Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Sẽ có quy chế riêng về học online và mức thu học phí
VOV.VN - Ngày 3/6, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 Sở GD-ĐT và 34 trường đại học về đánh giá chất lượng dạy học từ xa.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong thời điểm cả nước phòng chống dịch bệnh Covid-19, với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, học sinh các cấp học đã được tiếp cận với kiến thức, với thầy cô qua môi trường mạng.
“Dạy học từ xa đã được triển khai từ lâu nhưng làm bài bản, rộng khắp thì đây là lần đầu tiên làm được. Mặc dù vừa qua là giai đoạn khó khăn đối với ngành Giáo dục nhưng cũng chưa bao giờ lại có cơ hội như vừa rồi để ứng dụng công nghệ trong dạy và học”, Bộ trưởng nhận định.
Toàn cảnh cuộc họp. |
Đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng, quá trình triển khai dạy và học trực tuyến vừa qua cho thấy, phương thức dạy học trực tuyến không chỉ là giải pháp tạm thời trong mùa dịch mà còn là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục từ mầm non đến đại học; qua đó giải phóng năng lượng lớn cho giáo viên, giảm tải các thủ tục hành chính, nhiều kiến thức, kinh nghiệm được chia sẻ, nâng lên.
Trao đổi tại hội nghị, đại diện nhiều Sở GD-ĐT đều cho rằng, để phương thức đào tạo trực tuyến tiếp tục phát huy hiệu quả và duy trì lâu dài, Bộ GD-ĐT cần sớm ban hành quy định về tính pháp lý cho việc dạy học và công nhận kết quả học trực tuyến; hướng dẫn cụ thể về điều kiện triển khai, đồng thời hỗ trợ về đường truyền, thiết bị và hệ thống tài nguyên dạy học bảo đảm thống nhất...
Về vấn đề này, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học cho biết, hiện nay, một số thầy cô nhầm lẫn dạy trực tuyến và dạy học qua một số phần mềm. Do đó, rất cần quy định dạy học trực tuyến và quy định trách nhiệm của Sở, phòng GDĐT, nhà trường, cũng như các thầy cô giáo, cha mẹ học sinh. Dự kiến dự thảo thông tư sẽ được hoàn thiện trước thềm năm học mới để lấy ý kiến rộng rãi.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Nhạ cho rằng, dạy học trực tuyến không phải là phương thức tình thế. Bộ trưởng cho biết, tới đây phương thức này sẽ tiếp tục được triển khai, cộng hưởng với trực tiếp. “Nếu làm tốt được việc này không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục, giúp học sinh tiếp cận được với rất nhiều kiến thức kĩ năng hiện đại trong và ngoài nước mà còn rất thiết thực rút ngắn thời gian học trên lớp. Rút ngắn thời gian mà chất lượng vẫn đảm bảo”.
Theo đó, ông Nhạ cũng cho rằng, trước hết, các địa phương, cơ sở giáo dục cần tiếp tục tập trung đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin: phần mềm, kết nối đầu cuối, đảm bảo an ninh, an toàn trong môi trường mạng... Về vấn đề này, Bộ trưởng lưu ý, cần có sự hỗ trợ của các tập đoàn, công ty công nghệ, nhà mạng.
Đối với việc xây dựng kho học liệu số, Bộ trưởng gợi ý, nên chọn những giáo viên có kinh nghiệm để thực hiện các bài giảng trên cơ sở chương trình tỉnh giản để có kho học liệu dung chung. Thời gian qua, ngành Giáo dục đã tích cực tham gia đóng góp vào Hệ tri thức Việt số hóa và chính ngành Giáo dục được hưởng lợi từ đây. Tới đây, việc xây dựng kho học liệu phải được tiếp tục, từng bước số hóa học liệu, trong đó có sách giáo khoa điện từ, các bài giảng điện tử để các thầy cô chia sẻ và kết nối. “Qua số hóa sẽ giảm được rất nhiều sổ sách, thủ tục, từ đó giảm áp lực cho giáo viên”.
Bộ trưởng Nhạ đồng thời lưu ý, thời gian tới, cần phải tập trung cho tập huấn, hướng dẫn phương pháp sư phạm cho giáo viên về dạy trực tuyến, để dạy học trực tuyến trở thành nghề chứ không đơn thuần chỉ biết công nghệ là dạy được.
“Học sinh cũng phải được hướng dẫn nâng cao tính tự giác và trách nhiệm của các em, nhất là những kiến thức, kỹ năng phòng tránh tác động xấu khi tham gia vào môi trường mạng. Đối với mỗi nhà trường, việc kết hợp giữa học trực tuyến và trực tiếp phải được thực hiện bài bản, tiết học nào có thể học trực tuyến thì thống nhất để kết hợp, có quy định về chế độ dạy học trực tuyến để giáo viên yên tâm thực hiện; đồng thời có biện pháp nhắc nhở các thầy cô chưa tích cực tham gia vào chuyển đổi số”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành quy chế chính thức dạy và học trực tuyến ở bậc phổ thông, tiến tới chuẩn hóa để mọi người áp dụng. Trong đó có tổ chức đánh giá, đảm bảo tính minh bạch, nghiêm túc, trung thực. Việc thu học phí đối với phương thức dạy học trực tuyến cũng phải rõ ràng, công khai, minh bạch, căn cứ vào đó người cung cấp dịch vụ giáo dục và người nhận dịch vụ thống nhất.
Đặc biệt, theo ông Nhạ, cần xây dựng được một hệ thống cơ sở dữ liệu có chuẩn kết nối thông suốt trong hệ thống. Bộ GDĐT sẽ sớm xây dựng trung tâm điều hành giáo dục, kết nối thông tin tới từng sở, phòng, cơ sở giáo dục, đảm bảo thông tin đầy đủ và đưa ra được những quyết định chính xác.
“Phương thức tổ chức dạy học có áp dụng công nghệ để thành thục, hiệu quả cần rất nhiều cố gắng từ các bên. Với những gì làm được thời gian qua, với quyết tâm của các địa phương, nhà trường, doanh nghiệp và toàn xã hội, mục tiêu phát triển dạy học trực tuyến tới đây sẽ thành hiện thực và trở thành công cụ, phương thức không thể thiếu” - Bộ trưởng khẳng định./.