Cây đổ làm sập nhà, chết người, ai chịu trách nhiệm?

Đã đến lúc câu hỏi trách nhiệm phải được đặt ra, vì không thể để những cây cổ thụ ngã đổ một cách vô tình giữa thành phố đông đúc.

Theo số liệu báo cáo của cơ quan chức năng, cơn bão số 5 không trực tiếp đổ bộ vào Hà Nội, nhưng mưa to gió lớn đã làm trên 140 cây xanh các loại bị gãy đổ, trong đó phải kể đến những cây xà cừ cổ thụ. Hậu quả không còn là gây ùn tắc, bung nề vỉa hè, làm hỏng một số phương tiện… mà còn khiến người thiệt mạng.

Nếu nói là thiên tai thì không sai, nhưng chẳng nhẽ không có ai có trách nhiệm trong những vụ việc tương tự như thế này? Với sức gió cộng lượng mưa chưa phải là lớn trong mùa mưa bão, các tòa nhà cao tầng giăng kín cản gió mà những cây cổ thụ vẫn bật gốc, đổ ngã một cách dễ dàng thì ắt hẳn phải có nguyên nhân.

Xử lý cây đổ tại đường Nguyễn Khắc Nhu, quận Ba Đình, Hà Nội

Theo các chuyên gia, loài cây xà cừ có rể rất nông nên dễ bị “hạ gục” khi mưa to gió lớn. Cùng với đó, nhiều công trình khi thi công đào bới lòng đường đã “xén” bớt rể nên sức chống chọi của cây giảm. Song một nguyên nhân khác cũng cần đề cập là việc rà soát, thanh lọc những cây có nguy cơ chưa được làm tốt.

Trong cuộc họp rút kinh nghiệm sau cơn bão số 5 vừa qua, lãnh đạo Hà Nội đã yêu cầu Sở Xây dựng rà soát toàn bộ hệ thống cây xanh để phân loại, xử lý cây có nguy cơ gẫy đổ.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng chỉ đạo, tại những đường phố mới phải trồng những cây có rễ cọc, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và địa hình khu vực. Trồng đảm bảo đúng kỹ thuật, đúng quy định. Lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu đơn vị liên quan phải chuẩn bị đủ trang thiết bị để khắc phục ngay khi có cây đổ.

Vậy mà chưa đầy một tuần sau phiên họp chỉ đạo, vào rạng sáng 23/8, một cây xà cừ cổ thụ với chiều cao trên 30m trước cửa căn nhà số 17 Nguyễn Khắc Nhu quận Ba Đình, Hà Nội đã bật gốc vắt ngang đường, đổ sập vào Trụ sở Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN/NPT), gây thiệt hại về tài sản của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và gây ách tắc giao thông. Rất may cây đổ về đêm đường phố ít người qua lại, cơ quan nghỉ làm việc, nếu không hậu quả khó nói trước.

Điều đáng nói ở đây là sau cơn bão số 5, cây đã bị bật gốc và “nghiêng nghiêng… chờ đổ”. Người dân và công ty EVN/NPT gửi 3 công văn tới Sở Xây dựng thành phố Hà Nội, Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội, nhưng không được giải quyết kịp thời.

Trên địa bàn thành phố Hà Nội đang trồng hàng nghìn cây xà cừ và đương nhiên mưa bão thì vẫn còn tiếp diễn. Điều đó đồng nghĩa với việc những hộ dân sống ven đường, người tham gia giao thông trên đường sẽ bị đe dọa vì cây có thể đổ bất cứ lúc nào.

Câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai nếu cây đổ làm sập nhà, chết người lại được đặt ra, vì không thể để những cây cổ thụ ngã đổ một cách vô tình giữa thành phố đông đúc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên