Cần chỉnh sửa thêm Dự án Luật Giáo dục đại học
Đây là chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trong Hội nghị tham vấn ý kiến các chuyên gia về Dự án Luật này, ngày 9/2.
- Chất lượng đào tạo sẽ quyết định quyền tự chủ tài chính
- Cần công khai kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học
- Sẽ kiểm định chất lượng giáo dục đại học
Hội nghị diễn ra tại Hà Nội, do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì, nội dung quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục là một trong những vấn đề được bàn thảo nhiều nhất. Hội nghị do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức.
Đến nay đã là lần sửa đổi thứ 5, nhưng dự thảo Luật Giáo dục đại học vẫn chưa làm thỏa mãn các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học. Trong khi có ý kiến tán thành với Dự thảo Luật về việc chỉ trao quyền tự chủ hoàn toàn cho các trường đại học quốc gia, đại học trọng điểm, trao tự chủ một phần cho các trường đáp ứng những yêu cầu cụ thể, thì vẫn có nhiều ý kiến cho rằng tự chủ, tự chịu trách nhiệm phải là thuộc tính của mỗi nhà trường khi đã được cấp phép thành lập.
Đến nay đã là lần sửa đổi thứ 5, nhưng dự thảo Luật Giáo dục đại học vẫn chưa làm thỏa mãn các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học |
Tiến sĩ khoa học Cao Văn Phường, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng Trường Đại học Bình Dương đề nghị: “Hãy để cho các trường đại học chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình. Trường nào sản phẩm không được tiêu dùng thì trường đó tự nhiên sẽ bị giải thể. Luật nên đặt ra những điều gì các trường đại học không cần làm, thể hiện rõ trong luật, còn những cái khác để cho họ tự chủ phát triển. Điều này rất quan trọng để tạo nên sự đa dạng trong đại học và thi nhau trong quản lý đại học”.
Các ý kiến đều thống nhất cho rằng trong vấn đề tự chủ, Luật nên làm rõ trách nhiệm công khai, giải trình trước Nhà nước, xã hội về tài chính, học phí, chất lượng đào tạo… của mỗi cơ sở giáo dục đại học.
Về vấn đề lợi nhuận và phi lợi nhuận của các cơ sở dân lập, tư thục, Hiệu trưởng Đại học dân lập Phương Đông Bùi Thiện Dụ phân tích: “Tôi đề nghị là chỉ có phi lợi nhuận thôi. Tại sao như vậy, vì giáo dục là 1 dịch vụ công ích, một hoạt động đặc biệt. Nó phải hoạt động trong cơ chế thị trường vì có cầu thì mới có cung, có cạnh tranh nhưng cạnh tranh lành mạnh, có phát triển, có phá sản, nhưng chúng ta không được thương mại hóa. Thương mại hóa tức là vì lợi nhuận”.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng Luật cần thể hiện quan điểm mới hơn về giáo dục thường xuyên, nên có một chương riêng vì các trường này chiếm 50% số sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Đồng ý với dự Luật về việc cần thiết phải phân tầng đại học, nhưng các đại biểu đề nghị cần có những tiêu chí cụ thể…
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Mục tiêu là phải xây dựng Luật Giáo dục đại học có chất lượng, do đó yêu cầu Ban Soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh sửa để dự thảo Luật thực sự được chuẩn hóa, phù hợp với sự phát triển của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Cho đến giờ này, Dự án Luật Giáo dục đại học đã chất lượng hơn nhưng để thông qua được cần thời gian chỉnh sửa cho tốt hơn. Trong giáo dục đào tạo cần đổi mới căn bản, toàn diện… Lần này phải đổi mới cho được”.
Dự án Luật Giáo dục đại học sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 13, dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới./.