Câu chuyện điểm sàn và chất lượng giáo dục

Nhiều trường ĐH, CĐ, đặc biệt trường ngoài công lập cho rằng, không phải điểm sàn thấp thì chất lượng sẽ kém, quan trọng là thương hiệu của trường.

Kết quả điểm thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay nhìn chung thấp hơn năm trước. Nó có thể không gây khó cho các trường ĐH thuộc “tốp trên”, nhưng với các trường thuộc “tốp giữa” và “tốp dưới”, trong đó có các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, các trường của địa phương sẽ có nguy cơ không tuyển đủ chỉ tiêu. Và, vấn đề điểm sàn của Bộ GD&ĐT đưa ra sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả tuyển sinh của các trường. Cho nên, dư luận xã hội và đặc biệt là phía các trường đang có những phản ứng mạnh quanh chuyện điểm sàn và khả năng tuyển sinh giữa các trường công lập và ngoài công lập.

Điểm sàn thấp thì chất lượng sẽ kém?

Thực tế công tác tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập không phải riêng năm nay mới khó khăn mà trong vài năm trước cũng đã rất khó khăn. Vì điểm sàn Bộ GD&ĐT đặt ra chung, nhưng với chất lượng giáo dục của các trường “tốp trên” sẽ ít trở ngại, trong khi đó, các trường “tốp dưới”, đặc biệt là các trường đại học ngoài công lập thì cũng rất khó khăn. Còn nhớ, mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010, các trường cũng rất khó tuyển và Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã phải làm việc với Bộ GD&ĐT, sau đó Bộ trưởng đã cho phép các trường ngoài công lập nới thời gian tuyển sinh và bù chỉ tiêu đại học không tuyển được bằng chỉ tiêu cao đẳng. Và, năm nay, ngày 02/8, Hiệp hội này lại vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị xem xét về điểm sàn trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay.

Đề thi ĐH, CĐ 2011 được đánh giá là khó

Theo đó, Hiệp hội đưa ra 2 phương án đề nghị Bộ GD&ĐT. Phương án thứ nhất, Bộ nên giao các trường căn cứ vào chỉ tiêu được phân, căn cứ khả năng nguồn tuyển của địa phương và yêu cầu nguồn nhân lực của địa phương để xác định ra điểm sàn cho trường, sau đó trình Bộ duyệt. Theo GS Trần Hồng Quân- Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng ngoài công lập, làm theo phương án này tháo gỡ được tất cả các bế tắc mà các trường gặp phải. Phương án thứ 2, Hiệp hội cho rằng, khi Bộ đã có quyết định vẫn xây dựng điểm sàn thì nên chọn phương án chấp nhận điểm sàn hơi thấp một chút, cần có độ dư nguồn tuyển từ điểm sàn trở lên ít nhất 30-40% để các trường công lập tuyển xong còn lại cho các trường ngoài công lập, và trừ đi số hồ sơ ảo. 

Nhiều năm qua cho thấy rõ, điểm sàn phụ thuộc vào đề thi. Mỗi năm chúng ta có thể thi đề khác nhau, nhiều thầy giáo giỏi được mời vào làm đề thì thầy giỏi cũng muốn “ra đề hay”. Nhưng chọn các thầy giỏi ở các vùng miền ra đề như vậy không thể khẳng định được rằng sẽ có đề đồng đều các năm. Mà năm nay, theo dư luận chung là đề thi khó.

Cùng chung những trăn trở về “mớ bòng bong” của mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, đặc biệt là trước ngưỡng thời điểm chờ Bộ GD&ĐT quyết điểm sàn, GS, TSKH, NGND Hoàng Trọng Yêm (Hiệu trưởng ĐH Lương Thế Vinh, Nam Định) phân tích và kiến nghị: “Chúng tôi đề nghị Bộ không đặt vấn đề quan trọng rằng điểm sàn thấp đi thì chất lượng sẽ kém đi. Điểm sàn tuỳ thuộc vào chất lượng bài thi, độ khó của bài thi. Nếu bài thi dễ thì điểm sàn cao, bài thi khó hơn thì điểm sàn thấp hơn”.

Ông Văn Đình Ưng- Trưởng ban Thông tin tuyên truyền- Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập: “Nếu căn cứ vào điểm sàn để đánh giá chất lượng một kỳ thi hay chất lượng đầu vào chưa hẳn đúng. Bởi vì, kết quả kỳ thi THPT năm nay đạt 95-96% thì đó chính là kết quả thật vì các em thi những 6 môn”. Ông phân tích thêm: “Nếu hạ điểm sàn xuống không có nghĩa là chất lượng kém mà chất lượng nên đánh giá ở kỳ thi tốt nghiệp THPT và chất lượng học sinh đi thi các kỳ thi quốc tế bao giờ cũng được giải. Còn điểm sàn phụ thuộc vào độ khó dễ của đề thi từng năm. Cho nên, không nặng nề khái niệm hạ hay tăng điểm sàn”. 

Điểm sàn và sự “sống - chết” của các trường

Có thể thấy, hiện nay không chỉ các thí sinh mong ngóng điểm sàn mà lãnh đạo nhiều trường ĐH ngoài công lập cũng căng thẳng chờ đợi. Điểm sàn năm nay giảm hay bằng năm ngoái sẽ quyết định sự “sống - chết” của các trường.

Thực tế cho thấy, nếu Bộ GD&ĐT chỉ cần hạ 0,5 điểm sàn so với năm ngoái thì cũng đã cứu được hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn thí sinh. Và việc hạ điểm sàn ĐH, CĐ còn cứu rất nhiều trường đang đứng trước nguy cơ thiếu chỉ tiêu đào tạo, nhiều ngành học đứng trước nguy cơ đóng cửa hoặc ghép ngành. Bởi, Theo ông Văn Đình Ưng: “Năm nay nếu điểm sàn tương tự như năm ngoái, sẽ có nhiều trường không tuyển được sinh viên”.

Về băn khoăn này, GS, TS Trần Hữu Nghị (Hiệu trưởng ĐHDL Hải Phòng) chia sẻ: “Trường tôi tổ chức thi, số thí sinh đạt 10 điểm trở lên chỉ chiếm 37%. Tôi nghĩ không thể nào lấy điểm sàn bằng năm ngoái được. Cần có cách xác định điểm sàn hợp lý để tất cả các nguồn tuyển sinh đưa vào các trường thì các trường đều đạt số lượng chỉ tiêu đã được Bộ cho phép. Tức là, với tình hình thi hiện nay, điểm sàn nên hạ trong khoảng từ 0,5-1,0 điểm”.

Còn GS, TSKH, NGND Hoàng Trọng Yêm (Hiệu trưởng ĐH Lương Thế Vinh, Nam Định) kiến nghị: Về lâu dài, đề nghị Bộ GD&ĐT bỏ quy định “ba chung”. Hãy trao quyền tự chủ cho các trường công lập và ngoài công lập, từ đó Bộ xác định cho họ chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm”.

Xem điểm thi đại học

Mặc dù muốn có điểm sàn hợp lý để cứu vãn tình thế nguy cơ có trường “trắng tay” mùa tuyển sinh nàyn nhưng cũng đặt ra vấn đề, nếu cứ điểm thi thấp lại xin hạ điểm sàn thì như vậy có thực chất không, và còn có ý nghĩa “ba chung” không? Nhớ lại trước đây, khi mới có chủ trương thực hiện quy định điểm sàn, quan điểm chung của giới chức ngành giáo dục là điểm sàn phải từ 15 điểm trở lên. Nhưng vài năm nay, việc điểm sàn hạ từ 14 xuống 13 cho thấy nó phụ thuộc vào sự khó dễ của đề thi.

Cho nên, vấn đề quan trọng là các trường phải xây dựng thương hiệu chứ không phải kêu mãi về điểm sàn. Bởi vì chúng ta đang có khoảng 400 trường ĐH, CĐ trong cả nước và chất lượng của từng trường chính là thương hiệu, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả tuyển sinh.

Nếu vì lo sẽ không tuyển đủ chỉ tiêu mà coi thường hoặc bỏ đi điểm sàn, dư luận xã hội sẽ lo ngại chất lượng đào tạo của các trường ĐH, CĐ khi điểm đầu vào thấp. Do đó, chúng ta nên phân ra một số loại trường, loại trường đào tạo chất lượng cao, trường trung bình và các trường dân lập, tư thục. Theo ông Văn Đình Ưng: “Các trường ngoài công lập nên đào tạo nhiều nghề, không nên tham vọng đào tạo nhân tài lớn lao mà cần xác định đào tạo cho các em có một nghề ở bậc ĐH, CĐ. Vì thế, không nên đánh đồng chất lượng chung trong các trường đại học mà nên xem xét vấn đề có tạo ra nguồn nhân lực đủ cho đất nước phát triển, đó mới là quan trọng”.

Ông Ưng còn chia sẻ: “Nhiều ý kiến cho rằng, nếu Bộ giao cho các trường số lượng chỉ tiêu tuyển sinh mà không tạo điều kiện cho các trường lấy đủ số lượng tuyển sinh đó thì chính Bộ cũng có khuyết điểm”. Và, Hiệp hội đề nghị sẽ có một kỳ thi chung, không cần một kỳ thi ĐH, CĐ riêng nữa vì thương hiệu của nhà trường sẽ quyết định trong vấn đề đào tạo.

Thiết nghĩ, bài toán về điểm sàn, chất lượng giáo dục, rồi cách thức tuyển sinh dù Bộ GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ giải bằng cách nào cũng cần hướng đến mục đích đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, tránh gây ra tình trạng lãng phí cơ sở vật chất và năng lực đào tạo hiện có của nhiều trường./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên