Cần phạt nghiêm kẻ ngông cuồng

Từ năm 2009 đến nay, cả nước đã xảy ra hơn 1.100 vụ chống người thi hành công vụ. Trong đó chủ yếu là các đối tượng tấn công lực lượng cảnh sát đang làm nhiệm vụ.

Giờ đây, ở Việt Nam, bên cạnh tình trạng tắc đường vẫn xảy ra như cơm bữa thì việc chống người thi hành công vụ cũng không còn là chuyện lạ. Những “chuyện lạ” mà quen này xuất hiện ngày càng nhiều, đến mức nhiều người phải thốt lên rằng: “Những hình ảnh ấy chỉ có thể bắt gặp khi tham gia giao thông ở Việt Nam”. Điều đáng lo ngại là có không ít những vụ chống đối mà thủ phạm là giới trẻ, là học sinh, sinh viên.

Chỉ cách đây vài ngày, dư luận lại xôn xao trước việc một cô gái khai là sinh viên tên Nguyễn Thị Thanh Huyền tấn công thô bạo cảnh sát cơ động. Sự việc xảy ra vào khoảng 1 giờ ngày 7/5, tại Hà Nội khi cô gái này cùng với một nam sinh khác sau khi bị lực lượng cảnh sát cơ động chặn xe vì không đội mũ bảo hiểm đã tìm mọi cách để tháo chạy. Lực lượng cảnh sát cơ động phải huy động sự trợ giúp của công an phường Giáp Bát và Cảnh sát 113. Sau khi bị bắt, nữ sinh này lớn tiếng vu cảnh sát cơ động là… giả, công an phường là… ăn cướp. Ngang nhiên hơn, cô ta còn hùng hổ xô đẩy, kéo cổ áo và dùng tay đấm thẳng vào mặt một cảnh sát cơ động. Hành vi ngông cuồng, bất chấp pháp luật này khiến những người chứng kiến vô cùng bất bình, thậm chí, nhiều người còn xông ra đòi “xử” đôi nam nữ này.

Kiểu hành xử ngông cuồng đến mức khó hiểu này cũng khiến nhiều người nhớ đến hành vi tát cảnh sát giao thông của một nữ sinh 9X ở TP. Hồ Chí Minh vào đầu tháng 7/2011. Cô gái tuổi teen có mái tóc vàng hoe này khi bị bắt giữ vì vi phạm 4 lỗi giao thông, thay vì xuất trình giấy tờ đã xông vào tát liên tiếp vào mặt cảnh sát giao thông rồi quay ra… xỉu. Người mẹ đi cùng thay vì ngăn cản con cũng xông vào tát… phụ họa. Cô gái này đã phải trả giá bằng 6 tháng tù giam cho hành vi coi thường pháp luật. Trước tòa, cô gái tỏ ra ngỡ ngàng bởi hình phạt cô cho là quá nặng. Có lẽ, khi vi phạm, cô đã không hề nghĩ đến hậu quả của nó. 

Thử đặt câu hỏi, nếu phải phạt vi cảnh, những cô gái này cũng sẽ chỉ bị xử phạt vài ba trăm nghìn. Nhưng tại sao họ lại lựa chọn cách chống đối quyết liệt như vậy để rồi cuối cùng phải nhận lấy những hậu quả mà chính họ cũng không thể lường trước? Thực tế, hành vi chống đối này phản ánh sự lệch lạc trong ý thức và lối sống của một bộ phận giới trẻ hiện nay khi sẵn sàng bất chấp pháp luật. Chắc chắn, những người đã đến tuổi trưởng thành này nhận thức được rõ hành vi vi phạm của mình.

Bên cạnh đó, hình ảnh cảnh sát giao thông đu cần gạt nước trên đầu xe hàng nghìn mét bởi sự ngông cuồng của tài xế cũng chỉ có thể là “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam.

Có thể có người này, người nọ chưa bằng lòng với CSGT ở nơi này, nơi khác. Nhưng ai cũng phải thừa nhận rằng, nếu không có những chiến sĩ áo vàng trên đường, tất cả sẽ “loạn” hết. Cho nên, dư luận toàn xã hội đều lên án các hành vi “côn đồ” chống người thi hành công vụ. Các bậc phụ huynh cần giáo dục ngay từ sớm cho con em mình ý thức tôn trọng pháp luật và tôn trọng những người thi hành công vụ. Cần tiếp tục dấy lên trong cộng đồng xã hội ý thức lên án những hành động chống người thi hành công vụ và ủng hộ những người thi hành công vụ khi họ hướng dẫn giao thông, giải quyết ùn tắc…

Nhiều người cho rằng, những giải pháp về giao thông ở Việt Nam đang “rối như canh hẹ”. Rối vì giải pháp đưa ra nhiều, số được thực thi cũng không ít, nhưng tắc đường vẫn hoàn tắc. Nhiều thủ phạm gây ra nạn ùn tắc và tai nạn giao thông đã được điểm mặt chỉ tên, song vẫn chưa có những giải pháp nào điểm “trúng huyệt”. Bởi rõ ràng, ô tô hay xe máy đều không phải là thủ phạm hay vật mang tội. Lỗi ở đây phần lớn thuộc về chính những chủ nhân của nó, khi vẫn còn tồn tại quá nhiều khoảng trống trong ý thức của người tham gia giao thông, trong đó có một bộ phận không nhỏ là giới trẻ. 

Còn chúng ta, trước sau vẫn cần có ý thức tôn trọng luật đi đường./.

Cần làm rõ nguyên nhân việc chống người thi hành công vụ

Cần phải có một đề án nghiên cứu sâu sắc về vấn đề này, trong đó cần làm rõ nguyên nhân việc chống người thi hành công vụ. Nhằm khắc phục nguyên nhân chủ quan có thể liên quan đến các hành vi chống người thi hành công vụ, ngành Công an đang tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”. ý nghĩa của cuộc vận động nhằm nâng cao năng lực hoạt động của cán bộ, chiến sỹ, đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự xã hội, qua đó góp phần hạn chế hành vi chống người thi hành công vụ.

Thiếu tướng Đặng Thái Giáp, Cục trưởng Cục công tác Chính trị - Tổng cục xây dựng lực lượng Bộ Công an.

Nghiêm trị một bộ phận thanh niên có tính côn đồ hung hẵn

Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ chống người thi hành công vụ, đặc biệt là người vi phạm giao thông đâm xe vào cảnh sát giao thông. Tất cả những người gây ra hành vi này đều bị bắt giữ bị khởi tố và truy tố theo đúng các thủ tục pháp luật.

Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an Hà Nội).

Đủ yếu tố cấu thành tội chống người thi hành công vụ

Hành động Nguyễn Thị Thanh Huyền đánh vào mặt cảnh sát cơ động Nguyễn Văn Sang nếu đúng như phản ánh của báo chí thì đã đủ yếu tố cấu thành tội chống người thi hành công vụ.

Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Công ty Luật hợp danh Hồng Bách và Cộng sự, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội.

Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, từ năm 2009 đến nay, cả nước đã xảy ra hơn 1.100 vụ chống người thi hành công vụ. Trong đó chủ yếu là các đối tượng tấn công lực lượng cảnh sát đang làm nhiệm vụ. Đáng báo động là con số này ngày càng tăng trong quá trình thực hiện Nghị quyết 32 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông.

Điều 257, Bộ luật hình sự: Tội chống người thi hành công vụ nêu rõ:

1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội nhiều lần;

c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên