Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Không phải cứ gắn vào từ “quốc tế” là thu tiền
VOV.VN - Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khi làm việc với các trường đại học trong và ngoài nước.
Thực tế đáng ghi nhận là nhiều cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam đã có những chương trình đào tạo chất lượng, được kiểm định quốc tế, với chương trình đào tạo bằng tiếng Anh và một số ngoại ngữ khác. Nhiều cơ sở giáo dục đại học Việt Nam được ghi nhận trong danh sách các bảng xếp hạng đại học uy tín nhất tại Châu Á và trên thế giới. Trong đó, 3 trường thuộc top 1.000 đại học tốt nhất thế giới theo xếp hạng của QS và THE và 8 trường thuộc top 500 đại học tốt nhất Châu Á theo xếp hạng của QS…
Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo quốc tế liên kết với các đại học uy tín ở nước ngoài không ngừng gia tăng cả về số lượng lẫn chất lượng, hiện có khoảng 400 chương trình liên kết đào tạo với hơn 30 quốc gia trên thế giới.
Theo người đứng đầu ngành giáo dục Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ, đây là hướng phát triển giáo dục linh hoạt, tạo điều kiện nhất cho người học. Với sự phát triển của kỷ nguyên khoa học công nghệ, mô hình đào tạo liên kết giữa các trường, giữa các nước đã phong phú hơn.
Chủ trì Hội nghị thúc đẩy cơ hội học tập chương trình giáo dục quốc tế tại Việt Nam diễn ra sáng 21/7, với sự tham dự của đại diện sứ quán các nước hợp tác quốc tế về GD-ĐT với Việt Nam và hơn 40 Hiệu trưởng, Giám đốc các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu tại Việt Nam, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, Hiệu trưởng, Giám đốc các cơ sở giáo dục đại học và Đại sứ, Tham tán của nhiều nước đang có cơ hội ngồi lại để bàn thảo và đưa ra những giải pháp giúp cung cấp các chương trình đào tạo tốt, theo các phương thức và mô hình sáng tạo khác nhau, cho cả sinh viên Việt Nam và nước ngoài, tạo ra một cộng đồng quốc tế cho người học, hướng tới trở thành công dân toàn cầu.
Tại hội nghị, diện các trường đại học trong và ngoài nước nêu vấn đề “minh bạch” trong đào tạo quốc tế tại Việt Nam. GS Ray Gordon, Hiệu trưởng Trường Đại học Anh quốc tại Việt Nam thẳng thắn nêu vấn đề nhiều trường có “mác quốc tế”, song thực tế chất lượng đào tạo lại không đạt. Ông Gordon lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng tới uy tín và hình ảnh của các trường quốc tế, các chương trình đào tạo quốc tế tại Việt Nam, đồng thời kiến nghị phải có biện pháp đảm bảo minh bạch, công bằng.
Đây cũng là một trong những vấn đề quan ngại được đại diện đại học RMIT nêu tại Hội nghị. Với vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: “Minh bạch là điều rất cần thiết để tránh tình trạng cứ gắn vào từ “quốc tế” là thu tiền. Đây là vấn đề chúng tôi đang giải quyết quyết liệt để đảm bảo minh bạch. Tất cả các chương trình đạo tạo quốc tế phải xứng với chất lượng, để phụ huynh và học sinh tin tưởng chọn trường, cũng như được đảm bảo chi phí bỏ ra sẽ thu về chất lượng học tập”.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu nhất trí rằng Việt Nam đã và đang kiểm soát tốt dịch Covid-19. Theo đó, các trường đại học của Việt Nam vẫn mở cửa đón nhận sinh viên và thực hiện các hoạt động đào tạo một cách bình thường. Trong khi, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, khiến trường đại học tại nhiều nước phải tạm ngừng giảng dạy, nhiều du học sinh Việt Nam hiện đã trở về nước. Do vậy, đây là dịp để các cơ sở đào tạo đại học tiếp nhận sinh viên Việt Nam đang du học tại nước ngoài về tiếp tục học tập.
“Hội nghị thúc đẩy cơ hội học tập chương trình giáo dục quốc tế tại Việt Nam nhằm giới thiệu, trao đổi về năng lực và kinh nghiệm triển khai các chương trình đào tạo quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học trong nước, qua đó sẵn sàng đón các du học sinh Việt Nam ở nước ngoài, du học sinh nước ngoài học tập tại Việt Nam trong giai đoạn bệnh dịch còn diễn biến phức tạp trên thế giới”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.
Bộ GD-ĐT còn nhằm một mục tiêu dài hạn là tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam thông qua việc đẩy mạnh việc cung cấp các chương trình đào tạo và môi trường học tập quốc tế để các học sinh Việt Nam có thể “du học tại chỗ”./.