Các trường nỗ lực làm công tác tâm lý cho phụ huynh, học sinh trước ngày trở lại trường
VOV.VN - Bên cạnh tăng cường các biện pháp phòng dịch, các trường tiểu học tại Hà Nội còn đặc biệt quan tâm đến việc ổn định tâm lý cho học sinh khi trở lại học trực tiếp, vận động, giải thích để phụ huynh yên tâm đưa con đến lớp.
Theo kế hoạch của UBND TP Hà Nội, ngày 10/2, học sinh từ lớp 1-6 tại 18 huyện, thị xã ngoại thành Hà Nội là "vùng xanh", "vùng vàng" sẽ đến trường học trực tiếp. Ngoài các biện pháp phòng dịch, các nhà trường cũng đặc biệt quan tâm tới việc tư vấn tâm lý cho học sinh khi trở lại trường, tránh “sốc” khi thay đổi phương thức học tập sau một thời gian dài học trực tuyến.
Tại trường tiểu học Tốt Động (Chương Mỹ, Hà Nội), thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị để đón học sinh trở lại trường từ vệ sinh khử khuẩn, chuẩn bị phòng cách ly, các trang thiết bị cần thiết đều đã sẵn sàng.
Cô Lê Thị Tuyết, Hiệu trưởng trường tiểu học Tốt Động cho biết, đa số phụ huynh ủng hộ việc dạy học trực tiếp, song vẫn có khoảng 30% phụ huynh chưa đồng tình, lo lắng khi cho trẻ đến trường trong thời điểm này.
“Trong các buổi họp phụ huynh, chúng tôi đều giải thích để cha mẹ học sinh hiểu, đồng thuận cho con đến trường. Theo chủ trương của nhà trường, chỉ những học sinh diện F0, F1, F2 và học sinh trong “vùng cam", “vùng đỏ” sẽ ở nhà học trực tuyến, số còn lại đến trường học trực tiếp. Tuy nhiên, với những phụ huynh chưa yên tâm quyết định không cho con đến trường trong thời gian này, nhà trường vẫn sẽ bố trí phương án dạy trực tuyến để đảm bảo kiến thức cho các em”, cô Tuyết cho biết.
Hiện nay việc lắp đặt camera tại các lớp học để dạy kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến cho những học sinh không thể đến lớp đang được nhiều trường áp dụng, song theo cô Lê Thị Tuyết cách học này sẽ khó áp dụng với những học sinh quá nhỏ như lớp 1, 2. “Học sinh nhỏ tuổi khi học trực tuyến cũng cần có cha mẹ học cùng, nếu kết hợp giữa dạy trên lớp và dạy trực tuyến, thời gian học trùng với thời gian đi làm của phụ huynh, không có người hướng dẫn thì các con không thể tự học. Bên cạnh đó, khi dạy trực tiếp trên lớp, giáo viên cũng rất khó để sát sao với những học sinh đang theo dõi trực tuyến.
Do đó, chúng tôi dự kiến sẽ dạy kết hợp trực tiếp và trực tuyến như trên với học sinh từ lớp 3 trở lên. Riêng với học sinh khối 1, 2 nhà trường sẽ gom các cháu vào từng lớp để cô giáo dạy trực tuyến. Cách làm này sẽ khiến giáo viên nhiều việc, vất vả hơn nhưng nhà trường vẫn buộc phải cố gắng đảm bảo đủ kiến thức cho học sinh”, cô Lê Thị Tuyết cho biết.
Hiệu trưởng trường tiểu học Tốt Động cũng cho biết, trong 1 tuần đầu tiên, các lớp sẽ không vội ôn luyện kiến thức ngay mà dành thời gian để giúp học sinh làm quen, ổn định tâm lý, nề nếp khi chuyển từ học trực tuyến sang trực tiếp.
Còn tại trường tiểu học Đồng Phú (Chương Mỹ, Hà Nội), mọi công tác chuẩn bị đón học sinh trở lại đã bắt đầu từ ngay sau kỳ nghỉ Tết. Ngày 8/2, trường đã hoàn thành việc diễn tập xử lý các tình huống khi phát hiện F0 trong trường học, chiều cùng ngày, UBND xã Đồng Phú cũng đã chỉ đạo Y tế xã và Đoàn thanh niên phun khử khuẩn khuôn viên lớp học, đảm bảo an toàn cho học sinh.
Sáng 9/2, nhà trường cho cán bộ, giáo viên kết hợp với phụ huynh lau chùi, vệ sinh lần cuối cùng để đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Theo cô Dương Thị Tâm, Hiệu trưởng trường tiểu học Đồng Phú, nhà trường cũng đã tổ chức họp phụ huynh học sinh để giáo viên chủ nhiệm tuyên truyền tư tưởng giúp phụ huynh yên tâm đưa con em tới trường, phổ biến để phụ huynh ký cam kết về những việc cần làm khi con đi học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.
Cô Tâm cho biết, nhà trường đã yêu cầu giáo viên đặc biệt quan tâm, hỗ trợ tâm lý cho học sinh khi trở lại trường học trực tiếp, tránh "sốc” cho các em khi thay đổi phương thức học tập.
Trao đổi về công tác chuẩn bị đón học sinh trở lại trường, ông Nguyễn Đức Hòa, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chương Mỹ cho hay, đến nay các trường đã xây dựng phương án đón học sinh trở lại, triển khai đến phụ huynh để họ nắm được những chủ trương của ngành giáo dục và thành phố.
“Việc đi học trực tiếp vẫn có một số ý kiến trái chiều, song đa số phụ huynh đồng thuận. Học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1 chưa từng được đến trường, chưa gặp thầy cô… Chúng tôi đã khuyến cáo các trường cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề tâm lý của trẻ khi trở lại trường, động viên, chia sẻ đồng thời hướng dẫn cho học sinh quen dần với những thói quen sinh hoạt, giờ giấc khi trở lại học trực tiếp.
Bên cạnh đó, một số trường cũng hỏi Phòng GD-ĐT cần xử lý thế nào nếu phụ huynh chưa yên tâm đưa con đến trường. Quan điểm của chúng tôi là các trường không thể ép học sinh đến trường mà cần vận động, khuyến cáo, giải thích để phụ huynh hiểu nhà trường đã chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện cần thiết đảm bảo an toàn về dịch bệnh.
Đến nay cơ bản các trường đã chuẩn bị xong các phương án, sẵn sàng tổ chức dạy học và triển khai đến phụ huynh để nắm được chủ trương của thành phố", ông Hòa nói.
Tại công điện về một số việc cần lưu ý khi học sinh trở lại trường học trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) gửi tới Giám đốc các Sở GD-ĐT ngày 8/2 cũng nêu rõ, các Sở GD-ĐT cần chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn trong những ngày đầu học sinh quay lại học trực tiếp tại cơ sở giáo dục, cần dành lượng thời gian phù hợp để học sinh làm quen trở lại với việc học trực tiếp. Với các em học sinh lớp 1 chưa từng tới trường, nhà trường cần: phổ biến các quy định về học tập và sinh hoạt tại trường; tổ chức các hoạt động để tạo hứng thú và trạng thái thoải mái cho học sinh tới trường; hướng dẫn học sinh kiến thức phòng dịch, những việc cần làm và nguyên tắc cần tuân thủ trong phòng dịch để bảo vệ bản thân và cộng đồng; tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh; tăng cường sự tương tác, gắn kết giữa các học sinh trong lớp học; tuyệt đối không được để xảy ra việc kỳ thị đối với các trường hợp không may bị F0./.