Bối rối chọn lối vào đời?
VOV.VN -Nhiều học sinh tìm hiểu rất kỹ nhưng vẫn thấy “rối”. Có em băn khoăn giữa một trường tư “có vẻ năng động” và một trường công lập “đáng tin cậy”
Từ ngày 1/4 thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi THPT Quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2019. Tuy nhiên, đến thời điểm này nhiều em vẫn còn hoang mang không biết nên chọn ngành nghề theo đam mê hay chọn ngành dễ tìm việc.
Tư vấn cho học sinh chọn ngành nghề. |
Bối rối khi “trăm hoa đua nở”?
Năm nay, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tiếp tục giữ phương án không hạn chế số lượng đăng ký nguyện vọng của thí sinh. Vì thế, nhiều thí sinh vẫn dự tính đăng ký “thả phanh” nguyện vọng để tăng cơ hội vào đại học... Trên một số diễn đàn, có những ý kiến cho rằng, chỉ cần đăng ký từ 5 đến 10 nguyện vọng là đủ. Trong khi đó, không ít thí sinh nêu quan điểm đăng ký 20, thậm chí 30 nguyện vọng cho “chắc ăn”. Năm 2018, 50% thí sinh thay đổi nguyện vọng. Điều này phần nào cho thấy các em chưa xác định được ngành nghề phù hợp cho mình...
Trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh được tổ chức ở Hà Nội vừa qua, tại khu tư vấn Gỡ rối hướng nghiệp - Chọn lối vào đời là khu khá đặc biệt thu hút rất nhiều phụ huynh và học sinh. Nhiều học sinh thể hiện sự tìm hiểu rất kỹ nhưng vẫn thấy “rối”. Có em băn khoăn giữa một trường tư “có vẻ năng động” và một trường công lập “đáng tin cậy”. TS Phạm Ngọc Linh, Phó trưởng khoa Công tác xã hội, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho rằng, mỗi ngôi trường sẽ có một thế mạnh khác nhau. “Nếu em nào thích một môi trường học tập năng động, thiên về thực hành ứng dụng hơn thì chọn trường tư. Nhưng phải xác định điều kiện kinh tế gia đình cho phép, đóng học phí cao. Còn muốn có sự bảo đảm chất lượng, học phí thấp hơn thì chọn trường công” - TS Linh phân tích.
Nhiều học sinh lo lắng đưa ra câu hỏi với các chuyên gia như “Trường tư khó xin việc hơn trường công thì có nên học trường tư không?”. TS Linh khẳng định, mọi khó khăn nếu có thì cũng chỉ là ban đầu, vì càng ngày các nhà tuyển dụng sẽ càng chú ý đến năng lực thực tế, phong cách, thái độ làm việc. Nếu có chuyên môn tốt, có kỹ năng mềm tốt, có sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm thì chắc chắn tấm bằng công hay tư không quá quan trọng.
Bên cạnh đó, một số học sinh muốn học “nghề 4.0” bởi nghe nói đến nhiều và vì thế tin sẽ dễ xin việc. PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông - Vận tải, chia sẻ: 4.0 là quá trình kết nối, nhưng vẫn phải có vai trò của con người để tạo ra và điều khiển nó. Vì thế, cần phải học tốt chuyên môn một chuyên ngành nào đó, để hiểu và vận hành nó. “Mình sẽ tham gia vào đâu trong quá trình 4.0 vì 4.0 bao trùm nhiều lĩnh vực khác nhau” - ông Chương gợi mở.
TS Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng công tác sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), cũng chia sẻ đặc trưng của khoa học cơ bản là phải nghiên cứu sâu lý thuyết, làm việc nhiều trong các phòng thí nghiệm. “Nghề gì cũng cần đam mê, nhưng học khoa học cơ bản càng cần đam mê hơn” - TS Bình nhấn mạnh.
Băn khoăn với nhận định “học phải có đam mê”, một học sinh đặt câu hỏi trực diện: “Đam mê chọn mình, hay mình chọn đam mê?”. GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, chia sẻ thêm: “Đam mê là thứ cảm tính rất nhiều. Càng trưởng thành thì đam mê càng có cơ sở và chính xác hơn. Nhưng khi còn trẻ, các em cần thu thập thông tin, tìm hiểu cho kỹ dựa trên năng lực, sở trường, cả hoàn cảnh đáp ứng... để chọn một nghề phù hợp. Và từ sự phù hợp đó có thể đam mê thực sự mới xuất hiện”.
Chọn ngành mới hay truyền thống để không bị thất nghiệp?
Đối với những thí sinh có học lực trung bình, khi băn khoăn nên chọn ngành gì, Th.s Nguyễn Mạnh Hùng, đại diện Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho rằng, ngành nào cũng sẽ có những trường tuyển sinh với mức điểm cao, thấp khác nhau, tùy theo yêu cầu đào tạo. Vì thế, cơ hội mở với tất cả các học sinh.
Câu hỏi “Nên chọn ngành nào để không thất nghiệp khi ra trường?” của em Lê Hoàng Nam, Trường THPT Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) cũng là sự băn khoăn chung của nhiều học sinh. Không ít thí sinh có mong muốn đăng ký dự tuyển vào ngành sư phạm, nhưng lại sợ sau này thất nghiệp. Trước những băn khoăn này, T.S Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT cho biết: “Để hạn chế tối đa tình trạng sinh viên sư phạm thất nghiệp, từ năm 2018, Bộ đã đề nghị các địa phương thống kê nhu cầu sử dụng giáo viên ở từng môn, từng cấp học, làm căn cứ để Bộ giao chỉ tiêu tuyển sinh”.
Nhiều câu hỏi cũng được đặt ra: nên chọn những ngành mới mở để đón đầu xu hướng hay cứ chọn những ngành kinh tế truyền thống cho an toàn?. GS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại tư vấn: “So sánh giữa ngành mới và ngành truyền thống cũng khó có thể đưa ra lời khuyên chắc chắn ngành nào sẽ chiếm ưu thế, sẽ thuận lợi và phù hợp với thí sinh. Điều này phụ thuộc vào bối cảnh cụ thể”. Trong khi đó, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, thí sinh nên tin tưởng chọn ngành mới, vì chính các trường cũng đã có sự nghiên cứu nhu cầu thị trường trước khi mở ngành mới./.
“Trước hết, thí sinh cần xác định rõ mình thích làm nghề gì? Mỗi nghề đòi hỏi những yêu cầu nhất định, từ đó xem mình có đáp ứng được các yêu cầu đó không để cân nhắc, lựa chọn. Trong đề án tuyển sinh của các trường đều công bố điểm chuẩn trúng tuyển vào từng ngành và tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong hai năm gần nhất. Đây là căn cứ để các em lựa chọn, quyết định đăng ký ngành học vừa sức, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động”-
Th.s Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên viên chính Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT)
GS Ngô Bảo Châu, Bác sĩ Lân Hiếu chia sẻ lý do chọn nghề