Cần đầu tư thêm cho giáo dục mầm non
Mạng lưới cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên giữa các địa phương có sự phân biệt, chênh lệch rõ nét là những nguyên nhân chủ yếu khiến cho việc phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi từ nay đến năm 2015 khó có thể đạt được.
Giáo dục mầm non (GDMN) là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ của trẻ em. Trẻ được tiếp cận với GDMN càng sớm, càng thúc đẩy quá trình học tập và phát triển ở các giai đoạn tiếp theo. Xuất phát từ vai trò, vị trí của GDMN, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 239/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015” với mục tiêu đảm bảo hầu hết trẻ 5 tuổi ở mọi miền được đến lớp để thực hiện chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày, đủ một năm học nhằm chuẩn bị tốt về thể lực, sẵn sàng về tâm lý, chuẩn bị tiếng Việt, đảm bảo chất lượng để trẻ em vào lớp 1.
Từ nay đến năm 2015, Việt Nam phấn đấu nâng tỷ lệ trẻ dưới 3 tuổi đến trường lên 30%; trẻ 3-5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt 75%. Tuy nhiên, nhiều nhà quản lý giáo dục lo ngại rằng, với hệ thống GDMT tại các tỉnh, thành và đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa thì mục tiêu đề ra khó có thể đạt được khi mà nguồn ngân sách đầu tư cho GDMT, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất vẫn còn hạn chế và thiếu thốn rất nhiều.
Kinh phí và quỹ đất cho GDMN ở các vùng, miền còn thiếu
Theo số liệu báo cáo của Vụ GDMN (Bộ GD-ĐT), hiện nay, ngân sách Nhà nước chi cho GDMN còn thấp. Trên toàn quốc, năm 2008, cơ cấu ngân sách Nhà nước theo cấp học cho mầm non chỉ đạt 8,5%. Tỷ lệ chi cho GDMN Việt Nam là: Nhà nước chi 38,6%; gia đình chi trả là 61,4%. So sánh tỷ lệ chi của Nhà nước và người dân cho GDMN ở một số nước cho thấy, với tỷ lệ này, ngân sách chi cho GDMN ở Việt Nam thấp hơn so với mức bình quân các nước phát triển (Nhà nước chi trả 80%; gia đình trả 20%) và nhóm các nước mới phát triển (Nhà nước trả 65,8%; gia đình chi trả 34,2%).
Tại hội thảo “Thúc đẩy phát triển chăm só và giáo dục Mầm non ở Việt Nam: Vấn đề và giải pháp” vừa diễn ra ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã nêu lên thực trạng còn đang tồn tại của hệ thống GDMN ở các địa phương. Đó là hiện nay, mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất ở các trường mầm non giữa các tỉnh, thành còn có sự chênh lệnh. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng…, người dân có nhu cầu gửi trẻ rất lớn nhưng lại thiếu quỹ đất xây dựng trường lớp. Việc xây dựng quy hoạch các khu dân cư, đô thị chưa gắn với quy hoạch đất đai để xây dựng trường, lớp mầm non đã dẫn đến tình trạng trẻ em ở lứa tuổi mầm non ở đây không được đến trường. Còn tại những vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, quỹ đất để xây dựng trường lớp có nhưng lại chưa được đầu tư thỏa đáng để xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị học tập cho trẻ. Nhiều trường mầm non ở những nơi này phải gắn với trường Tiểu học, trung tâm văn hoá xã, mượn nhờ nhà dân, cơ sở cộng đồng khác…
Các địa phương cần dành nhiều quỹ đất hơn cho phát triển hệ thống GDMN |
Cao Bằng là một tỉnh miền núi biên giới phía Bắc của Tổ quốc, với trên 20 dân tộc sinh sống. Hệ thống mạng lưới trường lớp còn rời rạc, chưa rộng khắp các vùng miền. Hiện nay, Cao Bằng còn 125 xã chưa có trường mầm non. Còn đối với Kiên Giang - một tỉnh tận cùng phía Tây Nam của Tổ quốc với địa hình có nhiều kênh rạch chằng chịt, người dân có thói quen sống phân tán, đời sống còn rất nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, mạng lưới trường lớp dành cho GDMN còn hạn chế. Hiện nay có tới hơn 80% xã chưa có trường mầm non vấn đề hết sức khó khăn.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Bé (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang): Nguyên nhân khiến hệ thống trường mầm non ở Kiên Giang còn ít là do ngân sách địa phương đầu tư cho cấp học này chưa được chú trọng nhiều. Trường lớp thiếu nên nhiều người dân phải gửi con ở những nhóm lớp tư thục với điều kiện cơ sở vật chất tạm bợ (Nhà ăn và nhà vệ sinh không tách biệt nhau, không có khu bếp nấu ăn…). Điều này dẫn đến chất lượng chăm sóc trẻ chưa được đảm bảo.
Giáo viên thiếu và chưa đảm bảo chất lượng…
Một nguyên nhân khác ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển GDMN từ nay đến năm 2015 là cgiáo viên phục vụ cho cấp học này còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới của GDMN hiện nay.
Năm học 2008-2009, cả nước có trên 183.000 giáo viên, trong đó có 15.461 giáo viên chưa đạt chuẩn (chiếm gần 10%). Phần lớn giáo viên mầm non được đào tạo chắp vá, qua nhiều loại hình đào tạo, năng lực còn hạn chế. Giáo viên dạy ở các vùng dân tộc miền núi có 11.000 người nhưng chưa biết tiếng dân tộc.
Bà Hứa Thị Còn (trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT tỉnh Cao Bằng) cho rằng: Do đời sống khó khăn, nhiều giáo viên bỏ nghề, làm cho đội ngũ giáo viên mầm non không ổn định và thường xuyên thiếu. Tính đến cuối năm 2009, cả nước còn thiếu gần 25.000 giáo viên, trong đó chủ yếu là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi hải đảo. Chất lượng chăm sóc, giảng dạy của giáo viên mầm non còn hạn chế. Đội ngũ giáo viên mầm non hiện tại, phần lớn thiếu cập nhật thông tin, chậm đổi mới phương pháp, khả năng đáp ứng yêu cầu của chương trình GDMN mới rất hạn chế.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Bé (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang), một trong những nguyên nhân dẫn đến giáo viên ở bậc mầm non thiếu là do chế độ chính sách đối với giáo viên và cán bộ quản lý GDMN còn nhiều bất hợp lý, chưa tạo ra được động lực để giáo viên rèn luyện về phẩm chất, nâng cao năng lực chăm sóc trẻ. Một bộ phận sinh viên ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đổi mới của GDMN hiện nay.
Để thực hiện mục tiêu đề “Phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015” do Thủ tướng Chính phủ đưa ra, theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, các địa phương không thể trông chờ vào ngân sách Nhà nước đầu tư cho GDMN mà hãy tự mở rộng hình thức Xã hội hoá giáo dục bằng cách khuyến khích người dân mở trường, lớp tư thục; tìm kinh phí, nguồn tài trợ cho phát triển hệ thống GDMN. Tuy nhiên, những trường mầm non tư thục này phải đảm bảo chất lượng về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên giảng dạy và được chính quyền địa phương quản lý. Hiện nay, ngành GD-ĐT đang đề xuất lên Bộ Tài chính hỗ trợ 120.000 đồng/tháng cho trẻ đi học mầm non ở những vùng đặc biệt khó khăn. Như chúng ta có thể cho trẻ học nội trú ngay tại trường, sẽ góp phần huy động trẻ đến trường nhiều hơn.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng: Trẻ được tiếp cận với GDMN càng sớm, càng thúc đẩy quá trình phát triển về thể lực và trí tuệ cho những bậc học sau. Vì vậy, Việt Nam không nên ngần ngại bỏ ra kinh phí để đầu tư cho GDMN. Trong đó nên chú trọng vào việc xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, phát triển đội ngũ giáo viên thông qua các khoá đào tạo chăm sóc trẻ ngắn và dài hạn có sự phối hợp với các tổ chức nước ngoài./.