Chuyên gia tâm lý mách cách giúp học sinh giảm lo âu khi cách ly xã hội

VOV.VN- "Một số nghiên cứu cho thấy, về tâm lý xã hội, việc cách ly từ khoảng 2 tuần trở lên, có thể gây ra những tổn thương sức khỏe tinh thần cho học sinh".

Đó là chia sẻ của PGS.TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý, giảng viên Trường Đại học Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội tại video clip “Lo âu trong cách ly xã hội và cách phòng chống”. Đây là sản phẩm đầu tiên của Chương trình “Đồng hành cùng Học sinh sinh viên trong mùa Covid-19” ra mắt ngày 13/4 trên Fanpage "Học sinh, sinh viên Việt Nam".

Chương trình được Bộ GD-ĐT giao Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên tổ chức, với sự hỗ trợ của UNICEF. Giai đoạn đầu dự kiến diễn ra từ 13/4 đến 22/5 và tiếp tục triển khai lâu dài phục vụ công tác học sinh sinh viên. Ngay sau khi khởi động ngày 13/4, hàng vạn học sinh, sinh viên đã xem, chia sẻ, thể hiện cảm xúc với các nội dung đăng tải của chương trình.

PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, việc cách ly từ khoảng 2 tuần trở lên, có thể gây ra những tổn thương sức khỏe tinh thần cho học sinh. (Ảnh minh họa)

Theo PGS.TS. Trần Thành Nam, những tổn thương sức khỏe tinh thần do bị “cắt” khỏi những hoạt động ý nghĩa thường làm hằng ngày như giao tiếp, làm thêm, … có thể khiến học sinh sinh viên mất phương hướng, thay đổi thói quen, cảm thấy tù túng, bất an, mất ngủ, nhiễm bệnh, … Tại chương trình, chuyên gia tâm lý đã đưa ra những hướng dẫn để học sinh sinh viên có thể nhận diện những dấu hiệu lo âu trong giai đoạn này, cũng gợi ý cách thức cân bằng tâm lý, ứng phó với những cảm xúc tiêu cực trong giai đoạn này.

Theo ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, “Đồng hành cùng học sinh sinh viên trong mùa Covid-19” sẽ kịp thời tư vấn, hỗ trợ học sinh sinh viên tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong học tập, rèn luyện và trong các mối quan hệ gia đình, nhà trường, xã hội.

Tâm lý lạc quan, vui, khỏe sẽ giúp phòng ngừa, ngăn chặn những tác động tiêu cực đến tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của học sinh sinh viên và phòng, chống bạo lực, bắt nạt trẻ em trên môi trường mạng.

Chương trình bao gồm các buổi tư vấn trực tuyến cùng chuyên gia, video, blog, infographic, … được cập nhật trên Fanpage "Học sinh, sinh viên Việt Nam" và các kênh thông tin truyền thông lớn khác.

“Chủ đề chính xoay quanh phòng, chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe; học tập trực tuyến, qua truyền hình; thi chuyển cấp, thi THPT Quốc gia, tuyển sinh đại học, cao đẳng; rèn luyện kĩ năng sống”, ông Bùi Văn Linh cho biết.

Đại diện Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, Chương trình cũng sẽ hướng dẫn học sinh sinh viên sử dụng Internet, mạng xã hội an toàn và ứng xử văn hóa trên môi trường mạng. Đồng thời, khuyến khích các em xây dựng video clip, chia sẻ kinh nghiệm khi học tập, vui chơi ở nhà.

Hội đồng chuyên gia tư vấn của chương trình bao gồm: GS.TS. Huỳnh Văn Sơn – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP TP.Hồ Chí Minh; PGS.TS. Trần Thành Nam – Trưởng khoa Các khoa học, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội cùng các chuyên gia đến từ Trường ĐHSP TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường ĐHSP Hà Nội,…/.

Chương trình nhằm kịp thời tư vấn, hỗ trợ chuyên sâu về các vấn đề, nhu cầu cấp thiết của HSSV, các bậc phụ huynh trong và sau thời gian học ở nhà dài ngày để phòng chống dịch Covid-19. Các nhóm chủ đề bao gồm:

Nhóm chủ đề phòng, chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe: Hướng dẫn thể dục tại nhà, thông tin phòng, chống Covid-19, cách giảm thiểu thói quen hành vi chạm tay lên mắt – mũi – miệng, 10 nên – 8 không trong mùa dịch, tránh xa béo phì – tăng cân – cận thị, khó khăn tài chính với sinh viên, phòng chống bắt nạt trẻ em qua mạng, biện pháp cân bằng cảm xúc, …

Nhóm chủ đề học tập trực tuyến qua internet, trên truyền hình: Kỹ năng học tập thời Covid-19; làm sao để tập trung, chủ động khi học từ xa; khắc phục khó khăn khi sử dụng công nghệ; khám phá tri thức trực tuyến, …

Với nhóm đề thi, tuyển sinh, các chuyên gia sẽ tư vấn phương pháp ôn thi, hướng nghiệp…

Nhóm chủ đề rèn luyện kỹ năng sẽ xoay quanh các nội dung: Giảm cô đơn, buồn chán trong giai đoạn cách ly xã hội, quản lý stress, tự chăm sóc bản thân, tự học, ứng xử trên môi trường mạng, tư suy tích cực, quản lý thời gian, thói quen lành mạnh, kỹ năng xác định mục tiêu, mâu thuẫn, …

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên