Cấm cắt xén chương trình
Cùng với đó, các trường cần tiếp tục quán triệt tài liệu Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kỹ năng chương trình THPT; đảm bảo việc giảng dạy, học tập bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT.
“Ôn tập cho học sinh theo từng chủ đề; đồng thời ôn tập tổng hợp kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12: nội dung tổng hợp của tất cả các chủ đề đã được ôn tập” - là một nội dung quan trọng trong văn bản hướng dẫn các địa phương tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD-ĐT vừa ban hành.
Đề thi chủ yếu là chương trình lớp 12
Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ THPT (Bộ GD-ĐT) cho biết: Để chuẩn bị thật tốt cho học sinh về kiến thức, kỹ năng và tâm lý khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ vừa có công văn yêu cầu các sở GD-ĐT chỉ đạo các trường THPT thực hiện tốt các nội dung sau: Hoàn thành chương trình lớp 12 THPT theo đúng kế hoạch của các sở GD-ĐT, phù hợp với hướng dẫn kế hoạch năm học của Bộ GD-ĐT. Lưu ý không được cắt xén chương trình đã qui định. Các trường cần tiếp tục nghiên cứu quán triệt tài liệu Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kỹ năng chương trình THPT. Đảm bảo việc giảng dạy, học tập bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT.
Bộ GD-ĐT mới công bố các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2010. Theo đó, hệ THPT sẽ thi 6 môn bắt buộc, bao gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Hóa học, Lịch sử, Địa lí. Riêng với môn Ngoại ngữ, thí sinh không theo học hết chương trình THPT hiện hành hoặc có khó khăn về điều kiện dạy - học thì được thi thay thế bằng môn Vật lí. Đối với hệ giáo dục thường xuyên, 6 môn thi bao gồm: Ngữ văn, Toán, Vật lí, Hóa học, Lịch sử, Địa lí. Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức vào các ngày: 2, 3 và 4/6/2010. |
Để tổ chức tốt, ôn tập có hiệu quả, lãnh đạo Bộ cũng lưu ý các trường, cùng với việc ôn tập trong quá trình dạy học, thực hiện chương trình, sách giáo khoa theo hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học của Bộ, nhà trường và giáo viên phải tổ chức tốt việc ôn tập cho học sinh theo từng chủ đề, nội dung trong mỗi chủ đề có thể bao gồm kiến thức, kỹ năng của các bài, các chương khác nhau; đồng thời ôn tập tổng hợp kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12: nội dung tổng hợp của tất cả các chủ đề đã được ôn tập. Các trường cần chỉ đạo giáo viên chuẩn bị tốt nội dung ôn tập; biên soạn hệ thống câu hỏi và bài tập phù hợp, hướng dẫn, gợi ý trả lời.
Tập trung ôn tập cho học sinh yếu
Về phương thức ôn tập, Bộ yêu cầu các trường cần vận dụng các phương pháp ôn tập phù hợp: Thứ nhất, kết hợp hướng dẫn học sinh tự học, tự ôn tập; ôn tập theo nhóm và ôn tập chung cả lớp. Thứ 2, kết hợp giữa tự kiểm tra đánh giá của học sinh; kiểm tra, đánh giá trong nhóm học tập và kiểm tra đánh giá chung toàn lớp, toàn trường; chú trọng thu nhận thông tin phản hồi về kết quả ôn tập của học sinh để có điều chỉnh hợp lý. Đặc biệt, giáo viên chủ nhiệm lớp phối hợp với giáo viên dạy các môn thi tốt nghiệp phân loại học sinh lớp mình theo khả năng nhận thức; tập trung ôn tập nhiều hơn cho những học sinh học lực yếu.
Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM có lời khuyên với các học sinh là, tùy theo học lực của mình mà có kế hoạch học và ôn tập. Ví dụ, học sinh yếu kém chỉ cần học bám sát chương trình chuẩn để nâng lên đến mức trung bình nhằm đỗ tốt nghiệp là đủ. Nhưng với học sinh khá, mục tiêu của các em cao hơn, vì ngoài kỳ thi tốt nghiệp THPT, các em còn chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, vì vậy các em cần chuẩn bị kiến thức ở mức cao hơn.
Ông Vũ Đình Chuẩn nhấn mạnh: Các sở GD-ĐT cần sớm tổ chức tốt hội nghị chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong đó chú trọng rút kinh nghiệm việc tổ chức ôn tập cho học sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2009; triển khai cho các trường THPT tổ chức tốt việc ôn tập cho học sinh lớp 12, phù với điều kiện của từng địa phương, từng trường. Nhiều giáo viên cho rằng, các hình thức kiểm tra, đánh giá năng lực học tập của học sinh hiện nay được xây dựng hướng tới việc đánh giá sự thông hiểu và vận dụng kiến thức, tức là biết lựa chọn, phân tích, tổng hợp, so sánh, đánh giá. Chính vì vậy, ngay cả những môn khoa học xã hội như: Lịch sử, Địa lý… các em cũng không nên chỉ học thuộc lòng./.
Thu Hằng (Báo TNVN)