Bộ trưởng GD-ĐT: Vẫn tuyển sinh ngành tài chính, ngân hàng
(VOV) - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời thắc mắc của thí sinh về thay đổi trong công tác đào tạo, ngành học trong năm 2013.
Theo dự báo của Trung tâm Cung ứng Nhân lực Quốc gia năm 2013, thời gian tới, có khoảng 120 sinh viên theo học các ngành về tài chính, kinh doanh ra trường không có việc làm.
Số lượng đào tạo sinh viên các chuyên ngành này mỗi năm dư khoảng 18% so với nhu cầu thực tế của xã hội.
Hiện tại có 60% các trường Đại học, Cao đẳng trên cả nước có mở ngành đào tạo liên quan đến kinh tế. Đây là những con số mà đại diện Bộ GD - ĐT đã đưa ra. Cung vượt quá cầu và sự suy thoái kinh tế trong năm qua, là cơ sở để Bộ GD - ĐT đưa ra khuyến cáo các trường Đại học Cao đẳng hạn chế tuyển và mở mới những ngành này.
Thông tin đưa ra được dư luận hết sức quan tâm. Nhiều học sinh đang chuẩn bị cho kỳ thi chọn ngành tài chính, kinh doanh, ngân hàng đang thực sự hoang mang trước thông tin này. Thực tế thông tin khuyến cáo của Bộ GD-ĐT như thế nào? Trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời ngày 27/1, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã có câu trả lời nhằm giải đáp khúc mắc của không ít phụ huynh và thí sinh.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, Bộ không có chủ trương ngừng đạo tạo các ngành tài chính ngân hàng, kinh doanh, kế toán. Các trường được phép mở chuyên ngành đào tạo này trong năm học 2013 vẫn tuyển sinh bình thường, ví dụ như: Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Tài chính, Đại học Thương mại, Đại học Ngoại thương… “Chỉ tiêu tuyển sinh các ngành học này vẫn do hiệu trưởng các trường quyết định và dựa trên tiêu chí chất lượng mà Bộ ban hành”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói.
Chủ trương của Bộ GD-ĐT là dừng mở mới các trường, các ngành đào tạo của lĩnh vực này nhằm điều chỉnh cơ cấu nguồn nhân lực đào tạo vì hiện nay quy mô đào tạo này rất lớn, số lượng sinh viên đã và đang ra trường rất nhiều. “Lời cảnh báo này giúp thí sinh thận trọng trong việc chọn ngành thi tuyển”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Luận, không chỉ có ngành ngân hàng, tài chính, kế toán mà hiện nay một số ngành học như xây dựng, điều dưỡng cũng đang có tình trạng cung vượt cầu, bởi vậy Bộ trưởng Luận nói rõ rằng: “Tất cả các ngành sẽ được phát cảnh báo thường xuyên để các thí sinh chuẩn bị thi vào các trường Đại học, Cao đẳng có những con số thống kê chính xác, đồng thời các nhà trường cũng nhìn thấy khả năng tiếp nhận nguồn lao động mình cung cấp để có các giải pháp kịp thời. Bộ cũng sẽ đưa ra giải pháp để khuyến khích, cân đối các ngành học nhằm cung ứng nguồn lao động phù hợp với nhu cầu thị trường lao động”.
Với ngành tài chính ngân hàng, kế toán là cảnh báo đầu tiên, tiếp theo sẽ có những cảnh báo với các ngành học khác mang tính định kỳ, thường xuyên. “Đây là nhiệm vụ Chính phủ đã giao trách nhiệm cho chúng tôi”, Bộ trưởng Luận cho biết.
Chấn chỉnh đào tạo liên thông
Tại Chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng giải đáp thắc mắc, lo lắng của thí sinh về vấn đề học liên thông đại học.
Đối với việc học liên thông Đại học, Bộ GD-ĐT không có chủ trương dừng đào tạo liên thông, nhưng thực hiện chấn chính công tác đào tạo này cho phù hợp với Luật Giáo dục Đào tạo điều chỉnh có hiệu lực từ 1/1/2013.
Theo đó, với trường hợp đã tốt nghiệp được 3 năm, có thời gian làm việc trong cơ sở, có kinh nghiệm thực tiễn thì hoàn toàn có quyền thi liên thông vào học các trường đạo học.
Với học sinh học nghề, trung cấp chuyên nghiệp mới ra trường, chưa có kinh nghiệm thực tiễn muốn thi liên thông ngay sau khi tốt nghiệp thì phải dự thi như các thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông. Đối với những thí sinh tốt nghiệp trung cấp đã có tích lũy kỹ năng mềm về nghề nghiệp, Bộ sẽ xây dựng môn thi phù hợp.
Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, hình thức đào tạo liên thông nhằm tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người. Việc Bộ siết chặt liên thông nhằm đưa đào tạo liên thông về đúng bản chất của nó, tránh việc nhận thức, tổ chức liên thông như một hệ đào tạo. Đồng thời việc thay đổi này nhằm đưa Luật Giáo dục Đào tạo đã có hiệu lực vào cuộc sống để đảm bảo chất lượng đầu ra./.