Các trường top 1 có “dám” nhận học sinh bình thường?
Nhận học sinh có khởi điểm “bình thường” và biến thành những “học
sinh giỏi” thì mới xứng đáng với danh hiệu trường giỏi và nổi tiếng đáng
tự hào.
sinh giỏi” thì mới xứng đáng với danh hiệu trường giỏi và nổi tiếng đáng
tự hào.
Quan sát câu chuyện loanh quanh tìm cách tuyển sinh của một số trường nổi tiếng sau khi Bộ GD-ĐT "cấm" tuyệt đối thi tuyển vào lớp 6, ông Nguyễn Quốc Toàn, một doanh nhân Việt Nam có nhiều trải nghiệm giáo dục ở Mỹ, Ấn Độ đã "thách đố" những trường này nhận học sinh có khởi điểm bình thường, và đề xuất cách quay xổ số tuyển sinh.
Thầy giỏi hay trò giỏi?
Ông Toàn nhìn nhận, những trường THCS nổi tiếng, đặc biệt là trường công, như HN-Amsterdam (Hà Nội), Giảng Võ (Hà Nội), Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), và cả các trường tư như Lương Thế Vinh, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Siêu (ở Hà Nội) dám nhận học sinh có khởi điểm “bình thường” và biến thành những “học sinh giỏi” thì mới xứng đáng với danh hiệu trường giỏi và nổi tiếng đáng tự hào.
Trong bài viết nêu quan điểm của mình trên báo VnExpress, ông Toàn giả định: Có lẽ những trường trung học cơ sở (THCS) danh tiếng đó đang có một nỗi lo lớn mà không ai dám nói ra, đó là chất lượng và qua đó uy tín của trường sẽ đi xuống nếu không tuyển được học sinh giỏi. Vậy thì trường giỏi là do giáo viên giỏi hay là học sinh giỏi sẵn đây? Tại sao lại phải sợ dạy học sinh chưa giỏi? Các thầy cô giỏi có dám dạy học sinh “xuất phát điểm bình thường” không, hay cứ phải có học sinh giỏi thì cô thầy mới dạy hay?
Cái gốc của lập luận mà ông Toàn nêu ra ở đây là giáo dục cần phải thực hiện chức năng đảm bảo công bằng cho trẻ em, chứ không phải dồn vào một bộ phận có điều kiện về kinh tế, thế lực.
Có nên tồn tại mô hình chuyên THCS?
Báo Thanh Niên số ra hôm nay, 14/4 cũng có hai bài viết đặt vấn đề về sự tồn tại mô hình chuyên THCS.
Theo Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 8 từ năm 1996 thì mô hình trường chuyên bậc THCS không còn tồn tại. Nhưng trong thực tế, ở Hà Nội và TP.HCM vẫn có 2 mô hình đặc biệt thu hút học sinh THCS từng thành phố, ở Trường THPT Trần Đại Nghĩa và THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam,thi tuyển đầu vào gắt gao, tỉ lệ chọi lớn và đề thi đặc biệt hóc búa, kéo theo sự khổ luyện của học sinh trong nhiều cấp tiểu học.
Sau khi phân tích những áp lực và sự "lợi bất cập hại", nhà báo Tuệ Nguyễn khẳng định mô hình chuyên THCS là cuộc đua không rõ đích đến: "Dù Sở GD-ĐT Hà Nội lý giải việc tồn tại hệ THCS trong Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam là để tạo nguồn cho tuyển sinh vào lớp 10 chuyên, nhưng nhiều năm qua, con số chính thức tỷ lệ HS ở hệ này trúng tuyển tiếp lên cấp THPT khoảng 50 - 60%'.
Bài báo kết thúc với ý kiến của một người làm giáo dục ở Pháp nhìn nhận "mô hình đào tạo thiên lệch đã gây nhiều hậu quả làm sai lệch bản chất tốt đẹp của giáo dục".
Nhiều phương án thay thế
Góc nhìn của ông Nguyễn Quốc Toàn nhận được nhiều phản ứng khác nhau. Nhiều người đặc biệt tâm đắc và cho rằng đó là góc nhìn nhân văn với nhiều trải nghiệm giáo dục tiến bộ. "Nên tư duy về làm giáo dục phổ thông theo hướng đó" - một giáo viên 36 năm dạy THCS nhìn nhận.
Tuy nhiên, nhiều người nhìn nhận trong thời điểm này, ý tưởng 'quay sổ xố" cũng chưa khả thi, vì có trúng tuyển ngẫu nhiên thì cũng sẽ có phân hóa trong nội bộ trường khi giỏi vào lớp tốt và ngược lại.
Luồng ý kiến khác nhìn nhận, tuyển sinh bằng thi tuyển trong điều kiện "cung nhiều hơn cầu" vẫn là giải pháp công bằng hơn cả.
Hôm nay, 14/4 là hạn cuối để các trường muốn tổ chức xét tuyển khác với quy định chung gửi phương án về Sở GD-ĐT Hà Nội.
Trường THPT Hà Nội - Amsterdam xác định tuyển sinh bằng bài test, trên cơ sở chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục tiểu học hiện hành nhằm phát hiện năng lực ngôn ngữ, không gian hình ảnh, logic, sáng tạo, cơ thể và tri giác vận động, nội tâm (gồm hành vi, thái độ, giao tiếp). Đây là một bài viết có thời gian hoàn thành trong 45 phút.
Trường THCS Nguyễn Siêu sẽ tổ chức “Ngày trải nghiệm”. Trong đó, cho các em hoạt động nhóm, chơi trò chơi phát triển trí tuệ; hành vi, thái độ, năng lực của trẻ sẽ bộc lộ trong quá trình hoạt động nhóm, trò chơi trí tuệ. Trường sẽ sử dụng phương án dùng bài đo chỉ số thông minh, năng lực và vượt khó (EQ, IQ), mời Viện Khoa học Giáo dục kết hợp thực hiện các bài đo này. Ngoài ra, nhà trường cũng kết hợp việc phỏng vấn trực tiếp với học sinh ở môn tiếng Anh.
Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh đề xuất tuyển sinh riêng bằng khảo sát nhận thức thực tế của trẻ về nhiều lĩnh vực trong cuộc sống như: gia đình, xã hội, suy luận; cho các em làm bài kiểm tra trắc nghiệm trên giấy trong vòng 100 phút với 25-30 câu hỏi về tất cả lĩnh vực như kiểu thi "Ai là triệu phú".
Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành thuộc ĐH Sư phạm Hà Nội có hướng tuyển sinh là sử dụng đánh giá học sinh thông qua EQ.
Trường THCS Cầu Giấy dự kiến trước hết sẽ tuyển thẳng những HS đạt giải ba trở lên cấp thành phố; cấp quận các môn thi do ngành GD-ĐT tổ chức; phần lớn chỉ tiêu còn lại sẽ xét tuyển theo học bạ.
Trường Marie Curie thực hiện 60 phút trắc nghiệm chỉ số trí tuệ (IQ) và chỉ số cảm xúc (EQ). Cấu trúc cụ thể: IQ: 60 câu/45 phút; EQ: 30 câu/15 phút. Ngoài ra, trường xem thêm kết quả học tập 3 năm cuối tiểu học để xét tuyển HS vào lớp 6./.