Cần phân loại dân tộc để cử tuyển đại học
Với cách làm hiện nay, những dân tộc có khả năng nội lực tốt thì sẽ được thụ hưởng nhiều hơn từ việc hỗ trợ.
Sau khi giám sát một số tỉnh và làm việc với các cơ sở đào tạo, sáng 30/9, thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội có buổi làm việc với một số Bộ, ngành và trường đại học ở Hà Nội về công tác tuyển sinh, đào tạo và sử dụng cán bộ cử tuyển theo Nghị định 134 năm 2006 của Chính phủ. Đây là một chính sách để tạo nguồn cán bộ, công chức cho vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Nhiều vấn đề được đặt ra, đòi hỏi phải được giải quyết thấu đáo.
Nội dung được bàn tới nhiều nhất giữa thường trực Hội đồng Dân tộc Quốc hội và đại diện một số Bộ, ngành và các trường đại học là những bất cập trong quy trình tuyển sinh; chất lượng sinh viên cử tuyển thấp; mất cân đối ngành nghề, dân tộc và không bố trí được công tác ở cơ sở khi sinh viên ra trường. Mấu chốt của vấn đề vẫn là do cán bộ chưa hiểu chính xác về Nghị định 134. Các xã đặc biệt khó khăn thiếu quy hoạch cán bộ, công chức; Chưa có sự phân công giữa các cấp, các ngành; đào tạo dự bị chất lượng kém, làm không bài bản…
Sau khi đi giám sát ở Bắc Cạn và Thái Nguyên, bà Triệu Thị Nái – Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội nêu thực tế: “Đi học về, các em phải thi tuyển. Tuy nhiên, Luật Cán bộ công chức và Nghị định 24 không nói rõ vấn đề học sinh cử tuyển, chỉ nói về thi tuyển và xét tuyển. Kể cả xét tuyển, các em vẫn phải phỏng vấn. Đây cũng là khó khăn khiến các em không xin được việc làm”.
Thiếu sự nhịp nhàng, thống nhất trong phối hợp giữa các cơ sở đào tạo và địa phương cử sinh viên đi học cũng là nguyên nhân làm công tác cử tuyển chưa hiệu quả. Ông Kso Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị: “Bộ Giáo dục- Đào tạo cũng phải quay về vấn đề vĩ mô chiến lược, yêu cầu các trường đại học thống kê hết các cháu học đại học từng năm một, phân loại dân tộc. Phân loại dân tộc là việc làm vô cùng quan trọng để chúng ta có một chính sách đúng. Chúng ta không nên để dân tộc thiểu số thành mẫu số chung, rồi áp đặt một chính sách cho các dân tộc thiểu số. Khi ta áp đặt như thế thì những dân tộc có khả năng nội lực tốt thì sẽ được thụ hưởng nhiều hơn việc hỗ trợ. Còn những dân tộc ít có điều kiện thì không được thụ hưởng”.
Báo cáo của Bộ Giáo dục-Đào tạo cho biết: Trong 5 năm qua, có hơn 11.300 sinh viên vào các trường đại học, cao đẳng theo diện cử tuyển, đạt 85% kế hoạch, nhưng số này khi ra trường có được bố trí việc làm không thì Bộ Giáo dục không thể nắm được.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho rằng: “Địa phương khi đã gửi một thí sinh đi học cử tuyển thì phải bám sát, theo dõi kết quả học tập của họ, từ lúc họ vào trường cho đến khi ra trường để sử dụng họ đúng vị trí và đảm bảo đúng yêu cầu của việc cử tuyển”.
Nhìn chung, còn khá nhiều bất cập đang tồn tại trong việc thực hiện chính sách cử tuyển theo Nghị định 134 của Chính phủ. Để giải quyết căn bản vấn đề, nhiều ý kiến cho rằng: cần khẩn trương tiến hành tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 134. Những vướng mắc cần phải được tháo gỡ và điều chỉnh, để chính sách ưu việt này thực sự đến với đồng bào vùng đặc biệt khó khăn./.