Cách mạng công nghiệp 4.0: Trường ĐH phải thay đổi nhanh để thích ứng
VOV.VN -Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khiến trường ĐH cần định hướng lại những ngành đào tạo, bám sát yêu cầu của thị trường...
Cách mạng 4.0 đã làm thay đổi bức tranh của thị trường lao động. Để không tụt hậu thì mỗi trường phải xác định sứ mệnh của mình, lựa chọn đào tạo các ngành, lĩnh vực nào để đáp ứng nhu cầu của xã hội đang ngày càng biến động.
Cơ cấu lại ngành nghề
PGS. Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội cho rằng, cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đã làm thay đổi bức tranh của thị trường lao động: lao động giản đơn đã có robot đảm nhiệm, thị trường chủ yếu chỉ cần những việc đòi hỏi lao động sáng tạo ở trình độ cao. Cuộc cách mạng đã làm thay đổi mạnh mẽ nhu cầu về nguồn nhân lực, cơ cấu ngành nghề và các trình độ...
Nhu cầu nhân lực ngành công nghệ thông tin sẽ tăng cao |
PGS. Hoàng Minh Sơn nhận định, CMCN 4.0 đang làm giãn rộng khoảng cách giữa việc đào tạo của các trường ĐH và cái mà xã hội thực sự cần. Trước thách thức đó, các trường ĐH cần định hướng lại những ngành đào tạo, những lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu để đón trước, bám sát yêu cầu của thị trường không chỉ trong nước mà cả thị trường trong khu vực và trên thế giới.
ĐH Bách Khoa Hà Nội đã xác định những lĩnh vực đào tạo cần ưu tiên hướng tới CMCN 4.0 như: CNTT, điều khiển tự động hóa, điện tử - viễn thông, khoa học và kỹ thuật vật liệu, năng lượng sinh học... Đây là những ngành thế mạnh của trường.
Nhất trí với nhận định trên, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho rằng, với đặc thù của cuộc CMCN 4.0, cơ cấu ngành nghề sẽ thay đổi rất nhanh. Hầu hết các thiết bị trong thời đại CMCN 4.0 đều là thiết bị đa ngành. Đơn cử như chiếc điện thoại thông minh đã kết hợp rất nhiều chức năng chứ không chỉ là công cụ để nghe, nói. Để làm ra sản phẩm này cần phải có sự phối hợp rất nhiều ngành nghề.
TSKH. Phan Quang Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho biết, với cuộc CMCN 4.0, giáo dục đại học của Việt Nam bị đặt trước nhiều thách thức rất lớn. Các trường đại học không thể dự đoán được những kỹ năng mà thị trường lao động sẽ cần trong tương lai gần do tốc độ thay đổi công nghệ từ cuộc cách mạng này diễn ra quá nhanh. Hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của các trường đại học đối mặt với các yêu cầu cải cách và cạnh tranh mới. Cùng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ trong cuộc CMCN 4.0 đòi hỏi giáo dục phải đem lại cho người học những kỹ năng và kiến thức cơ bản lẫn tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với các thách thức và yêu cầu công việc thay đổi liên tục để tránh nguy cơ bị đào thải. Tất cả tạo ra một bức tranh giáo dục đào tạo sinh động mà các phương thức giáo dục truyền thống chắc chắn sẽ không thể đáp ứng.
Thay đổi lớn về tư duy dạy - học
Theo PGS. Hoàng Minh Sơn, để không bị tụt hậu thì các trường phải định hướng rõ để đào tạo, mỗi trường phải xác định sứ mệnh của mình, đào tạo các ngành lĩnh vực ra sao. Chúng ta phải xác định vai trò của trường ĐH sẽ thay đổi ra sao để phù hợp với xu thế? Nếu các trường trong nước không thay đổi kịp thì sinh viên sẽ đi học ở các nước khác, đó là thách thức đối với các trường...
Vai trò của trường ĐH là tạo môi trường để sinh viên có thể học qua trải nghiệm, qua nghiên cứu, sáng tạo và người thầy không chỉ truyền đạt kiến thức mà quan trọng hơn là hướng dẫn, hỗ trợ sinh viên phát triển năng lực bản thân, hỗ trợ nghiên cứu sáng tạo, định hướng dẫn dắt người học... Các trường ĐH phải khai thác được thế mạnh, ưu điểm của những công cụ lĩnh vực số, chuyển hóa số để làm sao quá trình dạy và học hiệu quả hơn và hiệu quả đó dẫn đến chất lượng giáo dục nâng cao.
Thầy Đỗ Văn Dũng cho biết thêm, do đặc thù của thời đại, giảng viên lên lớp không còn chiếu bài giảng vì gần như tất cả kiến thức sinh viên có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng. Với CMCN 4.0, sinh viên phải tự học là chính. Vai trò của người thầy cũng thay đổi từ trạng thái dạy học sang hướng dẫn. Giảng viên hướng dẫn sinh viên học qua các dự án, giải quyết các bài toán từ thực tế. Việc này đòi hỏi giảng viên phải tăng cường ra thực tế để có dự án hướng dẫn sinh viên. Nhiều chuyên gia cho rằng, các hình thức đào tạo online, đào tạo ảo, mô phỏng, số hóa bài giảng... sẽ là xu hướng đào tạo nghề nghiệp trong tương lai. Điều này tạo áp lực lớn cho các trường về chuẩn bị nguồn lực, đặc biệt là đội ngũ cán bộ giảng dạy, xây dựng không gian học tập.
Dạy những gì doanh nghiệp và thị trường cần
Các chuyên gia cho rằng, cách tốt nhất là các trường đại học nên liên danh với doanh nghiệp lớn để hình thành mô hình đại học mới - đại học doanh nghiệp. Thay đổi từ chỗ “dạy những gì giới học thuật sẵn có” sang cách “dạy những gì thị trường cần, doanh nghiệp cần”, hoặc thậm chí xa hơn là “dạy những gì thị trường và doanh nghiệp sẽ cần”.
Về cách đổi mới phương pháp giảng dạy của trường Bách Khoa, thầy Ngô Hồng Sơn, Giảng viên ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đang thay đổi chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận nhiều hơn với doanh nghiệp. Chương trình đào tạo của trường cho cử nhân trong 4 năm và kỹ sư là 5 năm”. Hiện nay, trường ĐH Bách Khoa Hà Nội đang có các dự án hợp tác với Tập đoàn VNPT để có thể mang các nghiên cứu, các dự án vào thực tiễn, hoặc đào tạo theo chương trình doanh nghiệp cần và thực hiện các dự án nghiên cứu đặt hàng từ doanh nghiệp. Mới đây tháng 11/2017, ĐH Bách Khoa Hà Nội và Công ty Siemens đã ký kết Biên bản thỏa thuận ghi nhớ nhằm thúc đẩy hợp tác trong phát triển khoa học và công nghệ hướng tới CMCN 4.0. Với sự hỗ trợ của Siemens, trường sẽ xây dựng giáo trình đào tạo định hướng CMCN 4.0 và công ty sẽ cho trường các thiết bị và phần mềm cần thiết để đào tạo. Đặc biệt, Siemens sẽ tập huấn cho giảng viên nguồn để giúp trường duy trì chất lượng giáo dục và đào tạo quốc tế trong kỷ nguyên số. “Để thích ứng với CMCN 4.0, trường đã xây dựng các chương trình đào tạo Tài năng, Tiên tiến và Chất lượng cao (Elitech) để đào tạo ra các chuyên gia giỏi, những nhà quản lý xuất sắc trong các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ cốt lõi của thời đại Công nghiệp 4.0” - PGS. Hoàng Minh Sơn cho biết.
Trong cuộc CMCN 4.0, để các trường đại học không bị tụt hậu với quốc gia trong khu vực và quốc tế, PGS. Hoàng Minh Sơn đề xuất: Nhà nước phải đầu tư mạnh vào một số trường đại học trọng điểm. Cụ thể, lựa chọn một số lĩnh vực là nền tảng cốt lõi của 4.0... Nhà nước cần có chiến lược đầu tư dài hơi cho các trường đào tạo nhân lực trình độ cao nhằm đáp ứng cuộc CMCN 4.0. Mới đây, Bộ GD-ĐT cũng đã thành lập Ban soạn thảo, nghiên cứu về mô hình đại học 4.0 và nhanh chóng triển khai để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH./.
“Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh“
Cách mạng công nghiệp 4.0 ảnh hưởng đến tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam?