí sinh tại các vùng khó khăn và có nguyện vọng đăng ký vào học tại các trường ĐH trong vùng.
Năm nay, Bộ sẽ xem xét và thông báo tới các trường để các vùng khó khăn này tuyển được thí sinh học tại địa phương mình và sau này phục vụ tại địa phương.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga giải thích, năm 2015, Bộ GD-ĐT thực hiện cơ chế hạ điểm sàn theo đề nghị của Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.
Năm nay, Bộ GD-ĐT chờ ý kiến của các ban chỉ đạo. Trong trường hợp các ban chỉ đạo các vùng này thấy rằng không cần phải giảm điểm sàn mà vẫn đảm bảo nguồn tuyển và nhu cầu học tập của người dân thì Bộ cũng sẽ không áp dụng cơ chế hạ điểm sàn.
Trong trường hợp 3 ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ có ý kiến thì Bộ GD-ĐT sẽ xem xét và có thể áp dụng mức điểm sàn hạ 1 điểm so với mức điểm sàn chung như năm 2015.
Cán bộ trường đại học đối chiếu ảnh và xem lại các thông tin của thí sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 |
Không còn tình trạng thí sinh 27 điểm bị trượt đại học
Về mức điểm sàn, năm nay, trung bình điểm đầu vào của các trường top trên sẽ không có xê dịch lớn và với phổ điểm năm nay cũng sẽ không còn tình trạng học sinh 27 nhưng vẫn trượt đại học như năm 2015.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, điểm sàn xét tuyển ĐH năm 2016 được Hội đồng xác định điểm sàn xác định dựa trên 3 yếu tố: Đảm bảo chất lượng, chỉ tiêu tuyển sinh và phương thức xác định tổ hợp của các trường.
Từ những căn cứ trên, Bộ GD-ĐT đã đưa ra các phương án để Hội đồng xác định điểm sàn thảo luận: Phương án 1 là 15,5 điểm, cao hơn năm 2015. Phương án thứ 2 là bằng năm 2015 với 15 điểm. Một phương án thấp hơn là 14,5 điểm. Phương án cuối cùng là các khối A, B, C là 15 điểm còn riêng khối D là 14 điểm do môn Ngoại ngữ nămnay khá thấp.
Tuy nhiên, tất cả các thành viên Hội đồng xác định điểm sàn đã xác định chọn điểm sàn năm nay là 15 điểm.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, với mức điểm sàn 15 điểm như năm nay thì hệ số dôi dư năm này là 1,27, thấp hơn so với năm ngoái. Tuy nhiên, đây chỉ là số tối thiểu cho 5 khối thi truyền thống (A, A1, B, C, D) còn các trường vẫn có tổ hợp xét tuyển riêng./.