Các địa phương sẵn sàng khai giảng năm học mới
VOV.VN -Các địa phương chuẩn bị điều kiện vật chất đảm bảo sẵn sàng tốt nhất cho năm học mới
Năm học mới này, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 13 trường học mới được đưa vào sử dụng, trong đó có 11 trường mầm non. Đây là những trường được đầu tư từ ngân sách của tỉnh. Ngoài ra, các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh cũng đã đầu tư sửa chữa trường, lớp với tổng kinh phí gần 160 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói: “Đến nay các trường học, đặc biệt là mầm non - nhất là ở thành phố Vũng Tàu- đã xây mới 5 trường mầm non cho nên sức nóng về trường lớp của Thành phố Vũng tàu cơ bản đã hạ nhiệt và đáp ứng khá tốt nhu cầu học tập của người dân. Riêng Tiểu học các địa phương, các huyện, thành phố thì cơ bản là tốt”.
Đến nay, các trường học trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đảm bảo đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục.
Chuẩn bị cho năm học 2015-2016, Phòng GD-ĐT huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế đầu tư gần 5 tỷ đồng xây dựng thêm 14 phòng học mới ở xã Nhâm; xây dựng hàng rào cho khuôn viên Trường mầm non A Ngo; cải tạo sân chơi bãi tập cho trường triểu học trên địa bàn huyện... Bên cạnh đó, Phòng Giáo dục huyện A Lưới còn đầu tư hơn 200 triệu đồng để tăng cường tủ sách giáo khoa dùng chung cho bậc tiểu học và trung học cơ sở toàn huyện, đảm bảo tất cả học sinh đến trường có đủ sách giáo khoa.
Ông Nguyễn Duy Nguyên, Trưởng phòng GD-ĐT huyện A Lưới cho biết, năm học này, huyện A Lưới có trên 12.000 học sinh các cấp đến trường: Để chuẩn bị cho năm học mới, phòng đã tiến hành khảo sát chống xuống cấp, tu sửa cơ sở vật chất cho các phòng học. Ngoài ra, còn sữa chữa nhỏ như hàng rào, sân trường, mái che, sơn quét phòng học. Về cơ sở vật chất, ở huyện A Lưới, 100% trường học đảm bảo từ cấp 4 trở lên và tại cơ sở chính của các trường tiểu học, trung học cơ sở thì đã được tầng hóa.
Năm học này, cùng với việc chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên-Huế còn quan tâm hoàn thiện cơ sở vật chất, trường lớp. Trung bình mỗi năm, ngành Giáo dục và Đào tạo được đầu tư khoảng 150 tỷ đồng để tu sửa và xây mới phòng học, các công trình phụ trợ, phòng học chức năng.
Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, đến thời điểm này công tác chuẩn bị cho năm học mới đã cơ bản hoàn tất: "Các huyện, thị xã và thành phố đang khẩn trương chỉnh sửa lại các công trình. Đối với các phòng học mới khẩn trương để gấp rút để về kịp với ngày khai giảng (5/9). Một số trường THPT và đơn vị trực thuộc được sở quản lý trực tiếp cũng đã có sửa sang lại hàng rào, sân vườn, rồi chuẩn bị các điều kiện để đón năm học mới. Đến hôm nay công tác chuẩn bị của chúng tôi cũng đã rất là chu đáo".
Tuần Giáo là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất trong trận mưa lũ đầu tháng 8 vừa qua của tỉnh Điện Biên. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác khắc phục hậu quả để lại, song huyện Tuần Giáo đã tập trung sửa chữa cơ sở vật chất, củng cố trường lớp, đảm bảo những điều kiện tốt nhất, sẵn sàng cho ngày khai giảng năm học mới.
Học sinh ở Tuần Giáo, Điện Biên |
Sau trận mưa lũ đầu tháng 8 vừa qua, 1 cảnh tượng chưa bao giờ diễn ra ở xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo… nước ngập tới nóc nhà, cả bản trở thành hồ chứa nước kéo dài đến hơn 1 tháng, người dân bị cô lập, sống trong những lều lán tạm bợ trên các sườn đồi. Khó khăn chồng chất là thế, song cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như người dân nơi đây quyết tâm không để con em mình phải nghỉ học, bỏ học khi bước vào năm học mới.
Nếu như trước, học sinh có thể đi bộ hoặc được bố mẹ đưa đón đến trường bằng xe máy, xe đạp thì nay phương tiện đến trường của các em lại là bè tự chế. Khó khăn, nguy hiểm nhưng vì tương lai, các em vẫn cố gắng đến trường học tập. Cô giáo Lê Thị Hồng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên cho biết: “Chúng tôi đã huy động mạnh mẽ sỹ số học sinh và đến nay đã có 6 nghìn học sinh mầm non đã ra trường ra lớp, khoảng 9 nghìn học sinh tiểu học và gần 6 nghìn học sinh trung học cơ sở đã ra trường ra lớp và cơ bản đã đảm bảo được kế hoạch giao”.
Một trong những trường học vùng lũ bị thiệt hại nặng nhất là trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Mường Mùn, xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo. Tuy đã được xây tường bao kiên cố chống sạt lở đất, song do nằm sát bờ suối, trận lũ lớn vừa qua đã cuốn trôi 100m tường bao, 1 nhà vệ sinh và khu vực học tập bộ môn thể dục, thể chất của học sinh.
Thầy giáo Phan Văn Đạt, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học sơ sở Mường Mùn, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên nói: “Đợt mưa lũ ngày 31/7 vừa qua, do mưa lớn kéo dài trong đêm đã ảnh hưởng đến khuôn viên của nhà trường. Trong thời gian sau lũ nhà trường đã tổ chức khắc phục những hậu quả mưa lũ để lại. Chúng tôi tạm thời khắc phục bằng cách cho các em lấy cọc rào bao lại khuôn viên của nhà trường”.
Sửa chữa trường lớp chuẩn bị năm học mới ở Tuần Giáo, Điện Biên. |
Để đảm bảo những điều kiện tốt nhất về trường lớp học cho năm học mới, giải pháp được huyện Tuần Giáo thực hiện khá hiệu quả là việc xã hội hóa, huy động sự chung tay giúp đỡ của các đoàn thể và dân bản ở từng địa phương tham gia hót dọn bùn đất vùi lấp sân trường, sửa chữa trường lớp, bàn ghế giáo viên, học sinh.
Cô giáo Lê Thị Hồng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên cho biết: “Hầu hết các lớp học ở điểm bản đều xuống cấp, có những trường bị ảnh hưởng rất nặng. Chúng tôi đã chỉ đạo quyết liệt với phương châm là xã hội hóa giáo dục. Tất cả các phụ huynh học sinh cũng ủng hộ rất nhiều cho phong trào này. Đặc biệt là chính quyền huyện, chính quyền các xã cũng vào cuộc chúng tay với ngành giáo dục và đến nay cơ sở vật chất trường lớp học ở 70 đơn vị trường đã ổn và đã sẵn sàng bước vào năm học mới”.
Không chỉ đảm bảo tốt những điều kiện về cơ sở vật chất, việc huy động học sinh ra lớp, đảm bảo đủ sách giáo khoa và vở viết cho học sinh, nhất là vùng lũ cũng đã cơ bản hoàn tất. Hiện nay, 70 đơn vị trường với gần 21 nghìn học sinh trên địa bàn Tuần Giáo đã sẵn sàng cho ngày khai giảng năm học mới 2015-2016.
Học sinh xã vùng sâu Ngọc Linh, huyện Đắc Glei háo hức đón ngày khai giảng |
Để ngày 5/9 thực sự là ngày hội toàn dân đưa trẻ tới trường, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum đã vượt qua nhiều khó khăn để chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới.
Chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới, Sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum đầu tư trên 27 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị dạy học. Trong đó ưu tiên mua sắm bàn ghế học sinh, thiết bị cho trường mầm non, môn học ngoại ngữ và phục vụ học sinh bán trú. Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh cũng đầu tư xây mới hàng trăm phòng họp, phòng học, phòng ở và công trình vệ sinh.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Kon Tum cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, kinh phí dành cho việc duy tu, bảo dưỡng, sửa sang trường lớp rất hạn chế. Trước tình hình trên, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố trong tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương huy động người dân cùng tham gia giúp nhà trường chuẩn bị cho năm học mới.
Ông Nguyễn Hoàng Thích, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đắc Hà cho biết: “Ngân sách Nhà nước chưa đáp ứng được mọi vấn đề về học tập của Nhà trường và của Ngành nên phải làm công tác xã hội hóa. Được sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp, các ngành, các xã đã làm tốt công tác xã hội hóa, như công trình vệ sinh, hàng rào rồi các trang thiết bị mà họ có thể mua sắm được thì họ mua sắm tạo điều kiện cho con em học tập”.
Cùng với khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất trường lớp, ngành Giáo dục đào tạo tỉnh Kon Tum cũng đang tích cực vận động các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, phụ huynh học sinh ủng hộ giúp đỡ cho trên 22.000 học sinh là con em hộ nghèo, dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa hiện còn thiếu sách giáo khoa và đồ dùng học tập./.